Sẵn sàng với các thay đổi của kỳ thi THPT 2025: Học sinh nên chuẩn bị gì ?

Từ năm 2025, Bộ GD&ĐT quyết định thay đổi cấu trúc đề thi và hình thức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018. Học sinh cuối cấp cần phải chuẩn bị để sẵn sàng chinh phục kỳ thi với nhiều thay đổi sắp tới.

Một số điểm mới trong kỳ thi THPT 2025

Kỳ thi THPT năm 2025 có những thay đổi đáng kể về phương án thi tốt nghiệp. Việc này vừa phù hợp với mục tiêu giảm áp lực, tiết kiệm thời gian, chi phí kỳ thi, vừa nâng cao chất lượng phân loại, đánh giá năng lực học sinh được chính xác hơn.

Về thời gian, từ năm 2025, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ rút ngắn thời gian tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ 4 buổi thi hiện nay xuống còn 3 buổi.

Về môn thi, thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT có 2 môn thi mang tính bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ.

Cấu trúc đề thi của các môn thi cũng được thay đổi khác so với các năm trước. Khác với dạng câu hỏi trắc nghiệm của các đề thi hiện nay, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ xuất hiện thêm một số dạng thức câu hỏi mới nhằm tăng cường tính phân hóa của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi như đã công bố trong phương án thi.

Các thí sinh phải nắm rõ những thay đổi này để có sự chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi. Ngoài ra, việc nắm bắt những thông tin mới cũng giúp giảm bớt lo lắng và áp lực, từ đó có thể tập trung vào việc rèn luyện kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Càng ở tâm thế chủ động, học sinh sẽ luôn có sự linh hoạt trong mọi hoàn cảnh

Càng ở tâm thế chủ động, học sinh sẽ luôn có sự linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Lo sợ là do chuẩn bị chưa đủ, bởi vậy, nếu như chuẩn bị thật tốt, học sinh có thể tự tin hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Với cách thức xây dựng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các học sinh được lựa chọn các nhóm môn học theo khả năng và sở trường ngay từ lớp 10 nên việc lựa chọn 2 môn thi tự chọn của học sinh không gặp khó khăn.

Dù học sinh có lựa chọn môn học học nào để dự thi nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng phương án bố trí ôn tập. Bởi vậy, ngay từ sớm, học sinh cần xác định những môn tự chọn theo năng lực, sở thích của bản thân để dự thi tốt nghiệp trong kì thi 2025.

Việc xác định càng sớm, học sinh càng có thêm thời gian để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và hiệu quả. Bên cạnh đó, học sinh có thể lên kế hoạch ôn tập chi tiết, tập trung vào những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Hơn nữa, việc lựa chọn môn học yêu thích sẽ tạo động lực học tập, giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn trong quá trình ôn thi.

Theo chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, những nội dung sách giáo khoa chỉ đóng vai trò là "học liệu" (không phải là nguồn kiến thức duy nhất). Bởi vậy, ngoài học các nội dung đã được xây dựng để giảng dạy, học sinh nên học thêm các kiến thức sâu hơn nhằm trang bị đầy đủ hơn kiến thức mở rộng trong thực tiễn.

Các kiến thức phục vụ cho kỳ thi là rất đa dạng. Vì thế mà việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động ngay từ sớm không chỉ mang lại lợi thế, mở ra cơ hội thành công cao hơn trong kỳ thi mà còn giúp học sinh có thể phát triển toàn diện, tự tin hơn.

Xuất phát sớm cũng giúp học sinh có thêm lợi thế ôn thi THPT

Xuất phát sớm cũng giúp học sinh có thêm lợi thế ôn thi THPT. Khi bắt đầu quá trình ôn tập từ sớm, các em sẽ có thời gian đủ để tiếp thu kiến thức sâu rộng và củng cố những phần yếu. Việc này rất quan trọng, bởi kiến thức trong kỳ thi không chỉ đòi hỏi sự ghi nhớ, thuộc lòng mà còn yêu cầu khả năng áp dụng và phân tích.

Học sinh nên xây dựng một kế hoạch ôn thi cụ thể cho từng môn học một. Để lập nên kế hoạch hiệu quả, học sinh phải tự đặt ra một mục tiêu càng rõ ràng càng tốt. Đây là điều rất cần thiết, bởi mục tiêu sẽ giúp định hướng quá trình ôn tập và tạo động lực cho các em. Hơn nữa, nhờ đó mới có thể phân bổ được lượng thời gian hợp lý cho những kiến thức quan trọng và trọng tâm.

Ngoài ra, một kế hoạch rõ ràng cũng giúp học sinh dễ theo dõi tiến trình học tập, có thể tự đánh giá được mình đã hoàn thành những gì và còn cần cải thiện ở đâu, từ đó điều chỉnh kế hoạch kịp thời.

Hiện nay, với sự phát triển công nghệ và internet, học sinh không còn khó khăn để tiếp cận các tài liệu học tập từ sớm. Vậy nên, nhiều học sinh đã chọn xuất phát sớm, chủ động tìm hiểu các kiến thức sớm hơn chương trình học tập trên trường lớp. Sự chủ động này giúp học sinh nhanh chóng hiểu bài và có nhiều thời gian hơn để tìm ra các khoảng trống trong kiến thức và bổ sung thêm.

Đa dạng tài liệu trên các nền tảng trên mạng xã hội, internet là một trợ thủ đắc lực nếu như học sinh biết cách tận dụng. Đây là những tài nguyên học tập vô hạn, khổng lồ. Những tài nguyên học tập này có thể giúp mở rộng kiến thức, tìm hiểu sâu hơn về các chủ đề, và làm quen với nhiều phương pháp học tập khác nhau.

Tuy nhiên, với khối lượng tài liệu khổng lồ như vậy, học sinh cần phải biết cách lựa chọn những nguồn uy tín và phù hợp để đảm bảo chất lượng thông tin. Việc này giúp tránh tình trạng "ngộ độc" tài liệu, khi mà quá nhiều thông tin không chính xác hoặc không cần thiết có thể gây rối loạn và làm mất tập trung trong quá trình ôn tập.

Vậy nên, học sinh nên tranh thủ để tận dụng thời gian để học và ôn luyện sớm nhất có thể, đặt ra mục tiêu cụ thể và lên kế hoạch để thực hiện những mục tiêu đó. Đây cũng việc giúp học sinh xây dựng được thói quen tự giác, kiên trì trong việc học tập. Nhờ đó, học sinh sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào kỳ thi, sẵn sàng chinh phục những thử thách phía trước.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/san-sang-voi-cac-thay-doi-cua-ky-thi-thpt-2025-hoc-sinh-nen-chuan-bi-gi-119241006091013514.htm