Giải pháp nào để quy hoạch đường thủy nội địa?

Ngày 14-10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN), vận tải đường thủy nội địa có vai trò ngày càng quan trọng đối với ngành GTVT, hằng năm đảm nhận khoảng 19% lưu lượng hàng hóa cả nước, có nghĩa cứ 5 tấn hàng trong lưu thông thì có 1 tấn được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, tỷ lệ đảm nhận về luân chuyển hàng hóa của đường thủy nội địa cũng chiếm hơn 20%, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng là 45%, vùng Đông Nam Bộ là 47,5%, đặc biệt, tại Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80%.

 Phương tiện thủy hoạt động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phương tiện thủy hoạt động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng chiểu dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý, khai thác là hơn 17.000km. Hiện nay, đã hình thành 9 hành lang vận tải đường thủy kết nối với nhau và kết nối trực tiếp đến cảng biển, tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB.

Cả nước có 298 cảng thủy nội địa, trong đó có 192 cảng hàng hóa, 9 cảng hành khách; gần 6.900 bến thủy nội địa; hơn 235 nghìn phương tiện thủy nội địa với tổng trọng tải khoảng 19,6 triệu tấn, tổng sức chở hơn 515 nghìn người.

Một trong những vấn đề đặt ra với vận tải thủy hiện nay là kết nối với các phương thức khác, nhất là đường bộ và cảng biển chưa thuận lợi. Nhiều cảng biển không có cầu bến cho phương tiện thủy nội địa làm hàng, rất ít cảng cạn có kết nối với đường thủy nội địa. Các tuyến vận tải thủy còn nhiều điểm nghẽn và các cầu tĩnh không thấp như cầu Đuống, cầu Bình Triệu cũ, cầu Đồng Nai cũ, cầu Sa Đéc...

Các cảng, bến thủy nội địa có quy mô hạn chế, trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, trình độ cơ giới hóa thấp, bảo trì kém. Phương tiện thủy nội địa chủ yếu vẫn là loại nhỏ, hoạt động trên tuyến ngắn, năng suất thấp, rất ít phương tiện chở hàng container, cả nước chỉ có 639 phương tiện...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, vấn đề lớn nhất hiện nay của đường thủy nội địa là quy hoạch, không có quy hoạch sẽ không có điều kiện để triển khai. Quy hoạch đường thủy hiện đã được hội đồng thẩm định quốc gia thống nhất, đã báo cáo Thường trực Chính phủ, đang tiếp thu ý kiến, hy vọng trong thời gian ngắn nhất Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt.

 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa hàng hải và đường thủy nội địa để góp phần giảm tải cho đường bộ. Bài học kinh nghiệm ở cảng Tân Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) là dành vị trí thuận lợi cho đường thủy nội địa nằm trong cảng biển. Cảng biển phải xem xét bổ sung vị trí cho cảng thủy nội địa, có như vậy mới tập kết hàng container từ các địa phương về cảng biển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý, có 3 khu vực cần tập trung phát triển đường thủy nội địa là khu vực phía Bắc; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ; vận tải ven biển. Ở khu vực phía Bắc có 3 hành lang vận tải thủy quốc gia, trong đó, tuyến từ Việt Trì (Phú Thọ) đi Hải Phòng là quan trọng nhất, tiềm năng lớn nhưng kết quả còn hạn chế. Muốn phát triển phải xây dựng hệ thống cảng thủy nội địa trên sông Hồng. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ cần tiếp tục nghiên cứu nâng cấp cảng thủy nội địa, ưu tiên cho vận chuyển container.

Đối với vận tải ven biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, khu vực hoạt động trong phạm vi 12 hải lý từ đường cơ sở. Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu mô hình tàu VR-SB để bảo đảm hoạt động được trong điều kiện gió cấp 7-8 chứ không chỉ giới hạn trong cấp 6 như hiện nay để tàu có thể hoạt động quanh năm, không làm đứt gãy chuỗi vận tải ven biển. Đồng thời, phải có thiết bị tự động trên tàu để quản lý.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các bộ, ngành cùng phối hợp, xây dựng cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng cảng thủy nội địa, mua sắm tàu như miễn giảm thuế, tiếp cận vốn, không thu phí hạ tầng cảng biển với phương tiện thủy, từ đó phát triển hơn nữa vận tải thủy, giảm tải cho đường bộ, giảm chi phí vận tải, logistic.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/giai-phap-nao-de-quy-hoach-duong-thuy-noi-dia-674173