Giải pháp nào cho cà phê đường tàu?
Câu chuyện cafe đường tàu ở Hà Nội không mới, và nó luôn là chủ đề tranh luận giữa hai xu hướng: đảm bảo an toàn giao thông và thu hút du lịch. Vậy có giải pháp nào đảm bảo sự cân bằng cho cả hay yêu cầu đó hay không?
Có một nơi ở Hà Nội mà với khách quốc tế gần như là một điểm không thể bỏ qua. Nơi đây cũng được nhiều website du lịch gợi ý cho du khách đến với Thủ đô, đó là các quán cà phê đường tàu dọc theo phố Phùng Hưng và các con phố lân cận.
Trong số vài chục người khách quốc tế từng đến nhà tôi trong hơn 1 năm qua, khi tôi hỏi họ về những nơi họ muốn đến ở Hà Nội, thì trong danh sách bao giờ cũng có các quán cà phê đường tàu.
Cá nhân tôi và những người trong gia đình cũng đã nói với họ rằng, đó là một trong những điểm đến không được chính quyền khuyến khích và thậm chí là bị cấm, bởi mô hình cà phê này vi phạm an toàn về giao thông đường sắt.
Tuy nhiên, tôi phải thành thật rằng, tất cả người khách quốc tế của chúng tôi đều đã từng đến đó và họ thấy đó là một điểm rất thú vị.
Cũng không phải chỉ một lần mà có rất nhiều lần các cơ quan chính quyền khác nhau của Hà Nội đã có những giải pháp để ngăn cấm khách du lịch vào các quán cà phê đường tàu. Chúng ta có thể khá dễ dàng thấy lực lượng chức năng thường ứng trực hàng ngày để ngăn cản khách đi vào các khu vực đó, nhằm hạn chế các hoạt động có thể tổn hại đến an toàn, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Ở đây tôi nghĩ có một điểm mà chúng ta cũng cần và nên quan tâm, đó là phả có một cách tiếp cận phù hợp và cân bằng.
Các điểm đến du lịch trên thế giới thường là những điểm đến có tính trải nghiệm, đôi khi nó phải nổi tiếng do mong muốn chủ quan của chính quyền địa phương, hay của những người xây dựng nên các điểm đến đó. Trong rất nhiều trường hợp, sự nổi tiếng của một địa danh, hay một nơi nào đó trở thành điểm du lịch một cách hết sức tình cờ.
Ví dụ như ở Na Uy, có một điểm đến gọi là “mỏm đá lưỡi quỷ” – một mỏm đá nhô ra trên hồ thủy điện, được phát hiện một rất cách tình cờ bởi những người đi rừng. Con đường trekking đến mỏm đá đó trong nhiều năm được bầu là một trong số những con đường trekking đẹp nhất thế giới. Vì thế có rất nhiều khách du lịch đến Na Uy là để đến một thị trấn tương đối heo hút và đi bộ lên mỏm đá lưỡi quỷ đó. Ngay từ ban đầu, không ai nghĩ ở đó có thể trở thành một địa điểm tham quan, thậm chí là một địa điểm nổi tiếng thế giới.
Cho dù chúng ta không muốn thì các quán cà phê đường tàu đã trở thành một trong số những điểm hấp dẫn khách du lịch quốc tế đến Hà Nội. Và cũng có một thực tế khác là hoạt động của các quán cà phê này rất dễ làm ảnh hưởng đến an toàn của ngành đường sắt, an toàn chạy tàu.
Chính quyền có lẽ nên xem xét đến một thực tế khác nữa, đó là trong vài năm gần đây, các nỗ lực của chính quyền để có thể ngăn cản hay dẹp bỏ các hoạt động liên quan đến cà phê đường tàu đã không có hiệu quả, thực tế là khách du lịch vẫn đến đó.
Trong trường hợp này, tôi nghĩ có một cách tiếp cận phù hợp là chúng ta nên có một giải pháp hài hòa, để vừa đảm bảo an toàn cho đường sắt, vừa duy trì và biến cà phê đường tàu trở thành một điểm đến hấp dẫn của Hà Nội. Ở đây không có nghĩa là chính quyền cần phải đầu tư gì thêm, mà cần thay đổi cách tổ chức phù hợp.
Ví dụ, do có thể chủ động biết được giờ tàu chạy qua, nên chúng ta hoàn toàn có thể có sự phối hợp với ngành đường sắt để có những cảnh báo, có thể có những người tuần đường đi trước thông báo, hoặc có những cách cảnh báo sáng tạo hơn, mang lại sự ấn tượng, vui vẻ cho khách du lịch…, nếu làm được thì chắc chắn là sẽ có lợi cho tất cả các bên, cho cả ngành đường sắt vì sự an toàn, cho cả khách du lịch vì những trải nghiệm, và cho cả chính quyền địa phương vì có được những hoạt động phù hợp với pháp luật và không gây ra tổn hại cho xã hội.
Tôi nghĩ, đó là một cách tiếp cận mà chúng ta cần và nên tính đến không chỉ cho những quán cà phê đường tàu, mà cho cả những điểm đến du lịch và cho cả những vấn đề khác trong xã hội.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giai-phap-nao-cho-ca-phe-duong-tau-post1144846.vov