Giải pháp khai mở nguồn lực tài chính xanh cho doanh nghiệp

Tại Việt Nam, chính sách tài chính xanh đã và đang được hoàn thiện để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh theo Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để rõ hơn về những thách thức và cơ hội trong tiến trình khai mở nguồn lực tăng trưởng xanh, tài chính xanh, phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính.

Hoàn thiện các quy định ưu tiên mua sắm sản phẩm dán nhãn sinh thái. Ảnh tư liệu

Hoàn thiện các quy định ưu tiên mua sắm sản phẩm dán nhãn sinh thái. Ảnh tư liệu

PV: Ở góc độ chuyên gia tài chính, bà có thể cho biết đôi nét về "bức tranh" chuyển đổi tăng trưởng xanh của nước ta hiện nay. Đặc biệt là vai trò của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện thể chế thúc đẩy tăng trưởng xanh, tài chính xanh?

TS. Nguyễn Thanh Nga: Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh (TTX) là một định hướng được chú trọng trong Chiến lược tài chính đến năm 2030 (Quyết định số

368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022). Cụ thể hóa chủ trương nêu trên, Bộ Tài chính đã rất nỗ lực trong việc ban hành Quyết định 1934/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030.

Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, thể chế - chính sách tài chính được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện để huy động nguồn lực và thu hút đầu tư cho các hoạt động kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường (BVMT), từ đó góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng xanh.

Chính sách thuế BVMT trong thời gian qua đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm BVMT. Thuế BVMT được xây dựng dựa trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm phải nộp thuế. Đối tượng chịu thuế là những sản phẩm hàng hóa mà việc tiêu dùng những sản phẩm này có tác động tiêu cực tới môi trường.

Khẩn trương tạo dựng thị trường tín chỉ carbon

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Hiện nay, dự thảo Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt. Việc trao đổi, mua bán, giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon sẽ là một kênh thu hút, huy động vốn cho tăng trưởng xanh.

Nguồn thu từ thuế BVMT trong thời gian qua cũng tạo thêm nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư cho TTX, bù đắp chi phí cho hoạt động BVMT. Số thu từ các khoản thu liên quan đến BVMT được mở rộng qua các năm. Kể từ khi đưa vào áp dụng năm 2012, thuế BVMT đang dần trở thành một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam từ giác độ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Về chính sách chi ngân sách, trong thời gian qua các quy định và chính sách về chi NSNN ưu tiên cho TTX đã ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt được ưu tiên quy định rõ tại các văn bản luật như: Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ... và các quy định về phân bổ ngân sách theo giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2030 đảm bảo nguồn lực ưu tiên cho các hoạt động TTX...

PV: Các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính xanh. Theo bà đâu là thách thức hiện nay chúng ta đang đối mặt?

TS. Nguyễn Thanh Nga: Theo tôi, thực tiễn triển khai áp dụng chính sách tài chính liên quan đến TTX ở Việt Nam cũng bộc lộ một số điểm hạn chế.

Cụ thể, chính sách thu đối với hoạt động gây ô nhiễm môi trường vẫn còn có khoảng cách tương đối lớn giữa mục tiêu, yêu cầu chính sách đặt ra và hiệu quả thực tế của chính sách khi triển khai thực hiện. Thuế BVMT hiện nay mới thu vào 8 nhóm mặt hàng chịu thuế. Mức thu của một số loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường còn thấp. Các mức thuế suất và phí đánh vào các hoạt động gây ô nhiễm môi trường cũng như các chế tài xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa đủ mạnh. Số thu từ các sắc thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra.

Hơn nữa, thời gian qua đã có sự ưu tiên nguồn lực cho mục tiêu TTX, tuy nhiên, thực tế nguồn lực NSNN chỉ đáp ứng được phần nào cho các hoạt động TTX và yêu cầu về biến đổi khí hậu và TTX. Đồng thời đó, sự phát triển của thị trường chứng khoán xanh tại Việt Nam quy mô chưa tương xứng với tiềm năng.

Việc phát triển bảo hiểm xanh ở Việt Nam chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu về phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Hiện nay, các sản phẩm bảo hiểm được cung cấp trên thị trường Việt Nam chủ yếu là sản phẩm bảo hiểm truyền thống. Ngoài ra, sản phẩm bảo hiểm xanh mà các doanh nghiệp cung cấp chỉ mới dừng lại ở loại hình bảo hiểm trách nhiệm môi trường, chưa đa dạng về sản phẩm.

PV: Xuất phát từ thực tế hiện nay, theo bà trong thời gian tới chúng ta cần có giải pháp tài chính xanh nào khả thi để góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, đáp ứng mục tiêu đề ra của Chính phủ?

TS. Nguyễn Thanh Nga: Việt Nam đã có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy TTX. Trong bối cảnh hiện tại, cần xây dựng và triển khai toàn diện các định hướng và giải pháp tài chính xanh để đổi mới mô hình TTX. Đặc biệt, cần tập trung vào việc nâng cao khả năng huy động và sử dụng các công cụ tài chính xanh, đồng thời đảm bảo đầu tư hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế BVMT nhằm bao phủ được các nguồn gây tổn hại cho môi trường. Thuế BVMT cần phải hướng đến các chủ thể gây ô nhiễm, các hành vi ô nhiễm chính xác nhất, bao quát được các nguồn gốc ô nhiễm; xác định mức thuế suất phù hợp đối với các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT, đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Tiếp đến là giải pháp, tăng cường hiệu quả chi thường xuyên cho sự nghiệp BVMT vì mục tiêu TTX. Rà soát đầu tư công làm nền tảng, cơ sở cho huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư TTX. Rà soát, phối hợp các chương trình, đề án, nguồn vốn (ODA, đầu tư tư nhân...) có mục tiêu liên quan đến TTX tăng cường hiệu quả chính sách. Về cơ bản và lâu dài, nguồn lực tài chính cho BVMT phải dựa vào đầu tư, đóng góp của những người khai thác, sử dụng môi trường (doanh nghiệp, dân cư).

Hoàn thiện các quy định về mua sắm công xanh, chẳng hạn hoàn thiện các quy định ưu tiên mua sắm sản phẩm dán nhãn sinh thái, nhãn năng lượng trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công hoặc ban hành quy chế mua sắm công xanh đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Triển khai đồng bộ giải pháp để hỗ trợ các cấu phần của thị trường chứng khoán xanh, bảo hiểm xanh phát triển.

PV: Xin cảm ơn bà!

Trịnh Hải

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-phap-khai-mo-nguon-luc-tai-chinh-xanh-cho-doanh-nghiep-159569.html