Giải pháp nào để bảo đảm đủ điện cho năm 2024?

Việc cung ứng điện trong mùa khô vừa qua gặp nhiều khó khăn, có thời điểm phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Để bảo đảm cung ứng điện trong năm 2024, cần chủ động sớm nhiều giải pháp.

Hai kịch bản cấp điện

Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết, theo tính toán, dự báo phụ tải năm 2024 tiếp tục tăng cao, bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000-4.500MW/năm.

Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 đạt khoảng 1.950MW và đạt khoảng 3.770MW vào năm 2025, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam. Trong khi đó, công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp; nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm; dẫn tới thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6 và 7-2024, dự báo thiếu 420MW-1.770MW.

Nhân viên Công ty Điện lực Hải Phòng sửa chữa hệ thống điện. Ảnh: HÀ TRUNG

Nhân viên Công ty Điện lực Hải Phòng sửa chữa hệ thống điện. Ảnh: HÀ TRUNG

Để bảo đảm cân đối cung-cầu điện năm 2024, theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, Tập đoàn đã tính toán cân đối cung-cầu điện năm 2024 với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 bằng hai kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện. Theo kịch bản 1, nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường. Với kịch bản 2, trong tình huống cực đoan, lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023.

Trong kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia cơ bản sẽ đáp ứng cung ứng điện. Tuy nhiên, do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.

Trường hợp lưu lượng nước về cực đoan như mùa khô năm 2023, việc bảo đảm cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất trong một số giờ cao điểm của tháng 6 và 7. Khi đó cần thực hiện dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hằng ngày của một số khách hàng sử dụng nhiều điện năng sang thời điểm ngoài cao điểm, đồng thời tăng cường tiết kiệm điện.

Huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, Tập đoàn đang tập trung vào các giải pháp như bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy và các đơn vị thành viên; hạn chế tối đa sự cố ở các nhà máy, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc. Cùng với đó, EVN đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để bảo đảm đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu của hệ thống.

Đặc biệt, Tập đoàn đã lập lịch huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 để điều tiết, giữ mực nước các hồ thủy điện ở mức cao, nhất là khu vực miền Bắc, ở thời điểm cuối mùa khô năm 2024 một cách tối ưu theo quy định.

Trực điều hành tại nhà điều khiển trung tâm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: HÀ TRUNG

Trực điều hành tại nhà điều khiển trung tâm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: HÀ TRUNG

“Tập đoàn sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ những công trình lưới điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và bảo đảm cấp điện trong năm 2024-2025, đặc biệt là 4 dự án 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), các công trình phục vụ nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên chính phủ cũng như đôn đốc chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý để sớm đưa các dự án vào vận hành thương mại”, ông Trần Đình Nhân cho hay.

Liên quan tới cung cấp than cho sản xuất điện, dự kiến kế hoạch năm 2024, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp 56,48 triệu tấn than, trong đó TKV cung cấp khoảng 46,48 triệu tấn và Tổng công ty Đông Bắc khoảng 10 triệu tấn.

Ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV cho biết, để có đủ nguồn cung ứng 46,48 triệu tấn than, trong đó có 31 triệu tấn pha trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu, TKV dự kiến sẽ cần nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than. Hiện EVN, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đang tiến hành thảo luận để đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp than dài hạn, dự kiến sẽ thực hiện từ năm 2024 trở đi đến hết thời gian vận hành nhà máy.

 Công nhân ngành điện miền Trung bảo dưỡng hệ thống lưới điện. Ảnh: HÀ TRUNG

Công nhân ngành điện miền Trung bảo dưỡng hệ thống lưới điện. Ảnh: HÀ TRUNG

Liên quan đến tình hình cung cấp khí, trong những năm vừa qua, khả năng cấp khí cho phát điện ở khu vực Đông Nam Bộ của PVN đang suy giảm mạnh từ năm 2020 trở đi. PVN dự kiến khả năng cấp khí thiên nhiên khu vực Đông Nam Bộ năm 2024 ở mức 3,06 tỷ mét khối, năm 2025 ở mức 2,61 tỷ mét khối (chỉ đáp ứng khoảng 33% so với nhu cầu nhiên liệu của các nhà máy điện và đề xuất sử dụng LNG là nhiên liệu bổ sung, thay thế).

Để bảo đảm nhiên liệu khí cho phát điện năm 2024 và những năm tiếp theo, EVN kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao PVN là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nhiên liệu khí cho phát điện (bao gồm cả khí LNG khai thác trong nước và nhập khẩu). Việc bổ sung khí LNG cho các nhà máy điện được thực hiện trên cơ sở đấu thầu lựa chọn các nhà cung cấp, bảo đảm công khai, cạnh tranh minh bạch. Khí thiên nhiên được ưu tiên cung cấp cho các nhà máy điện, việc phân bổ khí cho các nhà máy điện sử dụng chung hạ tầng được thực hiện phân bổ đều trên tỷ trọng sử dụng bảo đảm bình đẳng và tính cạnh tranh trên thị trường. Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng, EVN sẽ triển khai ngay việc đàm phán bổ sung khí LNG để kịp tăng nguồn cung khí cho năm 2024.

Không được để thiếu điện, than, xăng dầu và khí đốt trong mọi tình huống

Thừa nhận những khó khăn trong cung cấp năng lượng thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là bảo đảm cung ứng điện, than, xăng dầu, khí đốt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên, ở một số thời điểm, nguồn cung về năng lượng chưa bảo đảm; việc cung ứng điện trong mùa khô vừa qua gặp nhiều khó khăn, có thời điểm phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Nhân viên Công ty Điện lực Hưng Yên sửa chữa hệ thống điện. Ảnh: HÀ TRUNG

Nhân viên Công ty Điện lực Hưng Yên sửa chữa hệ thống điện. Ảnh: HÀ TRUNG

Dự báo thời gian tới, thị trường thế giới về nguyên, nhiên liệu sơ cấp đầu vào của sản xuất vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.

Để bảo đảm năng lượng cho nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị không được để thiếu điện, thiếu than, xăng dầu và khí đốt cho nền kinh tế trong mọi tình huống. Trong đó, yêu cầu EVN khắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố ở các nhà máy, tổ máy (nhiệt điện, thủy điện) trong phạm vi quản lý, bảo đảm các nhà máy đủ khả năng hoạt động tối đa công suất; khẩn trương đàm phán giá huy động các dự án điện chuyển tiếp.

Đối với TKV, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị này bảo đảm nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện đã có hợp đồng; đối với PVN, yêu cầu tăng năng lực khai thác, chế biến sản phẩm dầu khí phục vụ nhu cầu phát điện và nhu cầu của nền kinh tế, kể cả nguồn nguyên liệu thô lẫn thành phẩm cho thị trường theo đúng sản lượng, khối lượng đã cam kết và các hợp đồng đã ký.

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-nao-de-bao-dam-du-dien-cho-nam-2024-741842