Giải pháp nào giúp chủ tàu cá khôi phục khai thác?

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời được 8 năm đã góp phần giúp xây dựng đội tàu cá hiện đại.

Thế nhưng, nhiều tàu cá hư hỏng, đang buộc phải nằm bờ, tạm dừng sản xuất. Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT) đã có cuộc trò chuyện với một số cơ quan báo chí xung quanh vấn đề này, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm gỡ khó cho ngư dân- chủ tàu tiếp tục vươn khơi, bám biển sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản?

Ông Nguyễn Văn Trung: Trước năm 2014, nghề cá của Việt Nam chủ yếu là khai thác chủ yếu thủ công. Năm 2011, chúng ta thí điểm Chương trình hỗ trợ đóng tàu vỏ thép theo Quyết định số 1787 và đóng được một số tàu nhưng chưa được nhiều.

Ngày 7-7-2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm góp phần phát triển kinh tế biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhiều người vẫn nghĩ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là chỉ đóng tàu vỏ thép nhưng thực tế còn bao gồm lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hạ tầng vùng nuôi, xây dựng vùng giống thủy sản tập trung, xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hỗ trợ đào tạo ngư dân... Bộ NN&PTNT tính toán, chúng ta sẽ đóng theo chương trình này khoảng 2.284 tàu (tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần). Tuy nhiên, kết quả thực tế chúng ta chỉ đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu, trong đó đóng mới 1.031 tàu (tàu vỏ thép 359 chiếc, tàu vỏ gỗ 574 chiếc; tàu vỏ composite 98 chiếc) và nâng cấp 146 tàu cá vỏ gỗ. Ngoài ra có khoảng 8.000 tàu do ngư dân tự đóng mặc dù không được hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Hiện có 87 tàu bị hư hỏng hoàn toàn, một số tàu nằm bờ, tạm ngừng khai thác do thiếu lao động, giá nguyên liệu tăng cao. Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là một chủ trương, chính sách bao trùm để phát triển ngành thủy sản. Vì thế, khi đánh giá chúng ta cần có cái nhìn tổng thể, tránh cái nhìn phiến diện mà hiểu chưa đúng về ý nghĩa cũng như kết quả của nghị định này.

PV: Thưa ông! Sau gần 8 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, tình hình xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ngành thủy sản cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Trung: Về cơ bản, chúng ta đã đạt được mục tiêu là xây dựng, hiện đại hóa được đội tàu cá để khai thác thủy sản, phát triển kinh tế cho ngư dân, đóng góp vào nền kinh tế của đất nước, đồng thời góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Cùng đó, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP không chỉ hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá, mà còn là một cú hích, tạo nên hiệu ứng để nhiều ngư dân huy động các nguồn vốn, gồm cả vốn tự có để đóng mới tàu hiện đại nhằm vươn khơi, bám biển khai thác, đánh bắt thủy sản. Hiện nay, chúng ta đã có một đội tàu hiện đại hơn nhưng cái lớn hơn chính là tư tưởng, nhận thức, trình độ, năng lực của ngư dân đã thay đổi. Đây là tài sản quý giá còn lớn hơn tiền chúng ta đã đầu tư.

Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%); góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển. Về đầu tư hạ tầng cho ngành thủy sản, đã đầu tư, nâng cấp hoàn thành 214 dự án, bao gồm: Đầu tư, nâng cấp 28 cảng cá; 67 khu neo đậu tránh trú bão với tổng công suất neo đậu tăng thêm 37.400 tàu; 28 dự án hạ tầng sản xuất giống thủy sản; 89 dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản tăng thêm khoảng 48.000 ha...

PV: Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số tàu vỏ thép hư hỏng, nằm bờ?

Ông Nguyễn Văn Trung: Cần khẳng định việc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là một chủ trương, chính sách hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đối với tàu vỏ thép cũng không tránh khỏi những hạn chế, bất cập: Thiết kế, giám sát đóng tàu, ngư dân chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, đăng kiểm đối với tàu vỏ thép theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật... dẫn đến tình trạng tàu xuống cấp, hư hỏng. Cùng đó là các nguyên nhân: Hư hỏng, sửa chữa định kỳ, thiếu nhân công trên tàu, giá nhiên liệu tăng, một số nghề khai thác chưa đến thời vụ...

Tàu cá vỏ thép của ngư dân Nghệ An được đóng theo hỗ trợ của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Tàu cá vỏ thép của ngư dân Nghệ An được đóng theo hỗ trợ của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

PV: Được biết, Tổng cục Thủy sản đang soạn thảo dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Vậy trong dự thảo nghị định mới sẽ có những giải pháp như thế nào để giải quyết tình trạng tàu nằm bờ do thiếu vốn để ra khơi?

Ông Nguyễn Văn Trung: Đối với những tàu vỏ thép đang nằm bờ do nợ nần, thiếu vốn sản xuất, nếu là nguyên nhân khách quan nhưng chủ tàu thực sự có năng lực thì kiến nghị cơ quan chức năng cơ cấu lại thời gian trả nợ, giãn nợ, khoanh nợ, giữ nguyên nhóm nợ... giúp chủ tàu khôi phục sản xuất, khai thác, đánh bắt thủy sản. Cụm chính sách thứ hai là chuyển đổi chủ tàu (hiện đã chuyển đổi được 21 chủ tàu) nếu chủ tàu cũ không đủ năng lực thì chuyển tàu cho những chủ tàu mới có năng lực khai thác. Chủ tàu mới sẽ nhận hỗ trợ, trong đó riêng khoản nợ thì chủ tàu mới chỉ tính từ thời điểm nhận bàn giao tàu. Thứ ba, chúng ta sẽ phải tập trung đào tạo, hướng dẫn đúng đối tượng, đi vào trọng tâm. Tiếp đó là hướng dẫn ứng dụng khoa học- kỹ thuật để ngư dân khai thác nâng cao được giá trị của thủy sản.

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về chính sách bảo hiểm thuyền viên là 100%, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu trước đây là 90%. Chứ nếu hỗ trợ bảo hiểm thân tàu với toàn bộ số lượng tàu xa bờ khoảng 31.000 tàu với mức như trước đây là 90% thì ngân sách nhà nước không kham nổi. Dự thảo nghị định mới về bảo hiểm thân tàu sẽ chỉ khoảng 70% đối tất cả với tàu xa bờ (bao gồm cả tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP). Vấn đề duy tu tàu cũng sẽ được chú trọng và chặt chẽ hơn. Tàu duy tu xong và có đăng kiểm thì sẽ được hỗ trợ một lần, để giảm tình trạng tàu hỏng hóc. Nghị định mới này cũng chú trọng đầu tư để bảo tồn nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản ngoài khơi xa...

Tàu cá của ngư dân tỉnh Thừa Thiên Huế neo tại cảng cá. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Tàu cá của ngư dân tỉnh Thừa Thiên Huế neo tại cảng cá. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

PV: Trong Chiến lược về Phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 339 của Thủ tướng phê duyệt theo hướng giảm dần khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản. Vậy ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Trung: Đúng là theo Quyết định số 339 của Thủ tướng phê duyệt về Chiến lược về Phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, chúng ta đã định hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác thủy sản. Tuy nhiên, việc giảm khai thác cũng đã vạch ra lộ trình thực hiện chứ không phải giảm ngay. Số lượng tàu đến năm 2030 sẽ giảm xuống còn 83.000 tàu (tàu khai thác ven bờ, vùng lộng, xa bờ), tương ứng với nguồn lợi thủy sản mà gần đây chúng ta đã điều tra, tính toán. Hiện quy hoạch về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được xây dựng và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với việc giảm sản lượng khai thác, trong thời gian tới chúng ta sẽ tập trung đầu tư vào hỗ trợ các khâu: Sơ chế, bảo quản, chế biến để gia tăng giá trị thủy sản.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (Thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-nao-giup-chu-tau-ca-khoi-phuc-khai-thac-691955