Giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho giao thông
Ngân sách thành phố Hà Nội dành để xây mới nâng cấp các tuyến đường mỗi năm khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó, gần 1/3 ưu tiên cho giao thông ngoại thành và hỗ trợ địa phương khu vực ngoại thành.
Hàng loạt công trình giao thông đã được khởi công xây dựng và đưa vào khai thác phát huy hiệu quả như: Cầu Nhật Tân; đường cao tốc từ Hà Nội đi Lào Cai, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hòa Bình, đường Vành đai 2; cầu Vĩnh Tuy; Vành đai 3; trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi); cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, An Dương - Thanh Niên… tạo điều kiện để Hà Nội chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường do Trung ương đầu tư với đường địa phương, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, trong 5 năm qua, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiều công trình giao thông theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Tính đến hết năm 2020, dự kiến hoàn thành 148/214 dự án, tăng thêm khoảng 498 km đường giao thông. Nếu năm 2015, quỹ đất đô thị dành cho giao thông đạt 8,65%, thì đến hết năm 2019, tỷ lệ này là 9,75%, tăng khoảng 0,3%/năm.
Mặc dù nguồn vốn cho kết cấu hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với nhu cầu, 80% là huy động từ các nguồn PPP, ODA...Hà Nội đang trong quá trình hiện thực hóa Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khó khăn nhất là huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Để huy động hiệu quả nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất các giải pháp, trước tiên thành phố cần rà soát quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan đơn vị. Quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng triển khai cho dự án đầu tư theo hình thức BT (hiện không sử dụng đối ứng nữa theo Luật PPP mới) để chủ động lập quy hoạch, tổ chức đấu giá, tạo nguồn thu theo đúng quy định. Cùng đó, phát huy, tận dụng tối đa nội lực của các địa phương thông qua việc giao cho quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng phương án và tổ chức đấu giá đất hai bên tuyến đường mở mới để tái đầu tư cho địa phương.
Ngoài ra, thành phố xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (mô hình đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) để khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị, tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý khai thác vận hành chính những tuyến này; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để tăng cường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá, vừa tạo nguồn thu vừa tạo mặt bằng phục vụ thi công các công trình; bố trí, giao vốn và thanh toán linh hoạt đối với chi phí giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Ngoài ra, thành phố hoàn thiện các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, loại bỏ thủ tục không còn phù hợp, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công… tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội; Quỹ Đầu tư phát triển thành phố trong việc kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải; tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính, nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải.
Cùng với các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, cần phải sử dụng hợp lý nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đối với các công trình; phát triển hợp lý phương thức vận tải, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
Thành phố cũng phân công trách nhiệm đầu tư và phối hợp đồng bộ tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giữa thành phố Hà Nội với các cơ quan Trung ương, địa phương lân cận theo hướng: Bộ Giao thông Vận tải đầu tư và quản lý các tuyến đường giao thông liên vùng như đường vành đai 4, 5; các tuyến cao tốc, đường sắt quốc gia… Hà Nội và những tỉnh lân cận đầu tư các công trình thuộc địa bàn quản lý, trong đó thành phố Hà Nội cần ưu tiên các tuyến đường kết nối giao thông với tỉnh lân cận.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp quản lý, đầu tư trên địa bàn cũng như cơ chế, chính sách trong quản lý sử dụng nguồn vốn trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức, quản lý đầu tư tốt, để chủ động đầu tư, nhằm hỗ trợ giảm tải áp lực ngân sách thành phố.
Thành phố sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường kết nối liên huyện, đường sắt đô thị; ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ cho huyện còn khó khăn; bố trí đủ vốn cho các dự án theo quy hoạch, làm cơ sở triển khai được thuận lợi; công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn phải được tăng cường nhằm nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình này, từ đó đảm bảo việc thực hiện đầu tư có hiệu quả, tránh lãng phí, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại.