Giải pháp đồng bộ phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường

Ở tỉnh ta, mới đây liên tiếp xảy ra hai vụ học sinh đánh nhau bị quay clip tung lên mạng. Cụ thể, vào cuối tháng 2, do xích mích, một nữ sinh lớp 11 Trường THPT Xuân Trường (Xuân Trường) đã đánh một nữ sinh lớp 10 cùng trường ngay tại nhà vệ sinh trường học. Một thời gian sau, lãnh đạo nhà trường... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

tỉnh ta, mới đây liên tiếp xảy ra hai vụ học sinh đánh nhau bị quay clip tung lên mạng. Cụ thể, vào cuối tháng 2, do xích mích, một nữ sinh lớp 11 Trường THPT Xuân Trường (Xuân Trường) đã đánh một nữ sinh lớp 10 cùng trường ngay tại nhà vệ sinh trường học. Một thời gian sau, lãnh đạo nhà trường nhận được tin nhắn kèm clip dài 41 giây từ một tài khoản facebook có tên P.Q phản ánh việc có học sinh đánh nhau trong nhà vệ sinh của trường. Trung tuần tháng 3, trên mạng xã hội lại xuất hiện clip quay cảnh một nữ sinh Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định) bị “đánh hội đồng” bên vệ đường. Trong clip, 2 nữ sinh vật nhau bên vệ đường, sau đó thêm 3 nữ sinh nữa tham gia và nạn nhân bị 4 bạn lao vào “đánh hội đồng”, nữ sinh bị đánh đành ngồi im ôm mặt chịu trận...

Học sinh Trường THCS Nam Giang (Nam Trực) sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề về “Phòng chống bạo lực học đường”.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở GD và ĐT đã yêu cầu 2 nhà trường khẩn trương xác minh, báo cáo nội dung vụ việc. Theo báo cáo của Trường THPT Xuân Trường, ngay trong sáng hôm nhận được thông tin phản ánh, nhà trường đã họp đoàn thanh niên, bộ phận quản sinh yêu cầu xác minh, làm rõ ngay vụ việc. Qua đó, xác định sự việc liên quan đến 4 học sinh, trong đó, 1 học sinh đánh bạn, 1 học sinh bị đánh, 1 học sinh quay clip và 1 học sinh chứng kiến vụ việc trên. Qua tường trình và kiểm điểm của các học sinh, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục làm việc với các học sinh có liên quan, yêu cầu các em viết kiểm điểm và cam kết không được để sự việc diễn biến phức tạp hơn. Về phía Trường THPT Ngô Quyền, sau khi phát hiện ra sự việc, Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh vi phạm cho học sinh viết bản kiểm điểm tường trình vụ việc, mời phụ huynh các học sinh liên quan và Công an phường Văn Miếu địa bàn trường đứng chân đến làm việc để thông báo tình hình học sinh vi phạm, bàn biện pháp phối hợp giáo dục và đề xuất hình thức xử lý kỷ luật. Các học sinh này đã thành khẩn nhận khuyết điểm và hứa không tái phạm. Ban giám hiệu 2 trường cũng cam kết xử lý sự việc theo đúng các quy định hiện hành đảm bảo tính giáo dục và tạo điều kiện để học sinh sửa chữa sai lầm, đồng thời yêu cầu tập thể các lớp có học sinh vi phạm hỗ trợ, theo dõi, động viên để các học sinh bị kỷ luật tiến bộ. Nhà trường cũng yêu cầu các học sinh vi phạm tăng cường đọc sách, trồng cây và viết thu hoạch trong quá trình kỷ luật.

Trước tình hình đó, Sở GD và ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường phổ biến các văn bản về công tác tư vấn tâm lý và phòng, chống bạo lực học đường trong các nhà trường; nghiêm túc thực hiện Kế hoạch 1117 ngày 7-8-2020 của Sở GD và ĐT về “Triển khai công tác bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường năm 2020 và những năm tiếp theo” và Hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng học sinh, sinh viên, giáo dục thể chất, y tế trường học năm học 2020-2021. Đồng thời, Sở GD và ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường hơn nữa các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong trường học và thực hiện chế độ báo cáo, trong đó, đặc biệt chú ý đến việc phòng, chống bạo lực học đường bằng các hình thức: Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường kỷ cương, nền nếp, tích cực triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường”; chủ động phối hợp chặt chẽ với ban đại diện hội cha mẹ học sinh, công an và các cơ quan liên quan tại địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh, sinh viên đánh nhau và các hành vi bạo lực, xâm hại đối với học sinh; thường xuyên kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích, cháy nổ, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn an ninh mạng...

Mặc dù các vụ việc được xử lý kịp thời, không xảy ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe học sinh song cũng gây tác động tiêu cực đến tâm lý các em và phụ huynh, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường hiện đang trở thành một vấn nạn nhức nhối đối với giáo dục. Nguyên nhân bạo lực học đường được chỉ ra trước hết xuất phát từ chính bản thân học sinh, đến giai đoạn phát triển tâm sinh lý các em có sự chuyển biến lớn về mặt tâm lý không ổn định với cái tôi cá nhân quá cao. Môn học Giáo dục công dân trong nhà trường còn nặng về lý thuyết, ít thực tiễn, chưa cuốn hút học sinh, chưa gắn với nhiều hoạt động trải nghiệm giúp học sinh nhận thức được các bài học về đạo đức, lối sống từ thực tiễn. Từ phía gia đình, phụ huynh ít quan tâm tới con cái, trong khi xã hội hiện nay học sinh tiếp xúc quá dễ dàng với những hành vi bạo lực trên internet, phim ảnh độc hại và nhiều trò chơi điện tử mang tính bạo lực. Hình thức kỷ luật học sinh vi phạm mới ở mức độ nhẹ, tính răn đe thấp, dẫn đến học sinh xem thường kỷ luật...

Để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực học đường, cần có những giải pháp đồng bộ thiết thực. Một số trường học có những kinh nghiệm hay trong việc phòng, chống và ngăn chặn bạo lực học đường như: Trong lớp tổ chức những nhóm bạn cùng tiến để nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, tự khắc phục lẫn nhau trong học tập. Đối với một số học sinh cá biệt, tăng cường sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh phân biệt đối xử. Nhà trường cũng chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh để nắm bắt tình hình cũng như những biểu hiện của học sinh để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện hành vi tiêu cực và bạo lực. Từ đó có các phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung, nhưng cũng luôn tạo cơ hội để học sinh vi phạm hiểu và sửa đổi. Năng lực của giáo viên trong việc giải quyết các tình huống bạo lực học đường cũng rất quan trọng. Do vậy, giáo viên cần được tập huấn, rèn luyện các phương pháp giáo dục tích cực để phát huy được hiệu quả trong phòng, chống bạo lực học đường. Các nhà trường cũng tăng cường tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường; tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, giúp học sinh có kiến thức xã hội, rèn luyện kỹ năng, lối sống đẹp, phòng, chống bạo lực học đường để hạn chế thấp nhất các vụ bạo lực học đường xảy ra./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202104/giai-phap-dong-bo-phong-ngua-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-2543542/