Giải pháp nào để sử dụng hiệu quả đất nông, lâm nghiệp?

Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều bất cập trong việc sử dụng đất, diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất giữa hộ dân với nông trường xảy ra ở nhiều nơi; mô hình quản trị của nhiều nông, lâm trường còn không ít hạn chế đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp.

Còn nhiều bất cập trong sử dụng đất nông, lâm nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến nay đã tiến hành rà soát 275 công ty, trong đó giữ lại 246 công ty. Sau khi rà soát, sắp xếp lại 246 công ty nông, lâm nghiệp, diện tích đất giữ lại là 1.868.538ha; diện tích các nông, lâm trường bàn giao về địa phương là 463.088ha, nâng tổng số diện tích bàn giao về địa phương đến nay đạt 1.084.653ha.

Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT cho biết: "Mặc dù công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên đánh giá về tổng quan thì việc quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất nông, lâm trường vẫn xảy ra; trong đó một số vụ việc phức tạp (đặc biệt là giữa các công ty nông, lâm nghiệp với người dân) nhưng chưa được giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Việc giải quyết nhu cầu bố trí đất ở, đất canh tác cho người dân địa phương (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), dân di cư tự do) chưa có giải pháp căn cơ, thấu đáo".

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, công ty đã xây dựng phương án sử dụng đất, đến nay chỉ còn 3 địa phương chưa trình được phương án tổng thể, là: Hà Nội, Thanh Hóa, Cà Mau do còn vướng mắc về vấn đề các công ty bàn giao đất cho địa phương. Những công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sau khi sắp xếp phải chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật Đất đai nhưng việc hoàn thiện lại hồ sơ, thủ tục thuê đất đòi hỏi nhiều thời gian; việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, vấn đề giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại chỗ, dân cư mới đến các địa phương gắn với sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp hiện cho hiệu quả thấp do hầu hết diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp đã khoán ổn định lâu dài theo Nghị định số 01/CP ngày 4-1-1995, Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8-11-2005 của Chính phủ, diện tích bàn giao về địa phương chưa được thực hiện còn nhiều.

Cần thực hiện ngay việc bàn giao mốc giới, ranh giới sử dụng đất

Đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường chủ yếu nằm trên địa bàn chiến lược quan trọng của quốc gia về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, nơi tập trung đông đồng bào DTTS và người dân di cư tự do. Do đó, để quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp hiệu quả, theo ông Lê Thanh Khuyến, cần phải giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đưa ra kế hoạch, chương trình cụ thể trong việc quản lý đất đai nói chung và đất nông, lâm trường nói riêng. Trong đó, tập trung rà soát, kiểm tra cụ thể trên địa bàn từng xã để có phương án giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, làm rõ trách nhiệm các cấp chính quyền trên địa bàn. Đồng thời, cần thực hiện ngay việc bàn giao mốc giới, ranh giới sử dụng đất; lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với phần diện tích mà nông, lâm trường bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng và thực hiện giao cho các tổ chức, cá nhân thuê đất; ưu tiên giao cho các hộ gia đình tại địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất để không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, tranh chấp.

Về phía doanh nghiệp, ông Hồ Phúc Long, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam đề xuất: Cần điều chỉnh, bổ sung về chính sách, luật pháp hiện hành hoặc ban hành mới về chính sách đất đai, đặc biệt là chính sách về tiền thuê đất đối với doanh nghiệp nông nghiệp, chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên để hạn chế khiếu kiện, đòi đất làm phức tạp tình hình tại địa bàn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp cần phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để xử lý kịp thời tình trạng lấn, chiếm đất đai, làm nhà trái phép, không để kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng kiến nghị, cần phải rà soát lại đất do các công ty nông, lâm trường giữ lại so với nhu cầu thực tế và năng lực quản lý so với thực trạng diện tích dự kiến để lại sử dụng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới căn bản về mô hình quản lý, quản trị công ty để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp; duy trì hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Đất đai phải được đưa vào sử dụng hiệu quả, có giá trị gia tăng trên đất, có chủ là hộ gia đình, tổ chức hoặc cá nhân và được giao theo quy định. Các ý kiến cũng cho rằng, cần phải nghiên cứu cơ chế tín dụng đầu tư về trồng rừng, trồng cây thay thế, có chính sách phù hợp để bảo vệ rừng trồng. Việc rà soát lại đất đã giao nhưng không thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp tại các công ty nông, lâm nghiệp và thực hiện chính sách cổ phần hóa cũng sẽ góp phần quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp hiệu quả.

LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/giai-phap-nao-de-su-dung-hieu-qua-dat-nong-lam-nghiep-591431