Giải pháp để xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ 4.0
Ngày 16/4 tại Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề 'Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025)'.
Hội thảo tổ chức nhằm mục đích đánh giá những thành tựu, hạn chế; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (4.0), đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thụy Du
Phát biểu khai mạc hội thảo, NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội chia sẻ: "Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa đất nước bước sang một trang sử mới, đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới; giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa; phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng; qua đó bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước".
Theo NSND Trần Quốc Chiêm, để thích ứng với tình hình mới, 50 năm qua Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các tổ chức hội và tập hợp văn nghệ sĩ để phát triển toàn diện với 9 hội chuyên ngành, hơn 4.400 hội viên.
Với sự chỉ đạo và quan tâm sâu sát của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã đạt được những thành tựu trong các hoạt động tổ chức và đầu tư sáng tác suốt nửa thế kỷ qua, tập hợp được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, sáng tạo ra nhiều tác phẩm và công trình nghệ thuật, phục vụ độc giả và công chúng Thủ đô.
"Các hoạt động văn học, nghệ thuật luôn gắn bó với dân tộc; nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống và lao động, sáng tạo của nhân dân; góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, bồi dưỡng giáo dục con người, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nước nhà…" - NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Bắc (Hội Nhà văn Hà Nội) cho rằng, văn học, nghệ thuật Thủ đô đã vận động theo hướng dân chủ hóa. Nếu trước đó văn học, nghệ thuật đề cao chức năng giáo dục, cổ vũ chiến đấu thì nay dù không xa rời mục tiêu giáo dục nhưng còn thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, đối thoại và đặc biệt là nhu cầu giải trí, dự báo, quan tâm đến sự chia sẻ…

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thụy Du
Trong khi đó, NSND Bùi Thanh Trầm (Hội Sân khấu Hà Nội) đánh giá, văn học, nghệ thuật nói chung và sân khấu Thủ đô nói riêng đã có sự giao lưu giữa các vùng miền, tác động, ảnh hưởng và tạo ra sự đổi mới. Những vấn đề xây dựng đời sống mới, lao động sản xuất, xây dựng đất nước và những vấn đề nhức nhối mà xã hội đang quan tâm đã được phản ánh quyết liệt.
NSND Bùi Thanh Trầm cho rằng, sân khấu Hà Nội từ kịch nói, chèo, cải lương, múa rối, xiếc… đều trải qua nhiều giai đoạn, có lúc “hoàng kim” có lúc khó khăn khi cạnh tranh với các hình thức giải trí mới, nhưng hiện nay, sân khấu Hà Nội đã có sự đầu tư vượt bậc, vừa gìn giữ truyền thống vừa cập nhật hình thức hiện đại để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.
Cùng với khẳng định đóng góp của văn học, nghệ thuật Hà Nội trên mặt trận chính trị, tư tưởng, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung.
Tại hội thảo, các văn nghệ sĩ, đại biểu đã có những ý kiến đóng góp để văn học, nghệ thuật tiếp tục phát huy sức mạnh, đem lại nhiều giá trị mới cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.