Giải pháp nào giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội?Bài 2: Thừa nguyên nhân, thiếu giải pháp

Mỗi năm, Hà Nội dành ngân sách rất lớn cho cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Cùng với đó, các nhóm giải pháp đồng bộ, lâu dài cũng được các cơ quan chức năng kiên trì triển khai nhưng hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng. Vậy đâu là nguyên nhân?

Lô cốt trên đường Nguyễn Xiển án ngữ gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Ảnh: Tuấn Khải

Lô cốt trên đường Nguyễn Xiển án ngữ gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Ảnh: Tuấn Khải

Dẹp chỗ này phát sinh chỗ khác

Giai đoạn 2016-2020, ngân sách thành phố Hà Nội chi hơn 2.100 tỷ đồng cho cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông. Giai đoạn 2021-2025, thành phố cũng chi hơn 1.800 tỷ đồng cho các nội dung này, với mục tiêu rất cụ thể: Mỗi năm xử lý 5-10 điểm ùn tắc, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài quá 30 phút; giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông).

Song thực tế kết quả qua từng năm không như kỳ vọng. Năm 2019, thành phố xử lý được 9 điểm ùn tắc nhưng phát sinh 10 điểm; năm 2020 xử lý 8 điểm, phát sinh 11 điểm; năm 2021 xử lý 10 điểm, phát sinh 8 điểm; năm 2022 xử lý được 8 điểm, phát sinh 10 điểm. Năm 2023, thành phố xử lý được 15/37 điểm ùn tắc thì lại phát sinh 11 điểm ùn tắc mới.

Thừa nhận tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, trong đó 1,1 triệu ô tô, 6,7 triệu xe máy và 200 xe đạp điện, chưa kể 1,2 triệu phương tiện của các tỉnh, thành phố khác lưu thông. Dân số thành phố xấp xỉ 10 triệu người, bao gồm người ở các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống, làm việc. Số lượng phương tiện, mật độ người dân tham gia giao thông trên địa bàn đang gây ra áp lực rất lớn đối với hạ tầng giao thông.

Hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông tại Hà Nội mới chỉ đạt 12-13%, trong khi đó theo quy hoạch phải đạt từ 20% đến 26%, đặc biệt giao thông tĩnh chỉ đạt dưới 1%, theo quy hoạch 3-4%. Điều này dẫn đến hàng loạt tuyến đường, nút giao thông có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Tình trạng ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi.

Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, cho rằng, ùn tắc giao thông trong đô thị chỉ là phần ngọn của vấn đề, cái gốc nằm ở việc phát triển đô thị, bao gồm việc bố trí dân cư chưa hợp lý tại mỗi khu vực trong thành phố và việc xây dựng mạng lưới đường bộ có mật độ tương đối thưa ở khu vực bên ngoài trung tâm.

Trong khi dự án đường sắt đô thị quá chậm, nhu cầu giao thông lại tăng nhanh, phần lớn do quá trình dịch chuyển dân cư từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội. Cùng với đó, quá trình ô tô hóa đang diễn ra rất nhanh, mức độ chiếm dụng mặt đường cao gấp 5-8 lần so với xe máy. Số lượng ô tô cá nhân đang dần chiếm hết toàn bộ lòng đường, càng làm cho mức độ ùn tắc trở nên trầm trọng hơn.

Giải pháp đúng nhưng triển khai chậm

Những năm qua, ngoài thực hiện các giải pháp tình thế như điều chỉnh tổ chức giao thông; cắt xén vỉa hè, thu hẹp dải phân cách để mở rộng lòng đường, Hà Nội đã thực hiện 6 nhóm giải pháp mang tính cơ bản và lâu dài.

Đó là thiết kế hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch, trong đó tập trung hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, các tuyến trục hướng tâm và các tuyến đường có tính kết nối; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có; phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng kết hợp mô hình TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị); quản lý vận hành hiệu quả tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tiếp nhận, đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sau khi hoàn thành, đồng thời tiếp tục cải thiện mạng lưới tuyến buýt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông, ưu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, từng bước nâng cao ý thức và xây dựng văn hóa giao thông, kết hợp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

“Nhìn nhận khách quan, thành phố đã đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến đường, cầu vượt, hầm chui; vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên cuối năm 2021; tăng mật độ mạng lưới và chất lượng dịch vụ xe buýt, nâng tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng từ khoảng 10% (năm 2018) lên hơn 18% (năm 2023). Các nhóm giải pháp mà Hà Nội triển khai đều phù hợp, nhưng nguồn vốn có hạn và tốc độ triển khai chậm, nhất là việc xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị… nên tình hình ùn tắc giao thông vẫn chưa được cải thiện đáng kể”, Tiến sĩ Phan Lê Bình đánh giá.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua, Hà Nội đã rất cố gắng giảm ùn tắc giao thông, từ việc trợ giá cho hệ thống xe buýt, tối ưu hóa tổ chức giao thông, tới thông qua đề án quản lý phương tiện giao thông, phát triển hệ thống đường sắt đô thị... Nếu không có những cố gắng này, có lẽ tình hình ùn tắc giao thông Hà Nội hiện nay có thể còn tồi tệ hơn. Đó là những hướng đi đúng mà dư luận nên ghi nhận, ủng hộ.

(Còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giai-phap-nao-giam-thieu-un-tac-giao-thong-tai-ha-noi-bai-2-thua-nguyen-nhan-thieu-giai-phap-660488.html