Giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Ngãi xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt mục tiêu này, theo các chuyên gia kinh tế, du lịch, lãnh đạo các địa phương, thì tỉnh cần đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Đánh giá về ngành du lịch Quảng Ngãi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, TS.Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận: Quảng Ngãi hội đủ điều kiện để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế thế mạnh. Tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đa dạng, đặc sắc. Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có.
Khu du lịch sinh thái Suối Chí (Nghĩa Hành) là điểm đến hấp dẫn của du khách trong mùa nắng nóng. Ảnh: H.ANH
Theo TS.Nguyễn Anh Tuấn, giai đoạn đến, Quảng Ngãi cần có những đột phá về chính sách để phát triển du lịch, xem đây là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Cần tăng cường đầu tư công, ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cần tăng cường khai thác, phát triển sản phẩm du lịch, chủ đạo là du lịch biển, đảo gồm Lý Sơn, Mỹ Khê, Sa Huỳnh và một số bãi biển ở các địa phương. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch xanh... nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị di tích, di sản văn hóa đặc trưng.
TS.Nguyễn Thị Huyền - Trường Đại học Phạm Văn Đồng thì cho rằng, nguồn nhân lực được đào tạo đúng chuyên môn du lịch tại Quảng Ngãi còn hạn chế. Để thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành du lịch, bên cạnh sự nỗ lực của cơ sở đào tạo thì cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, của doanh nghiệp du lịch.
"Quảng Ngãi cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở đào tạo mở rộng quy mô, đa dạng hóa hình thức đào tạo, gắn kết công tác đào tạo với kế hoạch sử dụng lao động của từng địa phương trong tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tổ chức lại lao động một cách khoa học, cải thiện thu nhập, có chính sách khuyến khích giữ nguồn nhân lực chất lượng và có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch...", TS. Nguyễn Thị Huyền nêu giải pháp.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Bàn về giải pháp đưa du lịch Quảng Ngãi "cất cánh", đại diện Công ty Viettravel Đặng Như Đà Thành đánh giá: Hạ tầng du lịch, giao thông Quảng Ngãi hiện còn rất hạn chế. Đường dẫn vào TP. Quảng Ngãi rất hẹp và xấu... Quảng Ngãi cần đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ hơn. Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều đề nghị: Trong giai đoạn đến, tỉnh cần xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng. Tại Làng du lịch Gò Cỏ, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước đầu tư đường giao thông dẫn vào mô hình du lịch và bãi đổ xe, hỗ trợ nước sạch vùng Gò Cỏ...
Chia sẻ về lợi thế phát triển du lịch biển đảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh nêu giải pháp: “Trong 5 năm đến, để Lý Sơn đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, thì cần thiết phải tiếp tục nâng cấp hạ tầng du lịch, chỉnh trang lại đường phố, trồng thêm cây xanh, cung cấp đủ nước ngọt và giải quyết tốt về vấn đề môi trường”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhận định: So với nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung, thì du lịch Quảng Ngãi đang thua sút khá nhiều. Do đó, trong giai đoạn đến, Quảng Ngãi sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Việc phát triển du lịch không phải ở cấp, ngành nào, mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay thực hiện, từ đó xây dựng Quảng Ngãi là điểm đến an toàn, thân thiện.
"Tỉnh sẽ ban hành nghị quyết mới về phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025. Huy động, khai thác nguồn lực ngoài nhà nước từ các doanh nghiệp tư nhân để tham gia vào phát triển du lịch. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, nhất là trong các khu, điểm du lịch và kết nối các khu, điểm du lịch với nhau. Cùng với đó, Quảng Ngãi sẽ kêu gọi và tạo điều kiện để phát triển các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch lớn; xây dựng các khách sạn 5 sao trở lên...", Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh.