Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước tỉnh An Giang
TS. TÔ THIỆN HIỀN (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu hệ thống hóa về quản lý ngân sách nhà nước của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước của tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2019. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước tỉnh An Giang từ nay đến năm 2025 nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Từ khóa: thu ngân sách nhà nước, hiệu quả quản lý, tỉnh An Giang.
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nhà nuớc rất quan tâm về nguồn thu tài chính - tiền tệ đảm bảo nhu cầu. Điều này phụ thuộc vào việc huy động các nguồn thu của ngân sách nhà nước (NSNN). Để huy động đầy đủ nguồn thu vào NSNN nhằm thực hiện nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước thì những hình thức thu ngân sách phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Trong tiến trình đổi mới nền kinh tế, các hình thức thu NSNN ở địa phương đã từng bước thay đổi, điều chỉnh để thực hiện nhiệm vụ tập trung nguồn thu cho chi NSNN, là công cụ điều chỉnh vĩ mô quan trọng của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các hình thức thu NSNN vẫn còn hạn chế bất cập với tình hình thực tế của địa phương, cần phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung. Do vậy, nâng cao hiệu quả quản lý thu NSNN tỉnh An Giang là cần thiết.
2. Khái quát về thu, chi NSNN
NSNN: Theo Luật Ngân sách nhà nước: NSNN là toàn bộ các khoản thu chi của nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Nhà nước.
Thu NSNN: Thu NSNN là việc Nhà nước dùng quyền lực của mình để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quỹ ngân sách nhà nước nhằm thỏa mãn các nhu cầu của nhà nước. Thu NSNN phải khai thác nguồn thu hợp lý là công việc cốt lõi của cân đối NSNN, chính sách thu NSNN phải hợp lý khi thỏa mãn đồng thời 4 điều kiện chủ yếu là: giải quyết được nhu cầu chi tiêu của Nhà nước; kích thích kinh tế phát triển; điều tiết được thu nhập; phù hợp với thông lệ quốc tế. Các khoản thu NSNN bao gồm: Thuế, phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân nộp theo quy định của pháp luật; Các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước; Các khoản đóng góp của các tổ chức và cá nhân; Các khoản viện trợ; Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Chi NSNN: Chi NSNN là việc phân phối và sử dụng quỹ NSNN nhằm đảm bảo thực hiện chức năng của Nhà nước theo những nguyên tắc nhất định. Chi NSNN là quá trình phân phối lại các nguồn tài chính đã được tập trung vào NSNN và đưa chúng đến mục đích sử dụng. Do đó, chi NSNN là những việc cụ thể không chỉ dừng lại trên các định hướng mà phải phân bổ cho từng mục tiêu, từng hoạt động và từng công việc thuộc chức năng của nhà nước. Chi NSNN gồm các nhóm: Chi thường xuyên bao gồm các khoản chi nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của nhà nước; Chi đầu tư phát triển bao gồm các khoản chi dài hạn nhằm làm tăng cơ sở vật chất của đất nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Chi trả nợ và viện trợ bao gồm các khoản chi để nhà nước thực hiện nghĩa vụ trả nợ các khoản đã vay trong nước, vay nước ngoài khi đến hạn và các khoản chi làm nghĩa vụ quốc tế; Chi dự trữ là những khoản chi NSNN để bổ sung quỹ dự trữ nhà nước và quỹ dự trữ tài chính.[2].
Cân đối NSNN: Cân đối NSNN là một đòi hỏi có tính chất khách quan xuất phát từ vai trò nhà nước trong can thiệp vào nền kinh tế thị trường với mục tiêu ổn định, hiệu quả và công bằng. Thông thường, khi thực hiện ngân sách các khoản thu dự kiến sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Vì vậy, tính toán nhu cầu chi sát với khả năng thu trong khi lập dự toán ngân sách là rất quan trọng. Các khoản chi chỉ được phép thực hiện khi có đủ các nguồn thu bù đắp.
3. Thực trạng thu, chi NSNN tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2019 3.1. Hoạt động thu NSNN
Bảng 1. Thu ngân sách nhà nước tỉnh An Giang
ĐVT: Tỷ đồng
Bảng 1 cho thấy, tổng thu NSNN An Giang luôn tăng trong giai đoạn 2017-2019. Cụ thể: năm 2017 thu NSNN là 16.851 tỷ đồng, đến năm 2018 là 18.562 tỷ đồng, tăng so với năm 2017: 1.711 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 10,15%, và đến năm 2019 là 19.703 tỷ đồng, tăng so với năm 2018: 1.141 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 6,15%. Nguyên nhân số liệu thu tăng qua các năm đã thể hiện tính thuận lợi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năng lực quản lý, điều hành tốt của ngành thu NSNN và các ngành, đơn vị có liên quan đến việc tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành nguồn thu NSNN của địa phương. Trong đó, năm 2018 số thu bổ sung từ NS cấp trên so với năm 2017 là giảm 134 tỷ đồng và đạt tỷ lệ giảm 1,56%. Tương tự, năm 2018, số liệu thu chuyển nguồn từ nguồn thu năm trước (NT) chuyển sang so với năm 2017 là tăng 1.314 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 50,73%. Vì vậy, nguồn thu tăng đã thể hiện tính tích cực của hoạt động nguồn thu của địa phương.
3.2. Hoạt động chi NSNN
Bảng 2. Chi ngân sách nhà nước tỉnh An Giang
ĐVT: Tỷ đồng
Bảng 2 cho thấy, tổng chi NSNN An Giang cũng tăng theo nguồn thu NSNN giai đoạn 2017-2019 để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Cụ thể: năm 2017 chi NSNN là 16.241 tỷ đồng; đến năm 2018 chi 17.748 tỷ đồng, tăng so với năm 2017 là 1.507 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 9,28%; và đến năm 2019 là 19.213 tỷ đồng, tăng so với năm 2019 là 1.465 tỷ đồng và đạt tỷ lệ tăng 8,25%. Nguyên nhân số liệu chi tăng qua các năm theo xuất phát từ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; không ngừng đổi mới, quản lý, điều hành chi NSNN đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả chi NSNN của địa phương. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành của ngành chi tài chính của các ngành, các cấp, đơn vị có liên quan đã tích cực, hiệu quả quản lý chi NSNN qua giai đoạn các năm liên tiếp. Trong đó, giai đoạn 2017-2019, chi đầu tư phát triển đều tăng, cụ thể: năm 2017 là 2.710 tỷ đồng, năm 2018 là 4.618 tỷ đồng, và đến năm 2019 là 4.623 tỷ đồng tăng so với năm 2018 là 5 tỷ đồng, tỷ lệ tăng: 0,11%. Nguyên nhân đạt được đó là nhờ địa phương đã thực hiện theo chủ trương, chính sách của Nhà nước ưu tiên cho chi đầu tư phát triển và tiết kiệm chi thường xuyên, các khoản chi chưa cần thiết, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
3.3. Kết dư ngân sách nhà nước
Bảng 3. Kết dư ngân sách nhà nước tỉnh An Giang
ĐVT: Tỷ đồng
Bảng 3 cho thấy, tổng thu NSNN và tổng chi NSNN đều tăng giai đoạn 2017-2019 đã thể hiện đảm bảo tính tích cực của quản lý NSNN tỉnh An Giang, kích thích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Số kết dư hằng năm đều tăng và giảm, cụ thể năm 2017 số kết dư: 610 tỷ đồng, đến năm 2018: 814 tỷ đồng (so với năm 2017 tăng 204 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 33,44%) và đến năm 2019: 490 tỷ đồng (so với năm 2018 giảm 324 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 39,80%). Qua đó cho thấy tỉnh An Giang đã thực hiện các giải pháp hiệu quả không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý thu, chi NSNN của tỉnh, tiết kiệm chi để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
3.4. Đánh giá chung
Kết quả đạt được: Thu NSNN ở địa phương mỗi năm đều tăng phần lớn là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, các ngành, các cấp chính quyền địa phương và ngành chuyên môn. Thông qua thực hiện ủy nhiệm thu để sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, tăng cường cán bộ cho các bộ phận quản lý đối tượng kinh doanh lớn và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hỗ trợ đối tượng nộp thuế. Sắp xếp tổ chức bộ máy ở Chi cục Thuế làm tiền đề để tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ công chức để thực hiện cơ chế quan lý thuế mới theo chức năng cấp Chi cục Thuế. UBND xã, phường, thị trấn đa số rất quan tâm và tích cực thực hiện công tác ủy nhiệm thu, đôn đốc các ủy nhiệm thu nhanh và nộp kịp thời vào Kho bạc Nhà nước (KBNN). Báo cáo kịp thời hộ phát sinh về Chi cục Thuế để lập bộ thuế tổ chức thu. Nhiều xã, phường, thị trấn thu hồi nợ đọng tốt, đảm bảo kế hoạch thu theo Chi cục Thuế giao. Trình độ cán bộ quản lý thu NSNN của tỉnh ngày một nâng cao do Cục Thuế, Chi cục Thuế thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, phát hành văn bản cụ thể, chi tiết, dễ hiểu thống nhất cách quản lý chung cho cả tỉnh, huyện và xã trong công tác thực hiện chính sách thuế về tổ chức, kỷ luật của Ngành.
Hạn chế chủ yếu: Nợ thuế tồn đọng khá nhiều do có một số xã, phường, thị trấn chưa quan tâm đến công tác đôn đốc thu nộp ngân sách, nguyên nhân do được tạm ứng kinh phí chi trước; vì vậy mà giao hết trách nhiệm thu nộp ngân sách cho ủy nhiệm thu mà ít quan tâm theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, thông tin kịp thời với Chi cục thuế để phối hợp giải quyết những khó khăn. Thái độ, tác phong của một số cán bộ ủy nhiệm thu chưa thật sự hòa nhã khi tiếp xúc với người nộp thuế, gây ảnh hưởng không tốt cho ngành Thuế. Công tác tuyên truyền của các Chi cục Thuế, UBND xã, phường, thị trấn còn hạn chế, chưa thông suốt trong các cơ quan ban ngành địa phương, cơ sở kinh doanh và nhân dân.
Nguyên nhân hạn chế: Cơ chế, chính sách thu chưa hoàn chỉnh, có nhiều loại thu, nhưng vẫn sơ hở, chồng chéo, chắp vá, không bao quát hết nguồn thu và diện thu, chưa tập trung hết các nguồn thu để hình thành một hệ thống thu hoàn chỉnh. Sự phát triển đa dạng của các hoạt động kinh doanh trên thị trường không gắn liền với nhận thức mới về nghĩa vụ đối với Nhà nước, còn tình trạng tìm cách trốn thuế, lậu thuế. Trình độ nghiệp vụ cán bộ thu còn hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu triển khai sắc thuế mới.
4. Đề xuất giải pháp
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước tỉnh An Giang từ nay đến năm 2025, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, khai thác đầy đủ và hiệu quả các nguồn thu ở địa phương: Thuế, phí và lệ phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê nhà, thu khác ngân sách: thu phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông; phạt vi phạm hành chánh; thu cố định tại xã, các khoản thu để lại quản lý chi NS: thủy lợi phí, viện phí, học phí. Nguồn thu tiềm ẩn: Thu vay, thu viện trợ, thu hợp tác lao động, nguồn thu vận động nhân dân, nhà doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, để đầu tư xây dựng các công trình công cộng, thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo.
Hai là, hoàn thiện phân cấp quản lý thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương: Thu giành 100% cho ngân sách địa phương như thuế giá trị gia tăng từ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thu điều tiết giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài. Tỷ lệ phân chia các khoản thu điều tiết chỉ có giá trị trong thời kỳ ổn định 3 đến 5 năm. Thu trợ cấp đối với địa phương như NS Trung ương chỉ trợ cấp bổ sung cân đối cho NS địa phương, không nên cấp toàn bộ phần thiếu hụt. Mức trợ cấp này khoảng 80% đến 90% số thiếu hụt.
Ba là, mở rộng quyền tự chủ cho chính quyền cấp xã trong khai thác các nguồn thu của địa phương: Chấn chỉnh và phát triển các nguồn thu để lại 100% cho NS cấp xã. Hướng dẫn các khoản huy động nhân dân đóng góp. Phối hợp chỉ đạo quản lý các nguồn thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%). Giải quyết kịp thời nguồn thu bổ sung từ ngân sách cấp trên cho NS cấp xã. Có cơ chế tạo nguồn thu và cơ chế quản lý nguồn thu ngân sách xã đảm bảo nhu cầu chi tiêu của xã.
Bốn là, hoàn thiện bộ máy quản lý thu các cấp: Tổ chức thực hiện tốt công tác phân loại cán bộ theo chuẩn mực thi đua về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để bố trí vào các vị trí thích hợp của mô hình tổ chức mới. Thực hiện tốt việc điều động, luân chuyển, luân phiên công việc đối với cán bộ theo chế độ đã quy định. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý thu theo hướng chuyên môn hóa kỹ năng quản lý thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ, khai thác và sử dụng thành thạo các ứng dụng tin học phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.
Năm là, hoàn thiện hệ thống pháp lý trong quản lý thu ngân sách nhà nước: Trong chính sách thuế phải hình thành một cơ cấu thuế hợp lý nhằm tăng cường nguồn thu và vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước. Chính sách thuế phải góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hiện đại hóa trong điều kiện Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới. Hệ thống thuế phải đơn giản, ổn định, mang tính luật pháp cao và có sự tương đồng với khu vực và thông lệ quốc tế. Hoàn thiện chế độ kế toán, quyết toán thu, chi NSNN đáp ứng nhu cầu đổi mới công tác quản lý NSNN.
Sáu là, thực hiện quốc sách tiết kiệm trong chi ngân sách nhà nước: Tôn trọng kỷ luật tài chính. Do nguồn lực kinh tế có giới hạn nếu chi NSNN gia tăng sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ và thuế cho nền kinh tế trong tương lai. Nâng cao hiệu quả trong phân bổ nguồn lực. Chi NSNN phải phù hợp với các ưu tiên chiến lược của nhà nước để đảm bảo tính kỷ luật tài chính tổng thể cũng như tính tương hợp giữa ngân sách kế hoạch và ngân sách thực tế nhằm tối đa hóa phân bổ nguồn lực tài chính. Đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động quản lý NSNN. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải hết sức chú trọng đến kết quả đầu ra trong phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính với chi phí thấp nhất.
Bảy là, thực hiện việc phát hành trái phiếu địa phương để chi các công trình kinh tế trọng điểm của địa phương: Phát hành trái phiếu địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho địa phương huy động nguồn vốn để cho đầu tư phát triển các công trình có tính chiến lược; đồng thời chấp hành nghiêm ngặt về thủ tục phát hành và thanh toán trái phiếu.
Tám là, chính sách khen thưởng phù hợp, kịp thời và xử lý nghiêm minh những sai phạm trong quản lý NSNN: Nhằm củng cố và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người làm công tác quản lý NSNN, đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý NS ở địa phương. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tính pháp luật, quy định về thu, chi ngân sách nhà nước cho đơn vị, cá nhân nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
5. Kết luận
Trong giai đoạn 2017-2019, hoạt động thu, chi NSNN địa phương An Giang đã không ngừng phát triển quản lý NSNN của địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Với những giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thu NSNN tỉnh An Giang trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, phục vụ cho việc quản lý, điều hành NSNN ở An Giang được tốt hơn, chặt chẽ và hiệu quả hơn, góp phần tích cực thực hiện thành công quản lý tài chính ngân sách nhà nước của địa phương và đất nước cùng xu hướng hội nhập quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Quốc hội (2015),
Luật số 83/2015/QH13: Luật Ngân sách nhà nước
, ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Chính phủ (2016),
Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
;
Bộ Tài chính (2016),
Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách;
Bộ Tài chính (2017),
Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo, và tổng hợp quyết toán năm;
Bộ Tài chính (2018),
Thông tư số 119/2018/TT-BTC ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2019;
Sở Tài chính An Giang (2020),
Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh An Giang các năm 2017, 2018, 2019.
SOLUTIONS TO ENHANCE THE EFFICIENCY
OF AN GIANG PROVINCE’S STATE BUDGET
COLLECTION MANAGEMENT
• Dr. TO THIEN HIEN
An Giang University,
Vietnam National University of Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This paper studies the state budget management of Vietnam in the context of the countrys international integration process. The paper also examines local socio-economic activities, state budget collection and expenditure of An Giang Province from 2017 to 2019. Based on the papers findings, some solutions are proposed to enhance the efficiency of An Giang Province’s state budget collection management from now unttil 2025, contributing to the local socio-economic development in particular and the national growth in general.
Keywords: state budget collection, effective management, An Giang Province.