Giải pháp khắc phục chênh lệch mức sinh giữa các vùng

Nước ta đang đối mặt thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao thì hiện có 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh rất thấp.

Mức sinh thấp tác động sâu sắc tới cơ cấu dân số

Tại Hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì cho đến nay, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ 2007 đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới.

Việt Nam đang đối mặt thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.

Việt Nam đang đối mặt thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.

Tuy nhiên, nước ta đang đối mặt thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao thì hiện có 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Các chuyên gia y tế cho biết, mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời, tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

TS.BS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho rằng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng hơn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội; Chi phí chăm sóc sức khỏe và các chi phí xã hội khác cao hơn...Hậu quả dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.

Giải pháp cho vùng mức sinh thấp

Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định số 2324/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó nêu rõ cần đạt mục tiêu đến năm 2030 của vùng mức sinh thấp là tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con).

Giải pháp chủ yếu cho vùng mức sinh thấp là: tập trung tuyên truyền lợi ích của việc sinh đủ 2 con; tuyên truyền về các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội; động viên nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi; xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ; hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.

ThS.BS Mai Trung Sơn - Cục Dân số cho biết đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó, đề xuất các biện pháp của nhà nước khuyến khích sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Theo đó, có 4 biện pháp:

Thứ nhất, đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2. Cùng đó, đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...

Thứ hai, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.

Thứ ba, xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình.

Thứ tư, quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.

Ông Mai Trung Sơn cho biết, các tỉnh, thành có mức sinh thấp cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con. Nếu không có biện pháp can thiệp thì tình hình rất quan ngại. Các địa phương phải xác định thực trạng, xu hướng mức sinh của địa phương để có kế hoạch phù hợp thực tiễn.

Bình An

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/giai-phap-khac-phuc-chenh-lech-muc-sinh-giua-cac-vung-d3584.html