Giải pháp mới cho khủng hoảng nước sạch ở châu Phi

Châu Phi có khoảng 1,45 tỷ người, đang đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại: thiếu nước sạch. Việc tìm kiếm và khai thác các nguồn nước ngầm sâu hay còn gọi là các tầng chứa nước, trở thành một giải pháp tiềm năng để giải quyết vấn đề này.

Phát hiện đột phá

Dữ liệu địa chất, đặc biệt là dữ liệu địa chấn, từ lâu đã là công cụ quan trọng trong ngành công nghiệp dầu khí. Những dữ liệu này được ví như một “bức ảnh X-quang của Trái đất”, cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc địa chất dưới bề mặt, giúp các công ty dầu khí xác định vị trí của các mỏ dầu và khí đốt.

Các cuộc khảo sát địa chấn sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của các lớp đá ngầm, từ đó xác định các cấu trúc có khả năng chứa dầu hoặc khí. Những dữ liệu này không chỉ hữu ích cho việc tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch mà còn có thể được tái sử dụng để xác định các tầng chứa nước ngầm sâu, vốn là nguồn tài nguyên quý giá ở các khu vực khan hiếm nước như châu Phi.

 Ông Fridtjov Ruden (phải) với hệ thống khai thác nước ngầm từ tầng chứa Kimbiji ở Tanzania. Ảnh: Ruden AS

Ông Fridtjov Ruden (phải) với hệ thống khai thác nước ngầm từ tầng chứa Kimbiji ở Tanzania. Ảnh: Ruden AS

Nhà địa chất học Fridtjov Ruden ở Tanzania trong một dự án tìm kiếm nước năm 2005, sau nhiều tháng khoan thăm dò không thành công, đã quyết định sử dụng dữ liệu địa chấn từ ngành dầu khí để phân tích cấu trúc địa chất sâu hơn.

Kết quả là ông phát hiện ra tầng nước Kimbiji, một nguồn nước ngầm khổng lồ có khả năng cung cấp nước sạch cho 2 triệu người trong hơn 1 thế kỷ. Phát hiện này không chỉ mang lại hy vọng cho hàng triệu người mà còn minh chứng cho tiềm năng của việc tái sử dụng dữ liệu địa chất trong giải quyết các vấn đề nhân đạo.

Từ phát hiện này, nhóm của ông Ruden đã khoan 3 giếng mới, mỗi giếng sâu 600m. Kết quả thật đáng kinh ngạc: nước ngầm phun trào mạnh mẽ từ các giếng khoan.

“Mọi người đều phấn khích vì đây là phát hiện về một tầng nước mà không ai biết đến trước đó,” Elizabeth Quiroga Jordan, kỹ sư dầu khí tại Ruden AS (Công ty do Ruden và con gái ông, Helene Ree, thành lập), chia sẻ. Phát hiện tầng nước Kimbiji là một bước ngoặt trong việc tìm kiếm nước ngầm ở châu Phi.

Hơn nữa, việc sử dụng dữ liệu địa chấn đã giúp giảm chi phí và thời gian khoan thăm dò, vốn là những rào cản lớn đối với các dự án nước sạch ở châu lục. So với ngành dầu khí với nguồn lực tài chính dồi dào, các dự án tìm kiếm nước thường thiếu ngân sách và công nghệ, do đó việc tái sử dụng dữ liệu địa chất từ ngành dầu khí là một giải pháp mang tính đột phá.

Thách thức và giải pháp

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, việc khai thác các tầng nước sâu cũng đối mặt với không ít thách thức.

Theo Gaathier Mahed, một giảng viên cao cấp tại Đại học Nelson Mandela ở Nam Phi, là chuyên gia về nước ngầm và tầng chứa nước, các yếu tố cần xem xét bao gồm: vị trí địa lý (tầng chứa nước cần nằm gần các khu vực có nhu cầu sử dụng nước để giảm chi phí vận chuyển và xây dựng cơ sở hạ tầng); chất lượng nước (không phải tất cả các tầng chứa nước đều có nước sạch phù hợp cho sinh hoạt); cơ sở hạ tầng (việc khai thác nước ngầm sâu đòi hỏi các giếng khoan hiện đại và hệ thống phân phối nước phức tạp - điều này có thể vượt quá khả năng của nhiều quốc gia châu Phi); rủi ro môi trường (dù việc tái sử dụng dữ liệu địa chất giúp giảm tác động môi trường so với các khảo sát địa chấn mới).

Câu chuyện về tầng nước Kimbiji ở Tanzania là một ví dụ điển hình của việc công nghệ và sự sáng tạo có thể mang lại thay đổi tích cực cho hàng triệu người. Tuy nhiên, để giải pháp này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và một cách tiếp cận bền vững trong quản lý nguồn nước.

Với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ, châu Phi có thể tiến gần hơn đến mục tiêu đảm bảo nước sạch cho tất cả mọi người, từ đó mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho lục địa này.

Lợi ích từ việc sử dụng dữ liệu địa chất từ ngành dầu khí

Giảm chi phí và thời gian: Dữ liệu địa chất giúp xác định chính xác vị trí và độ sâu của các tầng chứa nước, từ đó giảm thiểu các hoạt động khoan thăm dò không cần thiết.

Tăng hiệu quả tìm kiếm nước: Các tầng chứa nước sâu thường có trữ lượng lớn và ít bị ô nhiễm hơn so với các nguồn nước bề mặt. Việc xác định đúng vị trí của chúng giúp đảm bảo nguồn cung nước bền vững cho các cộng đồng dân cư.

VIỆT ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giai-phap-moi-cho-khung-hoang-nuoc-sach-o-chau-phi-post796771.html