Giải pháp nào cho các cặp đôi khi IVF thất bại?
Áp lực về tâm lý và khó khăn về tài chính sau nhiều lần thất bại liên tiếp làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) khiến không ít người dang dở ước mơ tìm con yêu. Vậy đâu là giải pháp?
Thiên chức làm cha, làm mẹ luôn là đích đến, là khát khao cháy bỏng của các cặp vợ chồng trong hôn nhân. Với nhiều người, đó là việc tưởng chừng đơn giản. Nhưng với các cặp vợ chồng hiếm muộn, khát khao ấy là một hành trình dài phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, trở ngại tâm lý và cả những lo lắng về tài chính.
Chia sẻ tại hội thảo y khoa “Giải pháp hỗ trợ chuyên môn và tài chính cho các cặp vợ chồng từng IVF thất bại”do Bệnh viện Đa khoa Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức vào sáng 24/11, ThS.BS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc Trung tâm IVF Hà Nội cho biết, qua thực tế thăm khám, bác sĩ gặp không ít các trường hợp gia đình hiếm muộn lâu năm đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thậm chí có những cặp vợ chồng thất bại liên tiếp nhiều chu kỳ IVF ở nhiều nơi trước khi đến với Bệnh viện Đa khoa Hà Nội họ mang tâm lý lo lắng hoang mang về hành trình tìm con phía trước, họ sợ đối mặt với hai từ “thất bại” kéo theo những áp lực lớn về tâm lý và tài chính.
Theo bác sĩ Phương, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) hiện nay là một trong những công cụ hữu hiệu giúp mở ra cơ hội cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Tuy nhiên, cũng như nhiều phương pháp điều trị y tế, IVF không phải lúc nào cũng mang lại kết quả mong muốn. Điều này phụ thuộc vào sức khỏe sinh sản của bệnh nhân và phản ứng của họ đối với phác đồ được chỉ định.
Theo Giám đốc Trung tâm IVF Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến IVF thất bại:
- Nguyên nhân từ người vợ: Suy giảm dự trữ buồng trứng cả về số lượng và chất lượng, bất thường về nội tiết, bất thường di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, về gen), mắc bệnh về nội/ngoại khoa, bất thường về cơ quan sinh dục.
- Nguyên nhân từ người chồng: Tinh trùng dị dạng nặng, tinh trùng tỉ lệ sống ít, không di động, bất thường di truyền.
- Nguyên nhân từ phôi thai: Chất lượng phôi kém là một trong những vấn đề phổ biến nhất đối với thụ tinh ống nghiệm thất bại.
- Chưa tối ưu trong điều trị: Trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, nhiều cặp vợ chồng chưa tối ưu hóa phác đồ kích thích buồng trứng. Phòng Lap chưa đảm bảo kỹ thuật, trang thiết bị. Điều này làm giảm chất lượng và số lượng phôi được tạo ra khiến giảm tỉ lệ có thai.
Do đó, bác sĩ Phương nhấn mạnh, để giúp tăng tỷ lệ thành công trong quá trình làm IVF, các cặp vợ chồng cần lưu ý thăm khám kỹ, tỉ mỉ để tìm đúng nguyên nhân hiếm muộn.
Bên cạnh đó, làm thụ tinh trong ống nghiệm để đưa ra giải pháp tốt, mỗi một người sẽ có một phác đồ điều trị khác nhau.
Đồng thời, các cặp vợ chồng cần có tinh thần thoải mái, không nên căng thẳng và chế độ ăn uống, điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Chia sẻ thêm về vấn đề tài chính khi làm IVF thất bại, ông Vũ Quang Tám - Giám đốc Khối Kinh doanh Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết, chi phí thực hiện IVF dao động trung bình từ 100-200 triệu đồng.
"Đây là số tiền không hề nhỏ và không ít cặp vợ chồng đã phải dừng lại hành trình tìm con bởi những khó khăn về kinh tế sau các chu kỳ IVF thất bại", ông Tám cho hay.
Do đó, để tiếp thêm động lực cho các gia đình hiếm muộn, ông Tám cho hay Bệnh viện Đa khoa Hà Nội đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại, voucher giảm giá, tối ưu hóa các phác đồ điều trị (giảm thiểu các bước không cần thiết trong quy trình để giảm chi phí).
“IVF Hà Nội luôn lấy khách hàng làm trung tâm với phương châm “tối ưu chi phí, tối đa kết quả” và tư vấn cụ thể, rõ ràng về chi phí điều trị ngay từ đầu”, ông Vũ Quang Tám nhấn mạnh.