Giải pháp để TP HCM phát triển xứng tầm

Trong ngày làm việc thứ hai (16-10), Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiều đại biểu đã trình bày giải pháp để TP HCM phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh, bền vững

. Đại biểu HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM:

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

Những năm qua, chính quyền TP HCM luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư. Tuy nhiên, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số CCHC (PAR Index) trong giai đoạn 2016-2019, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Năng lực cạnh tranh có chuyển biến nhưng chưa thật sự mạnh mẽ và nổi bật; số lượng thủ tục hành chính được cung cấp và sử dụng theo hình thức dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 so với số thủ tục hành chính được công bố chưa nhiều; công tác xã hội hóa dịch vụ công chưa được thực hiện sâu, rộng...

Để nâng cao hoạt động hiệu quả của bộ máy chính quyền, gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của TP, đưa chính quyền đến gần người dân..., trong giai đoạn 2020-2025, TP cần có các bước cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của TP theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ công thiết yếu khác thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

TP cần tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số nhằm phát triển chính quyền số, kinh tế số; thực hiện chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực. Lấy tiêu chí sự hài lòng của người dân làm thước đo để các cơ quan hành chính hoàn thiện và cải thiện hoạt động.

Bên cạnh đó, rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc UBND TP và các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với đặc điểm của TP. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để thống nhất nội dung, giải pháp kỹ thuật khi xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số.

. Đại biểu LÊ HỒNG SƠN, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM:

Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế

Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X đã xác định Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá. Đại hội XI tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa với việc chỉ đạo xây dựng, triển khai đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, tập trung vào 8 ngành trọng điểm, gắn chặt với nhu cầu phát triển trong thời gian tới.

TP đã sớm đưa mục tiêu hội nhập vào các cấp học phổ thông. Trong thời gian tới, giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

TP đã xây dựng Đề án "Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020- 2030". Đây là tiền đề quan trọng để giáo dục TP tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lý, hình thức tổ chức hoạt động dạy - học trong nhà trường. Bước đầu mô hình thí điểm Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh và Đề án mô hình trường học thông minh đang được gấp rút triển khai.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích cực phối hợp với hội đồng hiệu trưởng các trường đại học xây dựng Đề án tổng thể "Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 và Đại học chia sẻ" cùng với 9 đề án thành phần. Đề án là cơ sở để các trường đại học được phân công xây dựng nhằm đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của 8 ngành trọng điểm: công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị và Đề án Đại học chia sẻ. Khái niệm "Đại học chia sẻ" đã xuất hiện nhiều ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, phát triển. Hiện ĐHQG TP HCM xây dựng và triển khai thí điểm mô hình Đại học chia sẻ (chia sẻ tài nguyên: tài liệu sách, giáo trình, hệ thống bài giảng…) để làm cơ sở phát triển trong thời gian tới.

Đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI. Ảnh: BAN TỔ CHỨC

Đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI. Ảnh: BAN TỔ CHỨC

. Đại biểu TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM:

Giám sát, phản biện những vấn đề nhân dân quan tâm

Năm năm qua, MTTQ TP HCM và các tổ chức thành viên có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng trong tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân; các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động hướng mạnh về cơ sở đã huy động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả mang tính thiết thực được nhân rộng, lan tỏa.

Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP, các cấp đã trở thành hoạt động đột phá, là phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của nhân dân góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp TP trong sạch, vững mạnh.

Từ kết quả thực tiễn đã chứng minh đổi mới phương thức hoạt động, lấy công tác giám sát, phản biện xã hội làm động lực phát huy dân chủ nhân dân, nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân là tất yếu phù hợp với sự phát triển chung TP, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nhận thức và tổ chức thực hiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp TP vẫn chưa thực sự bài bản. Một số nơi còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung và phương thức thực hiện. Hoạt động giám sát chủ yếu tập trung đối với hoạt động của chính quyền, chưa thực hiện giám sát đối với cấp ủy Đảng. Hoạt động phản biện xã hội có sự chuyển biến bước đầu nhưng vẫn còn hạn chế…

Để nâng cao vai trò của MTTQ TP các cấp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, cần tiếp tục phát huy hiệu quả sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Phát huy các hình thức vận động, tuyên truyền, tập hợp, đoàn kết nhân dân. Tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của hệ thống MTTQ TP và các tổ chức chính trị - xã hội TP các cấp.

Đặc biệt, ứng dụng khoa học - công nghệ, các tiện ích mạng xã hội; đồng thời phối hợp với các cơ quan báo, đài TP nhằm tạo kênh thông tin và tương tác nhiều chiều. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự hợp tác của đối tượng được giám sát về việc cung cấp thông tin, tổ chức tiếp đoàn giám sát, việc báo cáo nội dung theo yêu cầu của chủ thể giám sát, việc tiếp thu ý kiến sau giám sát...

Đảng đoàn MTTQ TP kiến nghị Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án: "Nâng cao vai trò của MTTQ và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP HCM giai đoạn 2020-2030".

Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI gồm 65 người

Tại cuộc họp báo chiều 16-10, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, người phát ngôn của đại hội - đã cung cấp một số thông tin về công tác nhân sự.

Theo đó, tại ngày làm việc thứ hai, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa X đã trình đại hội số lượng 72 ứng viên để bầu Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI. Việc giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI được thực hiện chặt chẽ theo các bước quy trình. Cụ thể, có 47 trường hợp được tái cử và 25 trường hợp được giới thiệu ứng cử lần đầu. Số lượng cơ cấu cán bộ nữ được giới thiệu là 13 người. Tuổi bình quân của Ban Chấp hành khóa XI là khoảng 48,4 tuổi. Đặc biệt, trong đó có 7 trường hợp đại biểu là cán bộ trẻ. Danh sách, lý lịch trích ngang 72 ứng viên đã được báo cáo trước đại hội. Đề án nhân sự Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI đã được Bộ Chính trị thông qua.

Cũng theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, đại hội đã thống nhất 100% số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI là 65 người, bầu tại đại hội 61 người. Việc bầu khuyết 4 người là để xem xét, điều chuyển, bố trí lại một số nơi cần có cơ cấu ủy viên Ban Chấp hành sau khi đại hội kết thúc. "Hiện nay, trong quá trình chuẩn bị, những vị trí có cơ cấu đó chưa bảo đảm được những tiêu chí cần thiết nên vẫn đang khuyết" - ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết.

Về việc giảm số lượng Thành ủy viên (khóa X là 69 người) là do thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, số lượng cấp ủy viên sẽ giảm 5% so với khóa trước.

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, qua quá trình thảo luận, phần đông ý kiến đại biểu thống nhất với việc chuẩn bị trên. "Tuy nhiên, đó là sự chuẩn bị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X. Số lượng chính thức sẽ được đại hội quyết định trong phiên họp sáng 17-10" - ông Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.

Dự kiến, hôm nay (17-10), đại hội sẽ biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025. Công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025, bầu Đoàn Đại biểu Đảng bộ TP dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ bầu Ban Thường vụ, bầu bí thư và các phó bí thư.

TP Thủ Đức đang sở hữu 3 thế mạnh

Trình bày tham luận về phát triển TP Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức) giai đoạn 2020-2035, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết hiện khu vực này đang sở hữu nhiều thế mạnh nổi trội của TP HCM. Đây là vị trí trung tâm miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận; đồng thời, đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước... Trong đó, Khu Công nghệ cao tại quận 9 và khu ĐHQG TP HCM tại quận Thủ Đức có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.

Các đại biểu xem sa bàn quy hoạch phát triển TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các đại biểu xem sa bàn quy hoạch phát triển TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khu vực đã cơ bản hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm Thể thao và Sức khỏe Rạch Chiếc tại quận 2 với chức năng chính là trung tâm thương mại - tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.

Trong tương lai, TP Thủ Đức sẽ có 8 trung tâm đổi mới sáng tạo: Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm Công nghệ tài chính; Khu Liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm Thể thao và Sức khỏe Rạch Chiếc; Khu Công nghệ cao - Trung tâm Sản xuất tự động hóa và khu công viên khoa học; Khu ĐHQG TP - Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ giáo dục; Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm Công nghệ sinh thái; Khu Trường Thọ - đô thị tương lai; Trung tâm kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái; Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Việc hình thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP với cơ sở hạ tầng thuận lợi, nhiều ưu thế được kỳ vọng thực hiện các đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của TP. Việc quy hoạch, đầu tư và hợp tác để xây dựng một khu đô thị sáng tạo không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, tài chính mà còn mang đến cơ hội quy hoạch phát triển đô thị dài hạn bền vững, thích ứng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện của TP.

Phan Anh - Thái Phương - Trường Hoàng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giai-phap-de-tp-hcm-phat-trien-xung-tam-20201016225936208.htm