Giải pháp nâng cao chỉ số đào tạo lao động
Đào tạo lao động (ĐTLĐ) là chỉ số có ý nghĩa đo lường các nỗ lực của tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) và hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) chủ động nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, theo điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả chỉ số ĐTLĐ trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh giảm nhiều so với năm 2020. Điều đó cho thấy DN chưa đánh giá cao chất lượng dạy nghề của tỉnh, chất lượng lao động (LĐ) tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.
Trường Cao đẳng kỹ thuật Quảng Trị là trường cao đẳng duy nhất tại tỉnh đào tạo đa ngành nghề, lĩnh vực và trình độ. Hằng năm trường được phép tuyển sinh 8 ngành trình độ cao đẳng với 240 sinh viên, 13 ngành trình độ trung cấp với 605 học viên và 21 ngành trình độ sơ cấp với 860 học viên ở nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế và dịch vụ. Ngoài các khóa chính quy, trường còn đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng cho các đối tượng, trong đó có nhiều LĐ nông thôn.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Quảng Trị Lê Thiên Vinh cho biết: “Hiện nhà trường có quan hệ hợp tác với 8 doanh nghiệp đối tác. Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm trường tổ chức tuyển sinh, đào tạo gần 450 học sinh, sinh viên và hầu hết các em sau khi tốt nghiệp đã được tuyển dụng vào làm việc tại các DN theo cam kết với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng”.
Có thể thấy những năm qua, công tác đào tạo nghề đã được ngành chức năng quan tâm thực hiện. Các đơn vị, cơ sở đào tạo nghề đẩy mạnh việc phân luồng học sinh THCS và THPT tham gia học giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nâng cao chất lượng đào tạo và đồng thời triển khai thực hiện các đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, giúp định hướng chuẩn về năng lực, sở trường để chọn nghề nghiệp tương lai.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ và cung ứng LĐ cho DN. Năm 2021, trung tâm đã tổ chức 21 phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động và chuyên đề, trung bình mỗi phiên giao dịch có từ 30 - 40 DN tham gia và bình quân mỗi phiên có từ 40 - 60 LĐ được giới thiệu việc làm và đào tạo nghề.
Công tác thúc đẩy sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với DN trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm được sở chú trọng và xem đây là một khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Năm 2021, các hoạt động gắn kết với DN đã được triển khai, nhiều DN đã tham gia từ khâu xây dựng chương trình, đào tạo, đánh giá người học cho đến tuyển dụng và việc làm với nhiều hình thức khác nhau như liên kết đào tạo, đào tạo tại DN, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ.
Mặc dù chịu nhiều tác động của COVID-19, tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và hệ thống cơ sở GDNN trên địa bàn, các mục tiêu, chỉ tiêu lĩnh vực GDNN năm 2021 hoàn thành và vượt kế hoạch đã đề ra. Theo đó đã tuyển sinh đào tạo được 8.837 người, đạt 103,96% kế hoạch năm. Tỉ lệ LĐ qua đào tạo đạt 68,5%; tỉ lệ LĐ qua đào tạo nghề đạt 48,5% ; LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 31,5%.
Cơ chế phối hợp 3 bên nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp được duy trì và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2021 đã giới thiệu và cung ứng 564 LĐ cho các DN trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn 286 người với kinh phí trên 512 triệu đồng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho LĐ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN. Theo kết quả chấm điểm PCI, chỉ số “Đào tạo lao động” của tỉnh trong năm 2021 đạt 5,39 điểm, giảm 1,6 điểm, 32 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như năng lực đào tạo của các cơ sở GDNN trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng LĐ có tay nghề, chuyên môn ngày càng tăng của các DN.
Cơ cấu tuyển sinh GDNN còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm gần 91,5%). Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục và chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Việc triển khai đào tạo chất lượng cao, phát triển nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao còn chưa đảm bảo tiến độ. Một số ngành nghề được lựa chọn là nghề trọng điểm của trường chất lượng cao nhưng thực tế rất khó tuyển sinh.
Chất lượng đào tạo của một số cơ sở GDNN mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của DN và thị trường. Cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề chưa được đầu tư đúng mức, chương trình, giáo trình đào tạo của các cơ sở GDNN chưa đáp ứng được với yêu cầu...
Sự gắn kết giữa các cơ sở GDNN và DN trong xác định danh mục nghề đào tạo, chương trình, thời gian, hình thức đào tạo cũng như xác định nhu cầu và khả năng sử dụng LĐ thực tế tại các DN còn thiếu chặt chẽ. Môi trường và điều kiện làm việc tại các DN vẫn chưa tạo sự hấp dẫn đối với nguồn lực có chất lượng cao, làm hạn chế khả năng thu hút LĐ có tay nghề cao...
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Nguyễn Huyền Trang, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDNN, cần phải tiến hành triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc sắp xếp, hoàn thiện mạng lưới cơ sở GDNN công lập trên địa bàn theo hướng hiện đại, dễ tiếp cận, có phân bố hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ.
Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện đảm bảo chất lượng hoạt động GDNN. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách đối với cơ sở GDNN, đội ngũ quản lý, nhà giáo GDNN, người học nghề và DN tham gia hoạt động GDNN. Đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tích cực hỗ trợ các DN trong việc đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực GDNN.
“Cần đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong công tác tuyển sinh, đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình của cơ sở GDNN gắn với giải quyết việc làm. Thúc đẩy gắn kết giữa nhà nước - nhà trường và DN trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo”, bà Trang chia sẻ.
Trước xu thế phát triển như hiện nay, việc đẩy mạnh quá trình chuyển dịch đào tạo LĐ sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực ở các lĩnh vực kinh tế trọng tâm của tỉnh và ở khu vực nông thôn nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu LĐ là yêu cầu tất yếu. Cần chú trọng nâng cao tỉ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề gắn với đáp ứng nhu cầu của thị trường và mục tiêu của DN trên địa bàn tỉnh.
Gắn kết giữa cơ sở GDNN với DN, huy động các DN tham gia dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo LĐ nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường LĐ. Trong công tác giải quyết việc làm, giải pháp hiện nay vẫn là tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm, chủ động mời gọi các DN có uy tín, chất lượng và năng lực hoạt động trong các lĩnh vực để thu thập thông tin, cung cấp các thông tin về thị trường LĐ cho NLĐ có nhu cầu và các cơ quan, đơn vị, các cơ sở GDNN trên địa bàn.