Giải pháp nào đối với rác thải không thể tái chế?

Xử lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị luôn là một vấn đề nóng, dù công nghệ xử lý, tái chế đã dần được hoàn thiện. Thói quen sử dụng hộp xốp, túi nylon, hộp nhựa phổ biến, trong đó các loại hộp xốp là những chất thải không thể tái chế, đặt ra những thách thức trong công tác bảo vệ môi trường.

Phố đi bộ Bạch Đằng, TP.Thủ Dầu Một trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh bởi rác thải tràn lan chưa thu gom kịp

Thói quen tạo ra thách thức

Có thể thấy các sản phẩm hộp xốp đựng thực phẩm hiện nay rất phổ biến trên thị trường, từ quán cơm đến gánh xôi vỉa hè… Chị Nga, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng ăn uống tại TP.Thủ Dầu Một, cho biết do nhu cầu buôn bán mang đi nên hàng tháng chị sử dụng khoảng 2kg hộp xốp, túi nylon để đựng thực phẩm cho khách, cả người bán người mua đều thấy tiện lợi.

Tương tự nhiều tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một cho biết hộp xốp, túi nylon đã phổ biến, rất hiếm thấy người đi chợ mang giỏ để đựng thực phẩm. Vì vậy, từ gian hàng thịt, rau củ quả… đều sử dụng túi nylon đựng hàng cho khách dù chỉ là 1-2 củ tỏi hay vài trái chanh, trái ớt. Tìm hiểu của phóng viên, một số tiệm cơm trên đường Thích Quảng Đức, TP.Thủ Dầu Một, cho biết trung bình mỗi ngày họ bán hàng trăm hộp cơm cho khách mang về, đồng nghĩa với việc có hàng trăm hộp xốp, túi nylon được thải ra môi trường.

Trên tuyến đường Bạch Đằng dọc sông Sài Gòn, khu trung tâm TP.Thủ Dầu Một thời gian gần đây thu hút rất đông người dân đến vui chơi, ăn uống. Tuyến đường này đang đối mặt với tình trạng “rác thải tràn đường”, ly nhựa, hộp xốp… thải ra rất nhiều từ du khách sau khi dùng thực phẩm, nước uống ở những hộ kinh doanh xung quanh. Tuyến đường đẹp, hiện đại bỗng chốc trở nên nhếch nhác vì rác thải tràn khỏi thùng, nằm tràn lan dưới vỉa hè. Nhiều bạn trẻ trải bạt ăn uống xong rồi đứng dậy bỏ đi không buồn dọn dẹp, dù thùng rác đặt cạnh bên. Ngoài ra, đơn vị thu gom chưa chủ động tăng tần suất thu những ngày cao điểm cũng khiến rác tràn lan.

Không riêng gì khu vực TP.Thủ Dầu Một, ở nhiều địa phương khác tình trạng rác thải túi nylon, ly nhựa, hộp xốp tại các khu vui chơi, công cộng cũng là vấn đề nhức nhối trong công tác thu gom, xử lý để tái lập mỹ quan môi trường. Chính thói quen trong kinh doanh, tiêu dùng của người dân đang trở thành vấn nạn khiến nhiều loại rác thải không thể tái chế như hộp xốp tràn ngập từ nhà ra phố.

Cần có giải pháp căn cơ

Theo các nghiên cứu, túi nylon, hộp xốp là những vật liệu phải mất hàng chục thậm chí cả trăm năm mới có thể tự tiêu hủy trong môi trường tự nhiên. Nhiều ý kiến cho rằng do hiện nay, với giá thành rẻ, chưa có chính sách áp thuế môi trường cả nơi sản xuất cho đến người sử dụng trong kinh doanh đã khiến những rác thải này ngày càng có xu hướng gia tăng theo tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng dân số, nhất là các đô thị lớn.

Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải - Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), cho biết trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 2.350 tấn rác thải sinh hoạt các loại, trong đó cao nhất là chất hữu cơ hỗn hợp nhuyễn chiếm 33,95%, đứng thứ nhì là rác thải từ túi nylon chiếm 17,94%, mũ xốp, hộp xốp, vải sợi tự nhiên chiếm 5,86%... Theo ông Thắng, túi nylon có thể tái chế nhưng đối với các loại mũ xốp, hộp xốp thì không thể tái chế, chỉ có thể gom để đốt bỏ ở nhiệt độ cao.

“Hiện nay, khó khăn nhất trong quy trình xử lý đó chính là khâu phân loại rác. Rác thải nếu được phân loại tại nguồn sẽ góp phần tích cực hơn trong việc xử lý triệt để, có loại rác thải có thể tái chế, sử dụng, có loại đốt bỏ nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Vẫn chưa có quy định nào liên quan đến việc kiểm soát hay hạn chế sản xuất các sản phẩm hộp xốp không thể tái chế nên loại chất thải này có xu hướng gia tăng”, ông Thắng chia sẻ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, kết quả thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 với tổng khối lượng thu gom, vận chuyển, xử lý đạt gần 11.000 tấn, trong đó nhóm chất thải hữu cơ 8.189 tấn, tương đương 1.020 chuyến xe. Ngoài ra, tỷ lệ phân loại của 12 tổ chức trên địa bàn tỉnh đạt từ 50-65% (Siêu thị AEON (55%), Bệnh viện Quốc tế Becamex 65%, chung cư Sora Garden 50%, Siêu thị Co.op Mart 57,5%, khách sạn The Mira 55%, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 45%)...

Theo đánh giá, mô hình đưa ra đã tiếp cận được với thực tế của tỉnh, đặc biệt hình thức giám sát đã thể hiện vai trò tích cực với hiệu quả phân loại chất thải tại nguồn. Tuy nhiên, theo ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh một số kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là tỷ lệ phân loại riêng biệt chất hữu cơ với các loại chất thải khác vẫn chưa triệt để khi ở cấp tỉnh chỉ đạt 50-60%, cấp địa phương đạt 61%. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt chưa cao, đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền và hiệu quả chương trình… Cá biệt, có đơn vị chỉ có một phương tiện thu gom, vận chuyển chung 2 loại chất thải đã phân loại và chưa tuân thủ thời gian, lộ trình vận chuyển đã ảnh hưởng nhất định đến ý thức của người dân trong việc phân loại chất thải.

Nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế việc sử dụng rác thải không thể tái chế trong sinh hoạt, ngay lúc này cần có một chế tài liên quan trong công tác quản lý nhà nước từ sản xuất đến sử dụng sản phẩm. Song song đó cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên cho các sản phẩm thân thiện môi trường để người kinh doanh, người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế việc sử dụng rác thải không thể tái chế trong sinh hoạt, ngay lúc này cần có một chế tài liên quan trong công tác quản lý nhà nước từ sản xuất đến sử dụng sản phẩm. Song song đó cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên cho các sản phẩm thân thiện môi trường để người kinh doanh, người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

MINH DUY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/giai-phap-nao-doi-voi-rac-thai-khong-the-tai-che-a290951.html