Giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động dạy thêm
Chia sẻ quan điểm về dạy - học thêm, cô Phan Kim Dung, Trường THCS-THPT Phenikaa đưa giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động này.
Học thêm là nhu cầu chính đáng
Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, vấn đề dạy thêm, học thêm luôn là chủ đề nóng, đặc biệt khi dự thảo về Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT đang được đưa ra để lấy ý kiến.
Từ góc nhìn của giáo viên trong hệ thống trường dân lập, cô Phan Kim Dung cho rằng, vấn đề này đòi hỏi một sự nhìn nhận thấu đáo, vì không chỉ liên quan đến chất lượng giáo dục mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của học sinh.
Trên thực tế, hoạt động dạy thêm, học thêm dù ở giai đoạn xã hội nào cũng đặt ra nhiều trăn trở. Hiện tại, một trong những lo lắng lớn nhất là làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu học thêm và sự phát triển toàn diện của học sinh.
“Không khó bắt gặp cảnh học sinh phải chạy đôn đáo từ lớp học thêm này đến lớp học thêm khác sau giờ chính khóa. Điều này không chỉ khiến các em mệt mỏi mà còn làm mất đi khoảng thời gian quý báu để nghỉ ngơi và cơ hội phát triển các kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Sự quá tải này có thể làm suy giảm hứng thú học tập, hạn chế khả năng sáng tạo và phát triển toàn diện của học sinh. Một hệ thống giáo dục lý tưởng cần tạo ra sự cân bằng giữa việc học tập và phát triển các kỹ năng sống, thay vì chỉ tập trung vào việc tích lũy kiến thức”, cô Phan Kim Dung chia sẻ.
Ngoài ra, cô Phan Kim Dung cũng bày tỏ trăn trở về cách nhìn nhận của xã hội về việc dạy thêm, học thêm. Không ít người coi đây là một biểu hiện của sự thiếu hiệu quả trong giảng dạy chính khóa, hoặc là một hình thức kiếm thêm thu nhập của giáo viên.
Nhưng thực tế cho thấy, học thêm là một nhu cầu thực sự của một số học sinh và phụ huynh.
Với các học sinh trường công lập, nhu cầu học thêm thường xuất phát từ việc sĩ số lớp học đông, khiến giáo viên khó có thể quan tâm đầy đủ đến từng học sinh. Thêm vào đó, do trình độ học sinh không đồng đều, nhiều em cần học thêm để theo kịp chương trình hoặc nâng cao kiến thức so với mức độ đại trà.
Trong hệ thống trường dân lập, mặc dù chương trình học đã được thiết kế linh hoạt và phong phú hơn so với các trường công lập, và sĩ số lý tưởng hơn, nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng có những học sinh cần thêm sự hỗ trợ ngoài giờ học chính thức để theo kịp chương trình hoặc nâng cao kiến thức.
Vì vậy, học thêm gần như trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch học tập của các gia đình xây dựng cho con em mình. Chính vì vậy, việc dạy thêm không nên bị đánh đồng với việc ép buộc học sinh hay tạo thêm gánh nặng cho các em.
Vai trò cha mẹ học sinh vô cùng quan trọng
Dự thảo Thông tư quy định về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT đưa ra một số quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động dạy thêm. Chẳng hạn như giới hạn thời gian và kiểm soát chất lượng nội dung giảng dạy, làm rõ quy trình báo cáo…
Tuy nhiên, để những quy định này thực sự hiệu quả, cô Phan Kim Dung cho rằng, cần có sự linh hoạt trong áp dụng, tùy thuộc vào từng đối tượng học sinh, bối cảnh cụ thể của mỗi trường và nhu cầu thực tế của mỗi học sinh.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh trong đánh giá nhu cầu học thêm của học sinh. Việc này không chỉ giúp tránh dạy thêm trở thành gánh nặng không cần thiết, mà còn đảm bảo rằng học sinh được phát triển một cách toàn diện, cả về kiến thức lẫn kỹ năng sống.
Bản thân người học cần phải biết rõ mình muốn gì, từ đó có thể lựa chọn lớp học thêm phù hợp. Ngược lại, khi tiếp nhận học trò, thầy cô cũng cần có kế hoạch phân hóa để đáp ứng phù hợp với nhu cầu của người học.
Đặc biệt, từ góc độ của cha mẹ học sinh, việc tìm lớp học thêm phù hợp cho con em mình cũng cần sự hiểu biết. Phụ huynh đừng vì nghe những lời quảng cáo, ca tụng, thậm chí thần thánh hóa về một một giáo viên nào đó mà nhất quyết phải xin cho con em mình một suất học.
Thực tế, lớp học đó có thể phù hợp, hữu ích với bạn này nhưng chưa chắc đã hiệu quả với bạn khác. Phụ huynh nên cân nhắc chọn lựa, không chỉ thầy cô giảng dạy, mà còn xem xét đến các yếu tố khác như trình độ tương đồng (cơ bản - nâng cao), khung giờ học (sớm - muộn), vị trí lớp học thêm (xa - gần), sĩ số (đông - vắng)… phù hợp với con em mình hay không.
Cuối cùng, việc dạy thêm học thêm cần được triển khai trên tinh thần tự nguyện. Và hơn ai hết, phụ huynh, học sinh cần hiểu rõ và có bản lĩnh với điều này. Hãy sáng suốt lựa chọn lớp học và thầy cô phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất.
“Tóm lại, dạy thêm học thêm là một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục hiện nay, nhưng để hoạt động này thực sự có chất lượng, cần có sự đồng lòng và nỗ lực từ tất cả các bên liên quan. Dự thảo Thông tư mới đã mang lại nhiều điểm tích cực, nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của giáo viên và học, nhằm mang lại hiệu quả thực chất”, cô Phan Kim Dung nêu quan điểm.