Giải pháp nào giảm ùn ứ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu?

Tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu đã tương đối ổn định, số lượng xe chờ thông quan bắt đầu giảm. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thông quan tại cửa khẩu để thông tin kịp thời tới địa phương.

Mặc dù những ngày gần đây truyền thông liên tục đăng tải thông tin lượng xe chở nông sản xuất khẩu từ các tỉnh phía Nam đổ về khu vực cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn, nhất là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có dấu hiệu tăng đột biến.

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, hoạt động thông quan hàng hóa tại thời điểm nàyvẫn thuận tiện, không xảy ra ùn ứ, ách tắc hàng hóa nói chung và mặt hàng sầu riêng nói riêng tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Đặc biệt, để chủ động ứng phó với tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu khi nông sản vào vụ, Chính phủ đã ban hành Công điện số 492/CĐ-TTg ngày 31/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này hướng tới xuất khẩu bền vững.

*Không để ùn ứ

Ông Hoàng Khánh Duy- Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết, đến thời điểm này hoạt động thông quan hàng hóa vẫn thuận tiện, không có tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa nói chung và mặt hàng sầu riêng nói riêng tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

 Điều tiết xe từ cổng kiểm soát bên ngoài khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Điều tiết xe từ cổng kiểm soát bên ngoài khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Trung bình mỗi ngày có khoảng trên 1.000 xe hàng hóa giao thương trên địa bàn; trong đó, hàng xuất khoảng 500 xe. Tuy nhiên, thời gian này mặt hàng sầu riêng đang vào vụ thu hoạch, cùng với đó do phía Trung Quốc chỉ định mặt hàng sầu riêng chỉ xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nên mặt hàng này đã dồn lên cửa khẩu.

Do đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã sắp xếp xe hàng vào Khu phi thuế quan; đề nghị phía Trung Quốc kéo dài thời gian thông quan và chuyển bớt mặt hàng sầu riêng sang xuất Cửa khẩu Tân Thanh tránh ùn ứ, ách tắc.

Tại cuộc họp giao ban mới đây giữa Bộ Công Thương với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, chuyên gia thương mại cho biết, thị trường Trung Quốc có nhiều dư địa cho hàng hóa của Việt Nam song dự báo áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Cùng đó, nền kinh tế Trung Quốc đã và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Quân, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) thông tin: việc phía Trung Quốc điều chỉnh theo hướng nới lỏng các quy định phòng dịch đã góp phần tạo thuận lợi khá lớn trong hoạt động thông quan. Các đơn vị Hải quan, Biên phòng cũng đưa ra nhiều nhóm giải pháp để đẩy mạnh thông quan, tạo điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa hai bên.

Ngày 24/4 vừa qua, lô khoai lang đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối giao thông đến cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện. Do vậy, rủi ro về việc ùn ứ hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, nhất là tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn hiện hữu khi nông sản, trái cây bước vào cao điểm vụ thu hoạch.

Vì thế, doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật thông tin về tình hình cửa khẩu, chủ động dự báo các tình huống để có thỏa thuận với đối tác nhập khẩu trong việc phân luồng hàng hóa hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại do vấn đề ách tắc hàng hóa gây ra.

*Đa dạng giải pháp

Nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản đang vào mùa vụ được thuận lợi, Công điện mới của Thủ tướng yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên; Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát các quy định về xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) bắt đầu vào chính vụ thu hoạch. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) bắt đầu vào chính vụ thu hoạch. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Bên cạnh đó, chủ động tổ chức các hoạt động ngoại giao tương ứng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục, tăng thời gian nhiều hơn nữa cho thông quan và hiệu suất thông quan, không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng.

Để tránh tình trạng ùn ứ xe chở hàng hóa xuất khẩu, nhất là xe chở mặt hàng nông sản, trái cây tươi, Sở Công Thương Lạng Sơn khuyến nghị doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, nhất là mặt hàng hoa quả tươi cân nhắc, chủ động tính toán trước khi đưa xe chở hàng lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Liên quan đến vẫn đề này, ông Nguyễn Hữu Quân khuyến cáo, khi nông sản, các loại trái cây bước vào cao điểm và một số thời điểm nhất định trong năm, xe hàng đưa lên cửa khẩu biên giới để xuất khẩu khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn sẽ gia tăng đáng kể, gây áp lực cho hạ tầng cửa khẩu và vẫn tiềm ẩn nguy cơ ùn ứ hàng hóa xuất khẩu hàng hóa.

Việc này đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu cập nhật tình hình thông quan tại cửa khẩu để có sự phân luồng hàng hóa hợp lý, nắm bắt tình hình thông quan. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm tiêu thụ nông sản trái cây Việt Nam vào vụ thu hoạch.

Đề cập đến tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu tại một số địa phương, đại diện Vụ châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay: Đến thời điểm này thông quan tại các cửa khẩu tương đối ổn định; số lượng xe chờ thông quan đã bắt đầu giảm so với ngày 23/5. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thông quan tại cửa khẩu để thông tin kịp thời tới các địa phương.

Tuy nhiên, một số cửa tại Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai phía Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu hàng trái cây, doanh nghiệp có thể đàm phán với đối tác chuyển địa điểm nhập khẩu, tránh tình trạng ùn tắc.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường Trung Quốc; trong đó, bao gồm cả việc gia hạn, cập nhật thông tin doanh nghiệp trên hệ thống của Hải quan Trung Quốc.

Mặt khác, phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng các tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam, Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm của mặt hàng nông sản.

Đặc biệt, nghiên cứu kỹ thông tin tín hiệu và các quy định tiêu chuẩn của thị trường tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, tiêu chuẩn, chất lượng kiểm nghiệm, kiểm dịch bao bì đóng gói truy xuất nguồn gốc.

Hơn nữa, tăng cường tham gia các chương trình Hội chợ triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan Trung ương phối hợp tổ chức trong thời gian tới nhằm tăng cường kết nối, tìm hiểu các đối tác cũng như nhu cầu của thị trường tới đây; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu.

Ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã sớm thấy hiện tượng và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, nhất là tỉnh Lạng Sơn trong việc giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ do các mặt hàng này đang bước vào chính vụ và lượng hàng đưa ra cửa khẩu thông quan rất lớn.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang tăng cường kiểm tra truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa khiến thủ tục thông quan dài hơn. Chính vì vậy, việc tuyên truyền cho doanh nghiệp Việt Nam sớm biết để chấp hành, tuân thủ các quy định giúp khâu kiểm tra ở phía bạn nhanh hơn.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên thông tin, nhiều lần có văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp cũng như đề nghị địa phương có vùng trồng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu.

Cùng đó, chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Bộ Công Thương cũng lưu ý việc đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.

Đặc biệt, trao đổi với đối tác phía Trung Quốc để chuyển sang đi qua các khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai để giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; chuyển phương thức vận tải đi bằng đường biển đến các cảng của Trung Quốc như đối với mặt hàng thủy sản.

Mặt khác, tăng cường ứng dụng giải pháp công nghệ trên nền tảng internet và mạng viễn thông để thúc đẩy xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến, giao dịch trực tuyến trên sàn thương mại điện tử để tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và sang thị trường tiềm năng khác.

Ngoài ra, Bộ còn chủ động tham gia, các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước cũng như tăng cường sản xuất, chế biến sâu nâng cao giá trị nông sản Việt./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-nao-giam-un-u-thuc-day-xuat-khau-nong-san-tai-cac-cua-khau/293130.html