Giải pháp nào để ngành bán lẻ tăng trưởng 2 con số?
Ngành bán lẻ Việt Nam đã đạt trị giá 150 tỷ USD và đang đứng trước cơ hội lớn đạt 165 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào GDP cả nước.
Nhiều xu hướng thay đổi trên thị trường bán lẻ
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ quý IV năm 2024 diễn ra ngày 7/1, ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã có những chia sẻ về những thay đổi trên thị trường bán lẻ năm 2024.
Theo đó, đối với chuẩn bị cung cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, thực hiện nghiêm Chỉ thị 12 của Bộ Công Thương ngày 20/11/2024 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các đơn vị bán lẻ thuộc Hiệp hội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào phục vụ Tết.
“Thời điểm này, kinh doanh của các đơn vị bán lẻ rất tốt. Năm nay, Tết đến sớm hơn nên tin vui là tháng 12, tăng trưởng của các đơn vị bán lẻ đạt hai con số. Thời gian tới, khi Tết đến gần, kỳ vọng tăng trưởng có thể đạt con số 15%” – ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Một trong những điểm đáng lưu ý ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ là tăng trưởng các mặt hàng Tết năm nay tập trung vào hàng hóa thiết yếu trong các gói quà, giỏ quà phục vụ người tiêu dùng thu nhập thấp với mức tăng lên đến 4 lần so với thời gian trước. Điều này cho thấy sự chia sẻ của cộng đồng đến người dân thu nhập thấp, người dân khu vực vùng sâu vùng xa trong Tết này là rất lớn.
Đáng chú ý, trong tháng kinh doanh tết, nhờ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bán lẻ nên năm nay các nhà cung cấp tiếp cận nhà bán lẻ dễ hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ cũng được nhà nước tạo điều kiện trong việc vận chuyển hàng hóa, đảm bảo hàng hóa kịp thời đến các điểm bán để phục vụ người tiêu dùng.
Song song với đó, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã vào cuộc nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường nên hàng hóa tại các kênh bán lẻ dù tăng số lượng nhưng chất lượng cũng đảm bảo.
Đối với thị phần trên thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức thông tin, xu hướng đáng chú ý trên thị trường là sự chuyển hóa mạnh về cơ cấu giữa các nhà bán lẻ. Năm 2024, cơ cấu của doanh nghiệp có vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI) và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 2/3 so với tổng doanh số bán lẻ. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn, song cũng khơi gợi nhiều suy nghĩ đối với nền tảng chung của các nhà phân phối nội địa.
Bên cạnh đó, năm 2024 chứng kiến sự chuyển hóa giữa tỷ trọng bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống khi lần đầu tiên sau dịch Covid-19, tỷ lệ bán lẻ truyền thống tụt sâu hơn, đây là sự chuyển biến phù hợp với xu thế. Nếu như thời điểm trước dịch Covid-19, tỷ trọng của bán lẻ hiện đại là 24%, sau dịch giảm xuống 18-19% thì đến năm 2025, bán lẻ hiện đại tăng lên 25%. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ bán lẻ hiện đại chiếm 28-30%, tăng cao hơn so với các tỉnh, thành khác.
Với các đơn vị bán lẻ lớn, doanh thu bán lẻ qua thương mại điện tử của các đơn vị này đang không ngừng tăng cao. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng chung về phát triển kinh tế số. Các đơn vị bán lẻ đã có sự chuyển hóa phù hợp và kỳ vọng sẽ tăng cao doanh thu từ hình thức bán lẻ này trong thời gian tới.
5 kiến nghị để tăng trưởng thương mại bán lẻ 2 con số
Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, ngành bán lẻ đang đóng góp khoảng 150 tỷ USD và theo định hướng của Đảng, Nhà nước, doanh số ngành bán lẻ sẽ tăng lên 165 tỷ USD trong thời gian tới, đóng góp đáng kể cho GDP. Để thương mại phát triển 2 con số, đóng góp chung vào GDP, ông Nguyễn Anh Đức kiến nghị: Thứ nhất, liên quan đến kế hoạch định hướng phát triển đồng bộ nền tảng hạ tầng thương mại, cần có kế hoạch để thực sự phát triển nền tảng hạ tầng thương mại vật lý và phi vật lý, nền tảng hạ tầng giai đoạn đến năm 2030, đặc biệt năm 2025 - năm cuối kế hoạch 5 năm 2021-2025 vì sẽ mở ra định hướng mới cho giai đoạn tới.
Thứ hai, cần phát triển đồng bộ các ngành đóng vai trò hỗ trợ lĩnh vực thương mại như ngành logistics và công nghệ thông tin bởi hai lĩnh vực này góp phần quan trọng để ngành thương mại phát triển, đồng hành với sự phát triển chung.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng nguyên liệu cả nước để tránh tình trạng các địa phương có sự cạnh tranh lẫn nhau cũng như cạnh tranh với các nguồn khác. Cần kế hoạch dài hơi để các vùng nguyên liệu mang tính bổ sung, hỗ trợ cho nhau, góp phần phát triển thương mại nói chung.
Thứ tư, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tận dụng các FTA để giúp các doanh nghiệp trong nước có cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu ra thị trường ngoài nước.
Thứ 5, Chính phủ đã bàn nhiều về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Để đạt mục tiêu này, cần có kế hoạch liên quan đến ưu đãi vốn để khuyến khích động viên doanh nghiệp phát triển đúng hướng. Đồng thời, có các định hướng chính sách lớn từ các cơ quan nhà nước để các doanh nghiệp có hành lang pháp lý tạo động lực phát triển theo.
Theo các chuyên gia, thị trường với quy mô hơn 200 tỉ đô la sẽ là một cuộc cạnh tranh quyết liệt của các nhà bán lẻ không chỉ về giá bán mà là tăng tiện ích, giá trị, cảm xúc và trải nghiệm mua sắm. Để không tụt lại phía sau, doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương nhấn mạnh: Hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rằng phát triển hệ thống bán lẻ là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.
Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều mục tiêu lớn, bao gồm: Xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại, hiệu quả, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền và nâng cao khả năng cạnh tranh của thương mại trong nước. Khai thác hiệu quả tiềm năng của công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử và các mô hình bán lẻ thông minh. Gắn kết phát triển thương mại với tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.
Chiến lược này không chỉ định hướng cho ngành bán lẻ Việt Nam phát triển nhanh mà còn đặt ra yêu cầu phải gắn kết chặt chẽ giữa tốc độ phát triển và tính bền vững theo đúng các chủ trương, đường lối lớn của Đảng được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh thực hiện chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ.
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao các đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương tiếp thu và có các ý kiến kịp thời để hỗ trợ ngành bán lẻ phát triển.