Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở
Với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Trọng tâm là việc bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với yêu cầu thực tiễn; thực hiện việc điều động, luân chuyển (ĐĐLC) để cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và Nghị quyết số 786 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, huyện Thạch Thành đã sáp nhập 6 ĐVHC gồm các xã Thạch Tân, Thạch Bình, Thành Vân, Thành Kim, thị trấn Vân Du, thị trấn Kim Tân thành 3 ĐVHC là xã Thạch Bình, thị trấn Vân Du và thị trấn Kim Tân.
Sau sắp xếp, huyện Thạch Thành giảm 3 ĐVHC, còn 25 xã, thị trấn. Tổng số cán bộ, công chức ở 3 ĐVHC sáp nhập là 79 người (giảm 29 người); số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 30 người (giảm 43 người); tổng số cán bộ, công chức dôi dư đã giải quyết là 26 người, gồm 17 cán bộ và 9 công chức...
Đồng chí Trần Ngọc Chung, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thành, cho biết: Trước khi tiến hành sáp nhập, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, huyện đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền chủ động, linh hoạt trong bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập một cách hợp lý, bảo đảm khách quan, công bằng. Bên cạnh đó, Huyện ủy cũng tiến hành đánh giá trình độ, năng lực, ưu điểm, khuyết điểm của từng cán bộ, đảng viên, trong đó ưu tiên lựa chọn những cán bộ có năng lực để bố trí vào các chức danh lãnh đạo, chủ chốt cho các xã mới sáp nhập. Các bước tiến hành từ đánh giá đến lựa chọn, bố trí, sắp xếp đều công khai, minh bạch theo đúng quy định... Từ cách làm này, đã tạo sự đoàn kết, thống nhất của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt ở các xã mới sáp nhập và được sự ủng hộ, đồng tình của các tầng lớp Nhân dân.
Cùng với việc sắp xếp ĐVHC, huyện Thạch Thành cũng quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý. Từ năm 2010 đến nay, huyện Thạch Thành tổ chức 10 lớp Trung cấp lý luận chính trị cho 878 học viên là cán bộ cơ sở; 25 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ Đảng cho 2.629 lượt bí thư chi bộ; 23 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác đoàn thể; 147 lớp chuyên đề về giáo dục chủ nghĩa yêu nước; giáo dục đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới...
Tại huyện Quan Sơn, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở lại được thực hiện qua công tác ĐĐLC cán bộ. Một giải pháp quan trọng được huyện thực hiện nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ tuyến xã đó là ĐĐLC cán bộ từ huyện về xã, từ xã này sang xã khác; huyện cũng thực hiện tốt chủ trương bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt xã, thị trấn không phải là người địa phương... Từ năm 2020 đến nay, huyện Quan Sơn đã ĐĐLC 35 lượt cán bộ. Từ huyện về xã 7 đồng chí, từ xã lên huyện 8 đồng chí, từ xã này sang xã khác 11 đồng chí, từ đơn vị này sang đơn vị khác 9 đồng chí...
Cùng với công tác ĐĐLC cán bộ, huyện Quan Sơn còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đến nay, có 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó có 80,5% có trình độ từ đại học trở lên; 98,5% có trình độ trung cấp lý luận chính trị...
Đồng chí Hà Xuân Thành, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn, cho biết: Từ thực tiễn ở địa phương cho thấy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đã góp phần làm thay đổi diện mạo ở nhiều bản làng vùng cao, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương. Trải qua quá trình công tác ở cơ sở, nhiều cán bộ đã phát huy được năng lực, sở trường của mình; có tinh thần, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có kinh nghiệm chỉ đạo điều hành, được Nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao...
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thông qua công tác đào tạo để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tâm, có tầm, có khát vọng cống hiến, không ngừng phát huy phẩm chất, năng lực, sở trường của mình để cống hiến cho sự nghiệp chung của tỉnh. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, Tỉnh ủy Thanh Hóa, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng được 84.211 lượt người, trong đó đào tạo chuyên môn cho 10.564 lượt người; đào tạo lý luận chính trị cho 20.701 lượt người (cử nhân chính trị 2.296 lượt người, cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị 18.405 lượt người); cấp huyện mở được 27 lớp dự nguồn ban chấp hành đảng bộ và chức danh lãnh đạo chủ chốt các nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và các nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 cho gần 4.000 đồng chí; toàn tỉnh đã ĐĐLC 4.523 lượt cán bộ các cấp, từ tỉnh về huyện 121 lượt, huyện lên tỉnh 92 lượt, từ huyện sang huyện 94 lượt; huyện về xã 574 lượt, xã lên huyện 267 lượt, xã sang xã 1.363 lượt...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giai-phap-nang-cao-chat-luong-can-bo-co-so-221306.htm