Giải pháp nào cho xe công nông?

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại khu vực Tây Nguyên liên quan đến xe công nông

Gây mất an toàn giao thông

Xe công nông là phương tiện không thể thiếu đối với nông dân khu vực Tây Nguyên. Đây là phương tiện phục vụ cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, cày kéo. Song, thực trạng tại các địa phương khu vực Tây Nguyên cho thấy, người dân không những dùng xe công nông để phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp, mà còn sử dụng để làm phương tiện di chuyển.

Đơn cử tại Gia Lai, trên quốc lộ 25 hay các tuyến đường liên huyện, liên xã, không khó để bắt gặp những chiếc xe công nông vừa chở người và hàng hóa nông sản cồng kềnh vào mỗi sáng sớm ra rẫy hoặc chiều muộn, khi nông dân từ rẫy trở về nhà.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại khu vực Tây Nguyên liên quan đến xe công nông

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại khu vực Tây Nguyên liên quan đến xe công nông

Bên cạnh đó, một thực tế khác cũng khiến cơ quan chức năng đau đầu tìm giải pháp hạn chế. Đó là nhiều xe công nông được người dân “độ, chế”, không đảm bảo an toàn. Thực trạng này gây ra nhiều hệ lụy đối với người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường. Đã có nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe công nông dẫn đến chết người thương tâm. Tuy nhiên, dù chính quyền và ngành chức năng các địa phương tích cực vào cuộc lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với các phương tiện này, nhưng sau các đợt ra quân, thì đâu lại vào đấy!

Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Gia Lai, địa phương có khoảng 37.747 xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, tai nạn giao thông liên quan đến công nông chiếm tỷ lệ 7,36% số vụ, 7,35% số người chết và 7,14% số người bị thương trong tổng số tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn.

Tìm giải pháp ngăn chặn

Mặc dù, dùng xe công nông lưu thông trên các tuyến quốc lộ là vi phạm các quy định hiện hành, tuy nhiên, lượng xe vi phạm quá lớn, trong khi các lực lượng chức năng lại rất mỏng, không thể kiểm soát hết tình hình thực tế.

Theo Cơ quan Cảnh sát Giao thông tỉnh Gia Lai, việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với phương tiện xe công nông gặp không ít khó khăn. Khi xảy ra tai nạn giao thông, việc xử lý hậu quả sau tai nạn cũng rất phức tạp. Vậy nên, việc nâng cao khả năng vận hành an toàn cho loại phương tiện này trong giai đoạn chưa tìm ra phương tiện thay thế hữu hiệu là rất quan trọng.

Không riêng tại Gia Lai, thực trạng trên cũng diễn ra tương tự tại Đăk Lăk, thậm chí đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ví như, ngày 12/4/2019, trên đoạn đường giáp ranh giữa hai xã Hòa Phong – Cư Pui, huyện Krông Bông (Đăk Lăk), xe công nông của anh Y Pha Êban ở xã Hòa Phong chở đầy sắn đi bán bị lật nghiêng xuống taluy đường bên trái. Hậu quả làm một bé trai 8 tuổi tử vong. Hay như, trường hợp khác xảy ra vào ngày 12/6/2019, anh Y Bê ở xã Hòa Phong dùng xe công nông độ chế chở sắn thu hoạch từ rẫy về nhà. Do trọng tải lớn nên khi xe đi đến đoạn đường dẫn lên cầu treo buôn Tliêr bị lật nghiêng xuống đường làm toàn bộ nông sản đổ ra đường. Ngày 7/7/2019, xe công nông của ông Ama Kuan, xã Hòa Phong chở đầy sắn, bị gãy rời phần đầu máy với phần thân rơ moóc. Chủ phương tiện thoát chết trong gang tấc.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, loại phương tiện này không thể thiếu đối với người nông dân khu vực Tây Nguyên. Do đó, để vừa bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vừa phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn, đòi hỏi cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý phù hợp từ quá trình sản xuất, đến việc đăng ký, lưu hành phương tiện, cũng như nâng cao nhận thức Luật Giao thông đường bộ cho người điều khiển loại phương tiện này.

Trước thực tế này, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đưa ra giải pháp là dán phản quang đối với loại phương tiện này để góp phần giảm thiểu, ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Hiện Gia Lai có khoảng 29.000 công nông, chiếm khoảng trên 70% đã được gắn biển phản quang.

Bài và ảnh Chí Thiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/giai-phap-nao-cho-xe-cong-nong-93491.html