Giải pháp nâng cao hiệu quả cải tạo vườn tạp ở Bắc Quang
BHG - Nhằm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Cải tạo vườn tạp, phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025”, huyện Bắc Quang đã chỉ đạo các xã, thị trấn, trên cơ sở mục tiêu nghị quyết và căn cứ vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng để xây dựng kế hoạch cụ thể hóa, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm đem lại thu nhập ổn định cho người dân theo hướng bền vững.
Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ cải tạo vườn tạp (CTVT) trong 3 năm qua tại huyện Bắc Quang là trên 6,4 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách tỉnh bố trí ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho các hộ vay vốn CTVT là trên 5,8 tỷ đồng; kinh phí xã hội hóa các tổ chức, cá nhân hỗ trợ là gần 630 triệu đồng. Các hộ được vay vốn đã cơ bản hiểu rõ mục đích của thực hiện chương trình CTVT; 100% số hộ được vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục.
Để chương trình đạt hiệu quả cao, huyện mở hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật gắn với chuyển đổi số trong thực hiện đề án và xây dựng vườn mẫu mang lại hiệu quả kinh tế để tạo điểm nhấn, tăng động lực cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã có khoảng 2.500 mảnh vườn tạp được cải tạo, trong đó có 194 hộ được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết số 58; 255 hộ không được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 58 và số hộ tự chỉnh trang nhà ở, cải tạo vườn hộ gắn với phong trào “nhà sạch vườn đẹp” là trên 2.000 hộ. Tổng thu nhập từ CTVT trong 3 năm qua ước tính đạt trên 4,5 tỷ đồng và chương trình đã “đổi mới nhận thức” của người dân, “cải tạo tư duy” cho cấp ủy Đảng các cấp trong công tác lãnh, chỉ đạo, định hướng giúp người dân lấy sức lao động và tiềm năng, lợi thế đất đai để nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Có thể khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình, song cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã luôn thể hiện rõ quyết tâm chính trị, tạo đột phá cả trong nhận thức, cách làm mới cho người dân, tạo ra sự liên kết giữa các hộ, nhóm hộ, các xã, thị trấn để có những vùng sản xuất đủ lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa, mang tính liên kết lâu dài.
Từ những kết quả đã đạt được, thiết nghĩ cần tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ một số giải pháp thực hiện chương trình CTVT thời gian tới, đó là: Ban chỉ đạo cấp xã cần tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các thành viên phụ trách đến từng hộ; phát huy vai trò gương mẫu, sâu, sát cơ sở của người đứng đầu và các thành viên; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tập trung lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện CTVT.
Về cách thức tổ chức thực hiện: Tổ chức thực hiện bài bản, tuân thủ đúng quy trình, đặc biệt là khâu lựa chọn hộ thực hiện (Từ khảo sát chọn hộ, tư vấn xây dựng kế hoạch, tổ chức cải tạo và kiểm tra giám sát); phải được bàn bạc, thảo luận kỹ với hộ gia đình trong việc thống nhất đề xuất nội dung, hạng mục cải tạo và bố trí kinh phí, nguồn lực để thực hiện. Tư vấn đến các thôn, xã có điều kiện thuận lợi thì nên hướng tới nhóm hộ cùng sở thích (cùng chăn nuôi, cùng trồng trọt 1 loại cây, con) để hình thành vùng nguyên liệu, giảm chi phí đầu vào, dễ trong việc chăm sóc, phòng dịch bệnh. Tổ chức lại sản xuất, gắn với bao tiêu sản phẩm đầu ra (liên kết với các HTX, doanh nghiệp địa phương để trồng trọt, chăn nuôi một số cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có thời gian sinh trưởng ngắn, như nuôi gà ( gà Ri lai; gà Mía; nuôi gà đẻ trứng); chăn nuôi lợn; trồng Nhân trần; trồng dâu nuôi tằm. Thực hiện phương châm "dân biết - dân bàn - dân làm - dân hưởng thụ - cán bộ phụ trách, hướng dẫn, giúp đỡ". Vận động hộ trung bình, hộ khá triển khai thực hiện và xây dựng vườn, chuồng chăn nuôi mẫu để hộ nghèo học tập, làm theo; đa dạng hóa mô hình CTVT trong các hội viên, người dân.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các hộ gia đình được thông suốt về tư tưởng; nắm vững chủ trương, chính sách, nội dung để chủ động tích cực tham gia thực hiện CTVT. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, cán bộ, viên chức là người sở tại có diện tích vườn phải chủ động trong quy hoạch, cải tạo vườn hộ nhà mình, làm điểm để người dân học tập; đánh giá trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện CTVT gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Phân công các cơ quan, các thành viên của Tổ công tác của BTV Huyện ủy có trách nhiệm phụ trách tới tận hộ; các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy; Ủy viên BCH Đảng bộ mỗi người phụ trách từ 1 - 2 hộ/năm, Ủy viên BTV, BCH Đảng bộ xã mỗi người phụ trách ít nhất 1 hộ/năm.