Giải pháp giữ vững tăng trưởng ngành Công Thương nửa cuối năm 2024
Các chuyên gia nhận định, nửa cuối năm 2024 ngành Công Thương sẽ phát triển trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen.
Nhiều biến động khó lường
Nửa đầu năm 2024, ngành Công Thương đã bứt phá ngoạn mục với kết quả tăng trưởng công nghiệp và thương mại rất khả quan. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%. Đáng nói, đơn hàng của một số ngành sản xuất trọng điểm cải thiện đáng kể, đây là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp tăng theo hàng quý.
Về xuất nhập khẩu, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Mặc dù đạt được kết quả khả quan sau nửa năm nỗ lực, tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, nền kinh tế nói chung, ngành Công Thương nói riêng còn đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng còn lại của năm 2024.
Theo TS. Vương Quang Lượng - Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, thị trường thế giới có nhiều biến động khó lường sẽ ảnh hưởng bao gồm cả tích cực và không tích cực tới ngành công nghiệp và thương mại của Việt Nam.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, TS. Vương Quang Lượng cho rằng, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất sẽ khiến chi phí vay giảm, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tạo cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, nhất là đối với các mặt hàng có tiềm năng và lợi thế xuất khẩu sang EU như nông sản, sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, sắt thép, sản phẩm điện tử.
Các biện pháp tăng thuế của Hoa Kỳ và EU đối với một số nhóm hàng hóa của Trung Quốc sẽ làm cho hàng hóa của quốc gia này kém cạnh tranh hơn trên các thị trường. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ bị các quốc gia áp các biện pháp trừng phạt đánh vào nhóm hàng hóa lẩn tránh thương mại.
Nguy cơ lan rộng các cuộc xung đột quân sự tiếp tục tác động mạnh mẽ đến thương mại và đầu tư toàn cầu, đặc biệt là tiểm ẩn nhũng rủi ro về giá cả nhiên liệu đầu vào, giá lương thực,... giá xăng dầu, nguyên vật liệu, cước vận tải và giá vàng thế giới biến động mạnh, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu.
Đối với thương mại, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng nhận đinh, diễn biến kinh tế thế giới vẫn đang còn khó khăn, phục hồi sản xuất trong nước vẫn còn chậm. Do vậy, doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu lao động có kỹ năng.
Việc cắt giảm lãi suất, điều chỉnh tỷ giá của ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tác động lớn đến cán cân thương mại không chỉ của EU, Hoa Kỳ mà còn tác động đến thương mại toàn cầu, gây ra những khó khăn cho khả năng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này.
Việt Nam phê chuẩn Nghị quyết đồng ý để Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diên xuyên Thái Bình Dương CPTPP là một bước tiến quan trọng, sẽ tạo cơ hội cho mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư cho Việt Nam.
Việc Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này mà không bị các mối đe dọa tiềm ẩn như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp phòng vệ thương mại khác.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho phép kéo dài thời hạn trả nợ sẽ có tác động tích cực nhằm hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh biến động về tỷ giá cùng với lạm phát gia tăng ở một số thị trường xuất khẩu.
Tăng lương cơ sở, lương hưu và các khoản trợ cấp từ 1/7 có thể sẽ tác động đến thương mại và thị trường trong nước.
Khuyến nghị giải pháp
Qua phân tích của TS. Vương Quang Lượng có thể thấy, bối cảnh phát triển của ngành Công Thương nói riêng, cả nền kinh tế nói chung nửa cuối năm 2024 khó và thuận đan xen. Trước hiện trạng này, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng khuyến nghị những giải pháp thiết thực.
Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm duy trì ổn định, mở rộng thị trưởng xuất khẩu trong bôí̉ cảnh cắt giảm lãi suất, điều chỉnh tỷ giá của ECB và FED.
Có những đánh giá cụ thể về tác động của việc áp thuế đối với một số nhóm hàng của Hoa Kỳ và EU để kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là hoạt đông tạm nhập tái xuất từ Trung Quốc nhằm hạn chế tối đa tình trạng lẩn tránh thương mại.
Tăng cường hiệu quả công tác dự báo và thông tin thị trường thông qua hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu.
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa để tăng cường độ phục hồi của nền kinh tế. Xây dựng chính sách khuyến khích tiêu dùng trong nước nhằm giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hướng tới người tiêu dùng.
Bên cạnh những giải pháp, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương kiến nghị, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi, nhiều ngành hàng các doanh nghiệp đã ký được đơn hàng từ nay đến cuối năm. Do vậy, để tận dụng tốt cơ hội này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, ưu đãi về tín dụng cho doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp không chỉ đáp ứng đầy đủ cho những hợp đồng đã được ký kết mà còn thúc đẩy, mở rộng hoạt động xuất khẩu.
Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng phương án và ban hành chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp có đủ nguồn lực nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.