Giải pháp kéo giảm tình trạng tảo hôn

Những năm qua, công tác dân số của tỉnh Quảng Trị đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển KT - XH. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn đang là vấn đề nhức nhối, tạo ra nhiều hệ lụy đối với chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của cá nhân cũng như cộng đồng. Vậy, giải pháp nào để kéo giảm tình trạng tảo hôn?

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một trong hai bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi. Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là vấn nạn xã hội nhức nhối, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội; đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực.

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có 331 trường hợp tảo hôn, chiếm tỉ lệ 9,9% so với số người kết hôn trong năm. Đây là con số đáng lo ngại. Lên các xã ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, đặc biệt là các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, không khó để bắt gặp những trường hợp tảo hôn. Phần lớn trong số này đều thiếu kiến thức xã hội do nghỉ học sớm, sức khỏe thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng, cuộc sống khó khăn.

Trong mấy năm gần đây, tỉ lệ tảo hôn ở hai huyện này có chiều hướng gia tăng. Tại Hướng Hóa, trong giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ tảo hôn dao động từ 16,6% - 21,36%, tổng số các cặp tảo hôn là 692 cặp. Trong khi đó, năm 2021 huyện có 122 cặp tảo hôn, chiếm 30,27% số trường hợp kết hôn trong năm. Còn tại huyện Đakrông, từ năm 2016 - 2021 có 484 cặp tảo hôn, chiếm 20,96% số trường hợp kết hôn.

Trong năm 2023, tại nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn tăng cao. Như ở xã Lìa (huyện Hướng Hóa), năm 2022 có 8 trường hợp tảo hôn nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có đến 18 trường hợp tảo hôn. Chính quyền địa phương đã xử phạt hành chính 13 trường hợp.

Đơn cử trường hợp ông H.T.L. (45 tuổi, ngụ thôn A Rông) bị xử phạt số tiền 1,5 triệu đồng vì hành vi tổ chức cho con lấy vợ chưa đủ tuổi kết hôn. Trước đó, ông L. tổ chức lễ cưới cho con trai của mình, tuy nhiên, UBND xã Lìa phát hiện cô dâu sinh năm 2005. Sau đó, UBND xã đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt ông L. vì hành vi trên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn. Trong đó, chủ yếu là do trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thấp. Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội và du nhập của văn hóa ngoại lai... đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn.

Trong khi đó, công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn về những hậu quả của tảo hôn; việc quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa còn hạn chế. Sự can thiệp của chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết...

Để kéo giảm tình trạng tảo hôn, giải pháp căn cơ là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vấn đề này, từ đó có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền trực tiếp đến các thôn, bản, cụm dân cư, lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân, gia đình và những hệ lụy của tảo hôn trong cộng đồng, đặc biệt là đối với học sinh.

Tăng cường công tác hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đoàn, đội, câu lạc bộ, tổ, nhóm... trong trường học để tuyên truyền, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số. Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các ban, ngành, đoàn thể trong nắm bắt, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tảo hôn.

Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ trong chấp hành, tuyên truyền và vận động người dân chấp hành các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình nhằm giảm thiểu tảo hôn.

Đưa các quy định pháp luật về tuổi kết hôn vào hương ước, quy ước thôn, bản, khu dân cư, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách thúc đẩy phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Tham mưu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến giảm tỉ lệ tảo hôn.

Thực tế cho thấy, tình trạng tảo hôn gia tăng có nguyên nhân từ việc chính quyền các địa phương không nắm bắt, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định. Do vậy, cần chú trọng thực thi nghiêm minh quy định pháp luật của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã; khắc phục tư tưởng né tránh, bao che hoặc thiếu gương mẫu trong một số cán bộ, đảng viên.

Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn chặn, phòng chống tảo hôn; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những địa phương, đơn vị chưa làm tốt trách nhiệm.

Thanh Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/giai-phap-keo-giam-tinh-trang-tao-hon/182608.htm