Giải pháp nào để quản lý thuế hiệu quả đối với doanh nghiệp lớn?

Để quản lý thuế một cách hiệu quả, sáng 23/11, Dự án hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống thuế (Tổng cục Thuế) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo 'Quản lý thuế doanh nghiệp lớn tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp'.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Minh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Minh.

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, TS. Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; đại diện các bộ, ngành trung ương; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện các vụ, đơn vị của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đại diện một số cục thuế lớn như: Cục Thuế TP. Hà Nội, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh; đại diện các doanh nghiệp lớn…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XII về đổi mới sắp xếp bộ máy chính trị hoạt động tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, Bộ Tài chính đã rà soát và trình Thủ tướng Chinh phủ ban hành Quyết định số 41 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế.

Trên cơ sở quyết định này, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai hợp nhất chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, sau khi thành lập các chi cục thuế khu vực, các đơn vị này đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn của Tổng cục Thuế đã ra đời từ năm 2010. Sau 10 năm đi vào hoạt động, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn đã giúp cho Tổng cục Thuế quản lý tốt việc quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, do phạm vi quản lý ngày càng mở rộng, số thu của các doanh nghiệp lớn ngày càng lớn. Do đó, việc đổi mới cơ cấu bộ máy tổ chức của Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn là điều hết sức cần thiết.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Minh.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, Tổng cục Thuế muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, các chuyên gia, ý kiến của tổ chức đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, ý kiến trực tiếp từ phía các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội, đơn vị tư vấn. Từ đó giúp cơ quan thuế nghiên cứu, tiếp thu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Nói về việc tinh gọn bộ máy của ngành Thuế thời gian qua, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện nghị quyết của Trung ương, Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế đã tập trung chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với các đơn vị trong hệ thống thuế.

“Sau gần 2 năm thực hiện đổi mới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện thuế điện tử, sắp xếp tổ chức bộ máy, đến nay Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục thuế từ 711 chi cục xuống còn 415; đồng thời cắt giảm được 2.485 đầu mối hành chính. Bộ máy mới của cơ quan thuế các cấp đã phát huy hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị về thu ngân sách; các chức năng, nhiệm vụ được quy định cụ thể, rõ ràng, giảm bớt sự chồng chéo, có sự phân công, phân cấp phù hợp” - ông Minh thông tin.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong tình hình mới, nhất là đối với doanh nghiệp lớn, cần tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy quản lý thuế, đặc biệt là bộ máy cơ quan thuế ở trung ương phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng.

Mặt khác, theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước là thống nhất, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ trương giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước có nêu quan điểm chỉ đạo: bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; tỷ trọng thu ngân sách trung ương đạt 60 - 65% trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (khoản 2, Điều 9) cũng nêu rõ, ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách…

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, từ thực tế thu ngân sách nhà nước đến năm 2019 cho thấy, tỷ trọng thu ngân sách trung ương mới đạt 54% tổng thu ngân sách nhà nước; nếu tính riêng thu nội địa do Tổng cục Thuế quản lý thì tỷ trọng ngân sách trung ương mới đạt 45% tổng thu nội địa.

Trong điều kiện các sắc thuế ở khâu nhập khẩu ngày càng giảm theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế thì để tăng tỷ trọng ngân sách trung ương/tổng thu ngân sách nhà nước, cần cơ cấu lại tăng tỷ trọng ngân sách trung ương trong thu nội địa để đảm bảo cân đối chi cho an sinh xã hội, an sinh quốc phòng, đầu tư phát triển đất nước.

“Triển khai thực hiện chủ trương, chỉ đạo của cấp trên, bên cạnh việc cơ cấu lại các khoản thu ngân sách nhà nước, cần thực hiện đồng bộ việc tăng cường năng lực, thẩm quyền cho cơ quan thuế ở trung ương với đầy đủ các chức năng về quản lý thuế để thực hiện quản lý thuế toàn diện đối với các doanh nghiệp lớn; trực tiếp quản lý một số khoản thu ngân sách trung ương quan trọng” - ông Minh nói.

Theo kế hoạch, hội thảo diễn ra cả ngày 23/11 tại Hà Nội, TBTCO sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nội dung này./.

Nhật Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2020-11-23/giai-phap-nao-de-quan-ly-thue-hieu-qua-doi-voi-doanh-nghiep-lon-95667.aspx