Giải pháp nào đảm bảo không gian chung khi cải tạo chung cư cũ?

Không gian chung tại các khu chung cư cũ ở Hà Nội vẫn đang bị lấn chiếm. Tình hình này đòi hỏi phải thực hiện những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.

Lấn chiếm không gian chung, dẹp rồi "đâu lại vào đấy"

Tại khu tập thể cũ Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), nhiều không gian công cộng bị người dân lấn chiếm để kinh doanh. Bất chấp quy định quản lý và sử dụng sân chơi ghi rõ nghiêm cấm sử dụng sân chơi sai mục đích như buôn bán, trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp, để vật dụng của gia đình…, hành động vi phạm vẫn diễn ra ngay trước mắt người dân.

Tình trạng lấn chiếm không gian sinh hoạt công cộng tại các khu chung cư cũ ở Hà Nội là bài toán khó chưa có lời giải.

Tình trạng lấn chiếm không gian sinh hoạt công cộng tại các khu chung cư cũ ở Hà Nội là bài toán khó chưa có lời giải.

Trong không gian sinh hoạt chung, bàn ghế của những quán ăn, cà phê được bày la liệt, kéo theo đó là tình trạng mất vệ sinh môi trường vì thực khách vô tư vứt rác. Một số không gian công cộng khác lại được biến thành bãi trông giữ xe máy, ô tô.

Tương tự, tại khu tập thể Trung Tự, biển quảng cáo của các quán ăn, cà phê che lấp cả bảng quy định quản lý và sử dụng sân chơi.

Một số sân chơi không hề có người dân tham gia hoạt động vui chơi, giải trí, thay vào đó là hình ảnh thực khách tận hưởng món ăn, nhâm nhi ly cà phê ở nơi dành cho không gian sinh hoạt cộng đồng.

Ở khu tập thể Quỳnh Mai, một số người tận dụng chính không gian chung dưới mỗi cầu thang của các tòa nhà kinh doanh quán nước, hàng ăn hoặc để xe máy. Những hoạt động này không chỉ khiến người dân gặp khó khăn trong đi lại, mà còn gây tình trạng mất vệ sinh môi trường.

Không gian sân chơi của tập thể bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh cà phê.

Không gian sân chơi của tập thể bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh cà phê.

Bà Đinh Thị Cúc, người sống tại khu tập thể Kim Liên cho hay, tình trạng lấn chiếm không gian ở sân chơi công cộng diễn ra từ lâu. Phường cũng nhiều lần ra quân xử lý, nhưng sau một thời gian, "đâu lại vào đấy".

"Người lớn chúng tôi không bị ảnh hưởng lắm, nhưng trẻ con trong khu này không còn nhiều chỗ vui chơi", bà Cúc nói.

Ông Bùi Quang Việt sống tại khu tập thể Trung Tự chia sẻ, dù có sân chơi gần nhà, ông hiếm khi được sử dụng những thiết bị thể dục ở đó, vì hàng quán chiếm hết không gian.

"Những quán đông khách còn gây ồn ào quá mức, ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh. Vì vậy, tôi rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc, dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm như hiện nay", ông Việt nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch UBND phường Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, các khu tập thể trên địa bàn có từ lâu. Nhiều khu vực chưa được quy hoạch cụ thể về không gian sinh hoạt công cộng hoặc nếu có thì chưa đáp ứng đủ yêu cầu của người dân.

Sân chơi chung của tập thể bị chiếm dụng làm nơi phơi quần áo của một số gia đình.

Sân chơi chung của tập thể bị chiếm dụng làm nơi phơi quần áo của một số gia đình.

Bên cạnh đó, vì cuộc sống mưu sinh và thói quen sinh hoạt, nhiều người dân lấn chiếm không gian công cộng để kinh doanh. Khắc phục tình trạng này, UBND phường Kim Liên thường xuyên phối hợp công an phường, tổ chức ra quân xử lý vi phạm, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không tái lấn chiếm không gian công cộng.

Tuy nhiên, vì lực lượng không thể duy trì kiểm tra thường xuyên, nên chỉ sau một thời gian bị dẹp bỏ, tình trạng lấn chiếm không gian chung tại các khu chung cư cũ bùng phát trở lại.

Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Ông Trương Minh Quang, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng và đô thị quận Đống Đa cho hay, quận Đống Đa có số lượng chung cư cũ lớn nhất tại Hà Nội với 12 khu, 517 nhà, chiếm khoảng 1/3 chung cư trên địa bàn Thủ đô và là nơi sinh sống của 57.000 người.

Quận đang nghiên cứu cải tạo 90 khu tập thể cũ ở Kim Liên, Trung Tự và Khương Thượng, dự kiến xây dựng thành 19 tòa nhà, cao 25 - 45 tầng, tùy thuộc mật độ dân số của từng khu vực.

"Do việc tăng dân số cơ học và hệ thống hạ tầng cơ sở không đáp ứng nhu cầu thực tế nên trong quá trình lập đồ án quy hoạch, chúng tôi sẽ ưu tiên dành phần đất để xây dựng các khu chức năng cho giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa và tăng tỷ lệ cây xanh theo nguyên tắc giảm mật độ xây dựng, không tăng dân số", ông Quang nói.

Biển hiệu quảng cáo của các hàng quán che lấp cả bảng quy định của sân chơi

Biển hiệu quảng cáo của các hàng quán che lấp cả bảng quy định của sân chơi

Trong khi đó, ông Vũ Trung Kiên, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng và đô thị quận Cầu Giấy thông tin, việc xây dựng không gian công cộng sẽ được triển khai trên cơ sở Đồ án quy hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã phê duyệt, sẽ đảm bảo không gian công cộng cho người dân trên cơ sở quy mô dân số hiện trạng và đảm bảo không tăng dân số theo nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra.

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, các khu tập thể cũ ở Hà Nội được xây dựng theo mô hình đơn vị ở chuẩn mực, trong bán kính khoảng 500m có đầy đủ dịch vụ tiện ích như trạm y tế, nhà trẻ, trường học, trung tâm thương mại… Khoảng cách giữa các tòa nhà khá rộng, thường được quy hoạch thành vườn hoa, sân chơi.

Nhưng trong quá trình đô thị hóa, nhu cầu về nhà ở tăng lên, người dân cũng mong muốn có cuộc sống chất lượng hơn. Một số gia đình thấy nhà chật quá nên cơi nới. Các hộ ở tầng một vươn ra phía trước và phía sau vì khoảng cách giữa hai bên rất rộng. Tình trạng này dẫn đến việc lấn chiếm không gian chung, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy.

TS.KTS Trương Văn Quảng cũng cho rằng, thành phố Hà Nội đang có chủ trương cải tạo các khu tập thể cũ trên địa bàn. Những khu chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng sẽ bị phá bỏ hoàn toàn để xây mới. Các tòa nhà 4 - 5 tầng sẽ biến thành tòa nhà hàng chục tầng. Khi đó, không gian lấn chiếm sẽ bị xóa bỏ, trả lại mặt bằng mới như một khu đất trống.

Cơ quan chức năng nhiều lần ra quân dẹp tình trạng lấn chiếm không gian công cộng, nhưng sau một thời gian "đâu lại vào đấy".

Cơ quan chức năng nhiều lần ra quân dẹp tình trạng lấn chiếm không gian công cộng, nhưng sau một thời gian "đâu lại vào đấy".

Trên cơ sở đó, thành phố sẽ xây dựng những khu chung cư mới theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn đang áp dụng với khu đô thị, đảm bảo mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ số cây xanh, vườn hoa, sân chơi… Ngoài ra, vai trò của Ban quản lý, quản trị khu chung cư cũng phải được nâng cao để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, đảm bảo không gian chung cho người dân.

Là người đang làm việc tại Think Playgrounds - doanh nghiệp xã hội có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng sân chơi và không gian công cộng bền vững tại đô thị - KTS Đặng Thị Quỳnh Chi đánh giá, tình trạng lấn chiếm không gian chung tại các khu chung cư cũ trong thời gian dài đã làm mất cơ hội tổ chức hoạt động sinh hoạt cộng đồng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn kết xã hội và sức khỏe người dân.

Khi không gian chung mất đi, các hoạt động như gặp gỡ, trò chuyện hay tham gia hoạt động tập thể bị hạn chế. Tình trạng này sẽ tạo ra những hệ lụy đáng lo ngại, đặc biệt đối với sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ em vốn rất cần không gian chạy nhảy, vui chơi, khám phá thiên nhiên… Chính vì vậy, chủ trương cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội là tất yếu.

Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm không gian công cộng tại các khu chung cư.

Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm không gian công cộng tại các khu chung cư.

Theo KTS Đặng Thị Quỳnh Chi, đối với những dự án này, từ bước lập quy hoạch chi tiết đến thiết kế cần ưu tiên không gian công cộng như một yếu tố then chốt, trong đó công nhận giá trị to lớn của nó trong việc tăng cường gắn kết cộng đồng và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Để kiến tạo những không gian công cộng chất lượng, khi cải tạo chung cư cũ, người dân nên được tham gia quá trình thiết kế từ đầu để đáp ứng đúng nhu cầu của họ, đồng thời mang đến những giải pháp thực tế và nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người sau này trực tiếp sử dụng không gian công cộng đó.

Ngoài ra, việc lập hội, nhóm quản lý không gian công cộng như hội phụ nữ, người cao tuổi, thanh niên… rất cần thiết để duy trì hoạt động tại không gian công cộng.

Trong quá trình thiết kế, đơn vị thi công cần đảm bảo mọi người có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận không gian công cộng, đặc biệt là nhóm yếu thế như người già, người khuyết tật, trẻ em.

Người dân nên được tham gia quá trình thiết kế không gian công cộng để đáp ứng đúng nhu cầu của họ, đồng thời mang đến những giải pháp thực tế.

Người dân nên được tham gia quá trình thiết kế không gian công cộng để đáp ứng đúng nhu cầu của họ, đồng thời mang đến những giải pháp thực tế.

Không gian công cộng cần có diện tích đủ lớn và đa dạng để có thể làm sân bóng, cầu lông, nhà cộng đồng, vườn cộng đồng... Sự đa dạng này sẽ tạo điều kiện cho nhiều người dân có cơ hội giao lưu, gắn kết và rèn luyện sức khỏe, đồng thời tăng tính hấp dẫn của không gian, giúp dễ dàng duy trì.

Việc thiết kế không gian công cộng cũng nên linh hoạt, đảm bảo nhu cầu đỗ xe, kinh doanh, góp phần hạn chế tình trạng lấn chiếm. Tuy nhiên, những yếu tố kinh doanh sẽ gây phức tạp về quản lý và cần sự minh bạch cao.

"Khi những yếu tố trên được đảm bảo, người dân sẽ có cảm giác tự hào, cùng sự quản lý của hội, nhóm sẽ giúp đẩy lùi hoạt động lấn chiếm không gian chung. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý mạnh mẽ và quyết liệt cũng là yếu tố quan trọng", KTS Đặng Thị Quỳnh Chi nhấn mạnh.

Dịch Phong

Khánh Hòa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/giai-phap-nao-dam-bao-khong-gian-chung-khi-cai-tao-chung-cu-cu-19225051620390883.htm