Giải pháp đưa hội nhập kinh tế 'gặt hái' thắng lợi mới
Để hội nhập kinh tế quốc tế 'gặt hái' được những thắng lợi mới thì công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao là vô cùng quan trọng.
Hội nhập kinh tế được thúc đẩy cả về phạm vi và mức độ thực chất
Sáng ngày 6/1/2025, tham dự và có bài phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trân trọng cảm ơn và đánh giá rất cao sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao thời gian qua trong mọi công việc liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế nói chung nhằm hướng tới các mục tiêu chung mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đề ra, góp phần mang lại lợi ích tối đa cho đất nước.
Theo Thứ trưởng, bối cảnh quốc tế ngày càng có nhiều diễn biến khó lường. Thế giới trở nên đa cực hơn, chủ nghĩa dân tộc trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là trong thương mại quốc tế, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nước và khu vực, thậm chí ngay tại những quốc gia có truyền thống ủng hộ tự do hóa thương mại. Trong bối cảnh đó, Việt Nam một mặt kiên định thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời chú trọng điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu vì lợi ích quốc gia, dân tộc và tăng tính tự cường của nền kinh tế.
Kết quả rõ rệt nhất là quá trình hội nhập kinh tế được tiếp tục thúc đẩy cả về phạm vi và mức độ thực chất, qua đó góp phần giúp tăng trưởng xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục.
Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục đàm phán, ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như chủ động tham gia nhiều cơ chế hợp tác đa phương như APEC, G7, G20, WEF... Đơn cử như cơ chế hợp tác giữa các nước phát triển nhất là G7 cũng mời Bộ trưởng Công Thương Việt Nam tham dự và có bài phát biểu về kinh nghiệm điển hình của ta trong hội nhập kinh tế quốc tế, đem lại tăng trưởng bền vững.
Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 20 FTA, trong đó có 16 FTA đã có hiệu lực và đang được thực thi. Riêng trong năm qua, chúng ta đã hoàn tất việc ký kết FTA giữa Việt Nam và các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (CEPA Việt Nam - UAE), hoàn tất quá trình đưa Nghị định thư về việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP và đưa FTA với Israel vào thực thi.
“3 Hiệp định này đều thể hiện vai trò chủ động, tích cực của ta trong thúc đẩy các mối liên kết mới cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và quá trình tham gia tích cực của các bộ, ngành” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh và cho biết, với Vương quốc Anh, Việt Nam đã thúc đẩy thông qua tổ chức Phiên đàm phán cuối cùng tại Việt Nam và thuộc nhóm nước tham gia phê chuẩn đầu tiên.
Với Hiệp định CEPA Việt Nam - UAE, cũng do phía Việt Nam đề xuất đàm phán và hoàn thành ký kết trong khoảng thời gian nhanh nhất từ trước đến nay nhờ những chuyến ngoại giao con thoi của Lãnh đạo Chính phủ.
Với Israel, chắc cũng ít người biết được đây là Hiệp định được đặt nền móng khi đồng chí Thủ tướng Chính phủ thăm Israel với tư cách Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và tiếp tục chỉ đạo sát sao để có thể đưa Hiệp định vào thực thi trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến hết sức phức tạp.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, không dừng lại ở các FTA kể trên, Việt Nam đang tiếp tục tích cực nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội thiết lập thêm các FTA khác như: FTA với Ai Cập, FTA với Ả-rập-Xê-út, FTA với Qatar, FTA với Pakistan để thúc đẩy thương mại và kinh tế hơn nữa trong thời gian tới nếu điều kiện cho phép.
Cùng với sự kiên định trong tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong năm 2024, Việt Nam cũng chú trọng tới quá trình thực thi, hướng đến việc thúc đẩy tính tự cường của nền kinh tế.
Điều này được thể hiện rõ qua quá trình thực thi cam kết gia nhập WTO, cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên. Đơn cử như với các FTA như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP, ngay sau khi ký kết và phê chuẩn, Chính phủ đã xây dựng Kế hoạch thực thi chi tiết và giao các bộ, ngành và toàn bộ các tỉnh, thành phải xây dựng Kế hoạch thực thi của riêng mình.
Việc thực thi các FTA được triển khai một cách liên tục, không chỉ dừng ở các hoạt động bao gồm phổ biến, tuyên truyền nhằm giúp doanh nghiệp và người dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ các cam kết trong các FTA mà ta tham gia mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên thể hiện vị trí mới trong thương mại toàn cầu.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA; triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả triển khai các FTA (FTA Index) để nhận diện đúng cơ hội và thách thức cũng như các vấn đề cần xử lý; nghiên cứu về khả năng xây dựng và vận hành Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA (FTA Ecosystem).
Để hội nhập kinh tế "gặt hái" những thành công mới
Năm 2025 dự báo thế giới sẽ tiếp tục có những biến động địa chính trị đặc biệt phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế và thương mại toàn cầu, do đó, công tác hội nhập kinh tế quốc tế cần có sự vào cuộc, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương, trong đó sự phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao là vô cùng quan trọng.
Để công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đạt được những kết quả thực chất cũng như góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vươn mình trong thời đại mới, thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện như: Thực thi hiệu quả các FTA đã có và chủ động tham gia các cơ chế đa phương, các diễn đàn kinh tế quốc tế và khu vực như: APEC, ASEM, G7, G20, WEF...
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để nghiên cứu tính khả thi của việc đàm phán các FTA, thỏa thuận về tạo thuận lợi thương mại song phương và đa phương với các đối tác mới có tiềm năng, góp phần mở rộng mạng lưới thương mại tự do của Việt Nam, đặc biệt với các thị trường chiến lược và tiềm năng.
Hai là, khai thác hiệu quả lợi ích các FTA mà Việt Nam đã ký kết làm động lực để phát triển xuất nhập khẩu cả về lượng và chất, trong đó có việc sớm đưa FTA Ecosystem đi vào hoạt động và triển khai FTA Index.
Ba là, củng cố và nâng cao vai trò của Việt Nam trong thương mại khu vực và đa phương, trước mắt là chuẩn bị thật tốt vai trò Phó Chủ tịch CPTPP năm 2025 và tiến tới là Chủ tịch CPTPP năm 2026; chuẩn bị Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 3 của Việt Nam trong WTO vào năm 2026…
Song song với đó, chủ động dự báo sớm và xử lý hiệu quả, kịp thời các vấn đề, diễn biến phát sinh, giám sát chặt chẽ và quản lý hiệu quả các tác động của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Bốn là, tiếp tục triển khai hiệu quả các khuôn khổ hợp tác Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng nhóm các nước G7 và Cộng đồng châu Á không phát thải (AZEC) để thực hiện cam kết quốc tế về chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu...
Để đạt được mục tiêu đó, "Bộ Công Thương rất mong nhận được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin và chia sẻ, Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan để công tác hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi mới, thành công mới, tiếp tục đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, trong các thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngoại giao với nhiều kết quả nổi bật, có thể khái quát ở 3 khía cạnh là giữ vững, củng cố và tăng cường.
Thứ nhất, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cho phát triển. Xử lý hài hòa, ổn thỏa một số vấn đề phát sinh nổi lên trong quan hệ với các đối tác quan trọng. Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh.
Thứ hai, tiếp tục củng cố tin cậy chính trị và nâng cấp quan hệ với các đối tác, tạo cục diện đối ngoại thuận lợi.
Thứ ba, không ngừng tăng cường mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn hoạt động ngoại giao, thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao công nghệ, ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài...