Giải pháp nào giảm ô nhiễm không khí?

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TP.HCM có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ quan đến từ nguồn giao thông, tiếp theo là công nghiệp, xây dựng và đốt mỏ.

Vào mùa ô nhiễm không khí

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TP.HCM có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Khí thải từ phương tiện giao thông góp phần gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe con người (ảnh minh họa).

Khí thải từ phương tiện giao thông góp phần gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng sức khỏe con người (ảnh minh họa).

Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1-4 và một đợt vào đầu tháng 10. Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nguyên nhân khách quan là vào mùa đông miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được gây ô nhiễm chất lượng môi trường không khí. Nguyên nhân chủ quan là từ nguồn giao thông, tiếp theo là công nghiệp, xây dựng và đốt mỏ.

Theo ông Nguyễn Minh Tấn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các kết quả quan trắc, nghiên cứu của thành phố và chuyên gia cho thấy điểm nóng ô nhiễm ở Thủ đô là bụi PM 2.5 và PM 10. Nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời cũng ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3. Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận hầu hết các quận, huyện của thành phố, nhất là các quận nội thành, tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông.

Đã có những mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân. Cụ thể, với sự gia tăng nồng độ bụi PM 2.5 thì trung bình mỗi năm có gần 1.100 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca do bệnh hô hấp.

Giải bài toán ô nhiễm

Theo ông Tấn, thành phố đang triển khai 4 nhóm giải pháp ưu tiên, trong đó có nghiên cứu, xây dựng các quy định, cơ chế đặc thù nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí đã được ban hành tại Luật Thủ đô như quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp.

Thực hiện giảm phát thải từ các nguồn chính, nhất là nguồn giao thông, trong đó có công tác rửa đường, phân vùng giao thông và thu phí phân vùng; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; xây dựng khu vực phát thải thấp. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng không khí trong thành phố, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên cấp liên ngành liên vùng.

Ngoài ra các bộ ngành cũng đang đề xuất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng không khí tại Việt Nam, nhất là các đô thị lớn. Trong đó rà soát, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến quản lý chất lượng không khí, trong đó, tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Đồng thời, thực hiện siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn thải khí thải, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giai-phap-nao-giam-o-nhiem-khong-khi-192241210191802189.htm