Nghị quyết 08 trở thành kim chỉ nam cho du lịch phát triển

Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị, với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã trở thành kim chỉ nam cho ngành du lịch Việt Nam. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia xung quanh vấn đề này.

Nghị quyết 08-NQ/TW đã tạo ra bước phát triển như thế nào đối với ngành du lịch Việt Nam, thưa ông?

Đây là lần đầu tiên vị thế và vai trò của ngành du lịch được xác định một cách rõ ràng trong hệ thống văn bản chỉ đạo của Đảng, kèm theo các nhóm giải pháp cụ thể để phát triển bền vững.

Từ khi được ban hành, ngành du lịch đã trải qua ba giai đoạn phát triển quan trọng: Giai đoạn 2015–2019 là thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ. Ngành du lịch Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng du khách quốc tế trung bình 22,7% mỗi năm, đứng thứ 6 trong top 10 quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, với tổng doanh thu đạt 32 tỷ USD, đóng góp 9,2% vào GDP.

Giai đoạn 2020–2022, đại dịch COVID-19 gây ra những tác động nghiêm trọng, khiến doanh thu ngành giảm 80%. Tuy nhiên, sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3/2022, ngành đã từng bước hồi phục, khẳng định lại vị thế là một trong những ngành kinh tế quan trọng.

Giai đoạn từ 2023 trở đi, trong năm 2023, ngành du lịch phục hồi 70% so với giai đoạn trước dịch. Năm 2024, du lịch đã hoàn toàn hồi phục với tăng trưởng cả về lượng khách quốc tế (tăng 3%) và nội địa (tăng 10%).

Hiện nay, ngành du lịch đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nào, thưa ông?

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, ngành du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức lớn. Một trong những điểm yếu là sự thiếu chặt chẽ trong liên kết giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp. Để khắc phục, cần thiết lập cơ chế điều phối liên ngành hiệu quả hơn, đưa ra các quy định ràng buộc chặt chẽ trong các liên kết hợp tác.

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Việc nghiên cứu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ các hoạt động du lịch phát triển, đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một nhiệm vụ cần thiết. Thực tế đã chứng minh tác động tích cực của việc sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh trong thời gian qua, giúp ngành du lịch phục hồi nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Để tiếp tục thúc đẩy ngành, trước tiên cần đánh giá tác động của các chính sách không chỉ đối với lĩnh vực kinh tế, mà còn liên quan đến ngoại giao, an ninh và quốc phòng. Trên cơ sở đánh giá toàn diện, các chính sách mới cần được thiết kế cởi mở hơn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.

Vậy, ngành du lịch có cần điều chỉnh chính sách và giải pháp gì để tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển, thưa ông?

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã xác định rõ nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trước tiên, cần nhận thức rõ rằng du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Vì vậy, để phát triển du lịch, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội. Du lịch không chỉ là một lĩnh vực dành riêng cho một số đối tượng mà là một ngành kinh tế quan trọng, cần được đối xử theo đúng quy luật kinh tế. Điều này đòi hỏi hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ban hành các chính sách ưu tiên đầu tư, và xây dựng các khu du lịch có quy mô, đẳng cấp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Mặt khác, cần tập trung đầu tư hạ tầng du lịch; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch bằng phương pháp truyền thống và các hình thức mới, nhất là trên các nền tảng số, tận dụng cơ hội từ ngành công nghiệp 4.0; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới; đồng thời, cần tháo gỡ các rào cản, ban hành chính sách ưu đãi, sửa đổi các quy định pháp luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo và phát huy lợi thế của đất nước.

Du khách quốc tế thích thú khi tìm hiểu nghề truyền thống của Việt Nam.

Du khách quốc tế thích thú khi tìm hiểu nghề truyền thống của Việt Nam.

Bên cạnh đó, để phát triển du lịch bền vững, cần đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo điều kiện để mỗi người dân trở thành một "đại sứ du lịch". Sự thân thiện và chuyên nghiệp của người dân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức hút của ngành.

Việc xây dựng sản phẩm du lịch cần tập trung vào các yếu tố then chốt, đáp ứng nhu cầu của du khách về lưu trú, giải trí, ẩm thực và các dịch vụ bổ sung. Điều này đặt ra bài toán cho ngành du lịch và các doanh nghiệp: Luôn đổi mới sản phẩm, nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của khách hàng qua từng phân khúc thị trường. Từ đó, tùy vào điều kiện thực tế, chúng ta có thể xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá phù hợp để đáp ứng thị hiếu và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Chỉ khi có được những sản phẩm độc đáo và hấp dẫn, mới có thể nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Việc xúc tiến, quảng bá cần được triển khai mạnh mẽ ở cả quy mô quốc gia và địa phương, tận dụng tối đa nguồn lực để tạo ra các chiến dịch cộng hưởng, đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, cần tiếp tục chú trọng vào các thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài, ảnh, clip: XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/nghi-quyet-08-tro-thanh-kim-chi-nam-cho-du-lich-phat-trien-20250108231147802.htm