Giải pháp 'gỡ băng' bất động sản, vực dậy thị trường vật liệu xây dựng
Theo đại diện các hội, hiệp hội về vật liệu xây dựng, để vực dậy thị trường bất động sản, giải pháp trước mắt là cần tăng cường xây dựng nhà ở xã hội; tăng sử dụng ximăng trong làm đường giao thông.
Để “gỡ băng” thị trường bất động sản, vực dậy thị trường vật liệu xây dựng, nhiều ý kiến chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng cho rằng giải pháp mang tính vĩ mô hiện nay là cần “khơi thông” các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tích cực sử dụng ximăng trong xây dựng đường giao thông.
Khó khăn chồng chất
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết bất động sản là ngành kinh tế đầu tàu của hàng chục ngành sản xuất khác, nhưng nay nguồn cung mới và thanh khoản giảm mạnh, khiến thị trường này rơi vào tình trạng “đóng băng,” bản thân doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ riêng bất động sản, ngành vật liệu xây dựng (điển hình như ximăng, sắt thép, bê tông, gốm sứ xây dựng, gạch ceramic…) cũng đang lâm vào cảnh khó khăn do thị trường bất động sản “đóng băng” khi kỳ vọng vào đầu tư công vẫn chưa khởi sắc, các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa được khơi thông.
Đầu tư công vốn được coi là nguồn lực dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển, nhưng hiện giải ngân cũng rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ năm 2022.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết từ năm 2021 đến nay, sản xuất và kinh doanh của ngành gạch ceramic Việt Nam đã sụt giảm 30-35%. Đặc biệt là năm 2022 và quý I/2023, thị trường gốm sứ xây dựng hầu như đóng băng, tê liệt cả trong sản xuất và lưu thông.
Theo ông Huy, nếu thực trạng “thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế khiến thị trường vật liệu xây dựng ngưng trệ” không được tháo gỡ, nguy cơ phá sản của một lượng đáng kể doanh nghiệp gốm sứ xây dựng là hiện hữu.
Cùng chung khó khăn, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết trong những năm gần đây, thị trường nguyên vật liệu thép toàn cầu biến động tăng giảm thất thường. Trong 4 tháng đầu năm 2023, sản xuất và tiêu thụ nhiều loại thép đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, sản xuất thép năm 2023 của Việt Nam sẽ tăng 2-3% so với năm 2022 nhưng thị trường vẫn phức tạp, khó lường.
Ông Lương Đức Long - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ximăng Việt Nam, cũng nêu lên một loạt khó khăn như: Năm 2022, sản xuất, tiêu thụ ximăng giảm so với 2021; 5 tháng đầu năm 2023, sản xuất, tiêu thụ ximăng cũng chưa có nhiều khởi sắc.
“Phá băng” thị trường
Đề cập đến giải pháp giải quyết khó khăn chung của thị trường bất động sản cũng như vật liệu xây dựng, ông Lương Đức Long cho rằng giải pháp hiện nay là cần tăng cường xây dựng nhà ở (nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân), khu đô thị; tích cực sử dụng ximăng trong xây dựng đường giao thông, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam để vừa tạo đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, hiện ximăng trong nước đã dư thừa, Nhà nước cũng cần hỗ trợ xuất khẩu bằng cách giảm hoặc tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker; tạo điều kiện cho các nhà sản xuất sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, tận dụng nhiệt thải lò nung phát điện để đạt mục tiêu kép vừa tránh giá năng lượng cao, vừa giải quyết rác thải.
Đại diện Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam cũng kiến nghị cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt 95-100% của kế hoạch năm 2023. Trong đó Nhà nước cần chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ để dân được vay vốn kịp thời.
Ngoài ra, một số ý kiến của các hội, hiệp hội trên cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách, hỗ trợ giải tỏa các vướng mắc về mặt pháp lý triển khai dự án, khơi thông nguồn vốn; xây dựng cơ chế, luật pháp rõ ràng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu trước tình trạng bị chiếm dụng vốn của chủ đầu tư.
Cùng với đó là các giải pháp như tiếp tục thúc đẩy việc giải ngân, triển khai các dự án đầu tư công để tạo động lực phát triển ngành xây dựng và thị trường vật liệu xây dựng; giảm các loại thuế đối với doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; hạ lãi suất cho vay; nghiên cứu áp dụng những công nghệ mới đem lại hiệu quả sản xuất.
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thẳng thắn cho biết do điều kiện kinh tế giảm đi, do đó thời gian tới cần có chính sách tháo gỡ kịp thời đối với ngành vật liệu xây dựng phát triển bền vững.
Có chung quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bê tông Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng vấn đề cấp bách hiện nay là cần đẩy mạnh phát triển xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đây cũng là động lực để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững và tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu.
“Chúng ta cố gắng phát triển nhà ở xã hội thì vật liệu tiêu thụ sẽ được phát triển lên,” ông Hùng nhấn mạnh./.