Giải pháp để xây dựng trường học an toàn

An toàn trường học luôn là vấn đề 'nóng', bởi nó liên quan trực tiếp đến sự an toàn của học sinh. Do đó, tìm giải pháp để xây dựng trường học an toàn và giáo dục học sinh các kỹ năng cần thiết là việc làm rất cần được ngành giáo dục và toàn xã hội quan tâm.

Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với phụ huynh và học sinh Trường TH&THCS Đông Thịnh (Đông Sơn).

Đầu tháng 5 vừa qua, Trường TH&THCS Đông Thịnh (Đông Sơn) đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với phụ huynh và học sinh lớp 8, lớp 9 nhằm trao đổi, làm rõ những băn khoăn, vướng mắc trong hoạt động dạy và học, những vấn đề mà phụ huynh, học sinh quan tâm. Tại buổi đối thoại, nhiều phụ huynh, học sinh đã đề nghị ngành giáo dục huyện Đông Sơn có giải pháp cụ thể, hiệu quả để quản lý học sinh, nhất là học sinh lớp 8, lớp 9 đang ở độ tuổi có nhiều thay đổi trong tâm sinh lý; một số ý kiến cũng đề nghị tổ chức dạy thêm hợp lý, giúp nâng cao học lực nhưng phải đảm bảo sức khỏe của học sinh... Việc tổ chức hoạt động đối thoại nhằm tăng cường sự trao đổi, lắng nghe và phối hợp giữa gia đình, nhà trường, địa phương trong việc quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện học sinh, trao đổi những thông tin cần thiết về tình hình nhà trường cũng như việc tu dưỡng, rèn luyện của học sinh. Đây là hội nghị đối thoại thí điểm, tiến tới nhân rộng ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Đông Sơn.

Định kỳ hàng năm, Trường THPT Hà Trung phối hợp với Công an huyện, Phòng Tư pháp huyện Hà Trung đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ giáo viên, học sinh thực hiện các nội dung như: Phòng chống bạo lực học đường; phòng chống ma túy, thuốc lá điện tử; đảm bảo an toàn giao thông... Thầy Trịnh Xuân Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Trung cho biết: Đảm bảo môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh là một trong những nội dung cốt lõi mà nhà trường quan tâm, thực hiện. Nhà trường chú trọng giáo dục học sinh thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn trong trường học, nâng cao nhận thức về xây dựng trường học an toàn; rèn học sinh ý thức thực hiện tốt nội quy trường lớp, phòng chống các tai nạn thương tích, tổ chức các chương trình ngoại khóa nhằm rèn kỹ năng sống, ý thức cho học sinh, trang bị đầy đủ các phương tiện y tế, phòng chống cháy nổ trong trường...

Em Trần Thành Nguyên, lớp 10A, Trường THPT Hà Trung cho biết: Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại nhà trường, em đã nhận thức rõ được tác hại của các loại ma túy và các hành vi vi phạm quy định về an toàn trường học như đánh nhau, hút thuốc lá, vi phạm an toàn giao thông... Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc “nói không với bạo lực và tệ nạn xã hội”.

Tại Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn), nhiều giải pháp xây dựng trường học an toàn đã được thực hiện quyết liệt như lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình giáo dục; chú trọng các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích, cháy nổ, bạo lực học đường... Từ đó, góp phần tạo sự lan tỏa, hình thành thói quen, kỹ năng chủ động phòng, tránh tai nạn thương tích, bạo lực học đường trong nhà trường; tăng cường nền nếp, kỷ cương trong trường học, giáo dục ý thức trách nhiệm với cộng đồng, nâng cao kiến thức, ý thức tuân thủ pháp luật của học sinh...

Để bảo đảm an toàn trường học, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học; cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng các sản phẩm độc hại, chất gây nghiện... để giáo viên, học sinh và gia đình học sinh đề cao cảnh giác và tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.

Đáng chú ý, các trường học chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tại địa phương và gia đình học sinh tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát việc học tập, sinh hoạt, vui chơi của học sinh tại gia đình, nhà trường, khu vực chung quanh trường học và cộng đồng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc bạo lực học đường, học sinh vi phạm kỷ luật, đánh nhau hoặc vui chơi mất an toàn; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về công tác phòng, chống bạo lực học đường; gắn trách nhiệm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường...

Đã có nhiều công văn, chỉ thị, nhiều giải pháp được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn trường học, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa thấy rõ, biểu hiện qua tình trạng bạo lực học đường, học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, học sinh vi phạm quy định về an toàn trường học... Đòi hỏi sự vào cuộc, hành động của nhà trường, gia đình, toàn xã hội và ở chính ý thức của mỗi học sinh, góp phần tạo ra môi trường giáo dục an toàn, hạnh phúc cho học sinh. Đây cũng chính là đích đến của toàn ngành giáo dục.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/giai-phap-de-xay-dung-truong-hoc-an-toan/187132.htm