Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Thừa phát lại
Với mong muốn bạn đọc có cái nhìn tổng quát về công tác Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội Hà Nội, vừa qua, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Thực hiện chế định Thừa phát lại - hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp'.
Cần xây dựng phần mềm lưu trữ vi bằng
Tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội, bà Nguyễn Phương Nam đánh giá, công tác quản lý Nhà nước từ khi chế định Thừa phát được triển khai đến nay, Thừa phát lại TP Hà Nội hoạt động tương đối ổn định. Mở rộng 38 văn phòng Thừa phát lại đáp ứng người đến lập vi bằng, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân khi có nhu cầu sử dụng lập vi bằng Thừa phát lại. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều lớp bồi dưỡng, tham mưu đề xuất, bổ sung khi sửa đổi Nghị định 08, xây dựng Luật Thừa phát lại.
Hoạt động Thừa phát lại cũng còn khá mới mẻ đối với người dân địa phương. Hầu hết người dân tìm đến Thừa phát lại chỉ để yêu cầu lập vi bằng tạo nguồn chứng cứ cho các giao dịch mà họ tham gia, các hoạt động khác của Thừa phát lại chưa được người dân thực sự hiểu rõ, nhất là hoạt động xác minh thi hành án và thụ lý tổ chức thi hành án.
Để tuyên truyền thông tin hoạt động Thừa phát lại đến người dân, bà Nguyễn Phương Nam cho biết, từ khi Nghị định 08 ra đời, Sở Tư pháp kịp thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên báo Kinh tế và Đô thị, Đài PTTH Hà Nội để người dân hiểu biết và tọa đàm, các Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ ở Văn phòng Thừa phát lại tuyên truyền cho người dân.
Hàng năm, các trưởng văn phòng xây dựng kế hoạch từ đầu năm, trực tiếp tuyên truyền cho người dân tại văn phòng khi người dân có yêu cầu lập vi bằng.
Theo quy định, trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại (Khoản 4, Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) trong khi, công chức tham mưu quản lý về Thừa phát lại vừa thực hiện kiểm tra, đăng ký vi bằng vào sổ đăng ký vừa kiêm nhiệm các nhiệm vụ chuyên môn khác.
Việc này theo bà Nguyễn Phương Nam là vấn đề bất cập bởi nó đòi hỏi cán bộ phải tiếp nhận vi bằng, thêm vào sổ vi bằng và kiểm tra. Trong khi đó, công chức có 5 người phải phụ trách 13 lĩnh vực, số lượng vi bằng quá lớn. Trong thời gian tới vi bằng sẽ nhiều lên và lưu trữ vi bằng như thế nào, phải có kho, đảm bảo chất lượng. Do đó, Sở sẽ kiến nghị sửa đổi bởi gây khó khăn cho cán bộ ở Sở Tư pháp và các Thừa phát lại. Đồng thời, xây dựng phần mềm lưu trữ vi bằng,… nếu ra được cơ sở dữ liệu vi bằng thì rất phù hợp.
Khó quản lý khi lập vi bằng trên phạm vi toàn quốc
Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình nhận định, trong thời gian tới, Thừa phát lại sẽ khởi sắc và đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, mong muốn làm cơ sở dữ liệu, bởi như hiện tại khi lập vi bằng xong phải mang đến Sở Tư pháp để đăng ký vi bằng, nếu quá thời gian trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều này gây khó khăn cho Thừa phát lại.
8 văn phòng Thừa phát lại ở Hà Nội tống đạt được tất cả các văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng, tất cả các cơ quan thi hành án, tòa án đều giao cho văn phòng Thừa phát lại thực hiện và văn phòng Thừa phát lại tổ chức lực lượng đi tống đạt.
Song, hiện nay, chỉ còn mỗi Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm đi tống đạt. Mỗi năm Văn phòng Hoàn Kiếm tống đạt được khoảng 80.000 văn bản. Đến nay Văn phòng Hoàn Kiếm tống đạt được hơn 200.000 văn bản.
Từ năm 2018 đến nay, do vấn đề kinh phí nên cơ quan thi hành án không chuyển cho Thừa phát lại đi tống đạt mà chỉ tòa án giao cho Thừa phát lại đi tống đạt. Bởi lẽ Thừa phát lại tống đạt thì cơ quan tòa án rất yên tâm, giúp cho việc xét xử của tòa án ngày càng tốt hơn, tránh việc phải hủy, hoãn tòa. Tuy nhiên, các văn phòng Thừa phát lại khác tống đạt hạn chế, bởi đầu tiên chi phí tống đạt được quy định tại Thông tư 09 khi được sửa đổi rất đơn giản nhưng Nghị định 08 được ấn định trong Nghị định.
“Việc tống đạt được tòa án đánh giá cao bởi giúp đỡ cho tòa án nhiều trong việc xét xử. Toàn TP đến nay đã lập được 28.000 vi bằng, thu được 26 tỷ đồng. Vi bằng giúp cho các cơ quan tổ chức có thể lập thành chứng cứ ở vụ án dân sự và hình sự. Để đề nghị xây dựng Luật Thừa phát lại thì cần có ý kiến nhiều để đưa vào nội dung luật cho chuẩn”, ông Nguyễn Văn Lạng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Lạng, từ năm 2020 đến nay văn phòng Thừa phát lại đã thu được cho người thi hành án hơn 40 tỷ đồng, thu được 1,2 tỷ đồng tiền phí và đây là việc giảm tải cho cơ quan thi hành án.
Các cơ quan thi hành án dân sự muốn chuyển giao bớt việc mình làm cho văn phòng Thừa phát lại bởi các cơ quan này quá tải. Người được thi hành án cũng mong muốn văn phòng Thừa phát lại thi hành án cho công việc được nhanh chóng. Từ năm 2020 đến nay, các văn phòng Thừa phát lại không thụ lý thêm các công việc thi hành án nữa mà chủ yếu là thực hiện nốt các công việc đã thực hiện từ trước.
Việc lập vi bằng trên phạm vi toàn quốc, ông Nguyễn Văn Lạng đánh giá, việc Thừa phát lại các tỉnh khác đến Hà Nội lập thì Sở Tư pháp không quản lý được và sai sót của vi bằng đó sẽ không quản lý được. Nếu Sở Tư pháp các tỉnh khác không quản lý, không sử dụng một cách đúng mức thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của Thừa phát lại. Hội sẽ quản lý chung về đạo đức thừa phát lại, nghiệp vụ thừa phát lại. Có gần 50 trên 63 tỉnh, TP có hoạt động Thừa phát lại và có lỗ hổng cho vấn đề quản lý nên chăng ta cần xem xét lại việc lập vi bằng trên phạm vi toàn quốc này.