Giải pháp nâng chất doanh nghiệp để đối phó dịch bệnh

COVID-19 hầu như làm tê liệt nền kinh tế Việt Nam khiến giảm sút xuất nhập khẩu; đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu và chuỗi cung ứng hàng hóa sản xuất, nhiều doanh nghiệp lao đao trước nguy cơ phá sản.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Đã gần 1 năm kể từ ngày Việt Nam xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm dịch COVID-19. Cùng với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị nhằm thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi và hạn chế người từ vùng dịch; kể cả việc phải đóng cửa biên giới; cách ly toàn xã hội hoặc phong tỏa các thành phố, các khu vực tập trung đông người…, đến nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh.

Điều đáng nói là ảnh hưởng và tác động của dịch COVID-19 hầu như đã làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu; trong đó có Việt Nam với hệ quả là sự giảm sút về tỷ trọng xuất nhập khẩu; việc đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu và chuỗi cung ứng hàng hóa cho các dây chuyển sản xuất… khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, khốn khó và đứng trước nguy cơ phá sản.

Dịch bệnh chưa qua, thiên tai, bão lũ lại ập tới và chồng chất thêm gánh nặng, thêm nỗi lo âu của hàng nghìn, hàng trăm nghìn doanh nghiệp, doanh nhân trên khắp mảnh đất hình chữ S.

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để ghi nhận những tình hình mới, những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đang vật lộn với “cuộc chiến” để sinh tồn.
Phóng viên: Dù đã cơ bản khống chế được dịch bệnh nhưng nguy cơ bùng phát trở lại của dịch COVID-19 cũng như những tác động tiêu cực tới nền kinh tế đang là nỗi lo thường trực của toàn xã hội. Ông đánh giá như thế nào về tình hình, về thể trạng của các doanh nghiệp hiện nay?
Ông Vũ Tiến Lộc: COVID-19 thực sự là đại dịch thế kỷ, là một thử thách khốc liệt của toàn nhân loại; trong đó, có Việt Nam. Chưa từng có trong tiền lệ, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bị tác động với những hậu quả nặng nề của dịch bệnh. Song với ý chí kiên cường và sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước cùng nỗ lực của toàn dân và đội ngũ doanh nhân, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép vừa khống chế được dịch bệnh, vừa duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân.
Nhiều doanh nhân cầm cự để duy trì doanh nghiệp và nỗ lực hết mình vì người lao động, chấp nhận chịu lỗ, chịu thua, chịu hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để lo việc làm cho người lao động, kiên quyết không buông tay trước những khó khăn, thách thức.
Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội trong quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10/2020 cũng khởi sắc so với những tháng trước đó. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2020 tăng 18,4% so với tháng 9/2020, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4%.
Tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước có gần 111,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tuy giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 14,4%.
Những chỉ số ấy là minh chứng rõ ràng nhất, phản ánh trung thực và khách quan nhất nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã đem lại những kết quả khởi sắc cho nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức hiện thời.
Khi kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì, an sinh xã hội được bảo đảm…cũng đã chứng minh được khả năng thích ứng và chống chịu của các doanh nghiệp, đã tạo nên nền tảng vững chắc cho toàn nền kinh tế đất nước khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Cũng chính vì lẽ đó mà Việt Nam đang là điểm đến an toàn của các nhà đầu tư theo làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trên thế giới hiện nay như nhận định của nhiều tổ chức quốc tế và một số quốc gia phát triển trong khu vực và trên toàn cầu.
Phóng viên: Ý chí và niềm tin của số đông doanh nghiệp hiện nay ra sao thưa ông, khi đâu đó vẫn còn nhiều quan ngại về những tác động và hậu quả của dịch COVID-19?
Ông Vũ Tiến Lộc: Rất mừng là dù còn nhiều gian nan và dự báo về sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sẽ không dễ dàng, nhưng tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường và khả năng chống chịu của doanh nghiệp Việt luôn tiềm ẩn đâu đó đã bừng dậy mạnh mẽ.
Theo kết quả của cuộc khảo sát mới nhất mà VCCI thực hiện, có tới 72,8% doanh nghiệp Việt cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất trong quý IV năm nay; chỉ có 17,3% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch phải thu hẹp, tạm ngừng hoặc giải thể. Kết quả đó thấp hơn nhiều so với các năm trước và đặc biệt thể hiện dấu hiệu tích cực trong bối cảnh có nhiều sóng gió hiện nay.
Phóng viên: Với những vấn đề còn đeo đẳng liên quan tới dịch bệnh COVID-19, theo ông, giải pháp nào cho nền kinh tế và các doanh nghiệp để tiếp tục duy trì những nỗ lực tăng trưởng, thậm chí còn tạo động lực để phấn đấu đạt thành tích cao hơn?
Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi cho rằng yêu cầu “Nâng chất doanh nghiệp” luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và xuyên suốt để hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mạnh về tiềm lực, giỏi về trình độ và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập
Như chúng ta đã thấy, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với nền tảng quản trị, công nghệ, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội…chưa cao. Hộ kinh doanh cá thể vẫn là chủ thể phổ biến, chiếm tới 88% tổng số các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế nên năng suất lao động, năng lực cạnh tranh vẫn xếp ở thứ hạng thấp trong khu vực.
Vì thế, trước những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của công cuộc hội nhập kinh tế đỉnh cao như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… hay cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cùng những diễn biến bất thường về địa chính trị, địa kinh tế, biến đổi khí hậu và dịch bệnh... đang đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược cấu trúc lại và nâng cao trình độ quản trị.
Cho dù ở quy mô nào, các doanh nghiệp dù lớn - bé hay nhỏ và vừa đều phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế để đổi mới, tăng cường sáng tạo theo hướng phát triển bền vững, bao trùm và kinh doanh có trách nhiệm hơn.
Nâng chất các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải được thực hiện song hành với những đột phá về cải cách thể chế và nỗ lực nhiều hơn trong công cuộc phòng chống tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, an toàn… tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo và khẳng định vị thế quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế hiện nay./.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông! ./.

Ngọc Quỳnh (Thực hiện)/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-nang-chat-doanh-nghiep-de-doi-pho-dich-benh/177962.html