Giải pháp nào hiệu quả nhất để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán?

Thời gian qua, Việt Nam đã theo đuổi mục tiêu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế. Theo bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam còn cần thực hiện 2/9 tiêu chí được đưa ra.

Năm 2023, Chính phủ đã có Quyết định 1726/QĐ-TTg về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Đây được đánh giá là công tác trọng tâm của Bộ Tài chính trong thời gian qua.

Để nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường của các tổ chức này và trao đổi thông tin về các nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Về nâng hạng, các tổ chức xếp hạng quốc tế chia TTCK làm 4 nhóm chính. Nhóm thứ nhất, thị trường phát triển có vốn lớn, có độ mở cao, các sản phẩm trên thị trường này có độ phức tạp cao, có sự luân chuyển. Nhóm thứ hai, TTCK mới nổi có khả năng cho NĐT nước ngoài tiếp cận, tính quy mô thanh khoản ở mức cao, quy định pháp lý chặt chẽ. Tổ chức xếp hạng hiện tại chia nhóm này làm hai thứ hạng là thị trường mới nổi bậc cao và thị trường mới nổi thứ cấp. Nhóm 3 là TTCK cận biên. VN đang ở thứ hạng này là nhóm thị trường đã bắt đầu có tiếp cận vốn nước ngoài. Nhóm 4 là nhóm TTCK chưa được xếp hạng.

7/9 tiêu chí nâng hạng TTCK đã hoàn thành

Với mục tiêu Việt Nam sẽ nâng hạng TTCK VN lên mới nổi ở mức thứ cấp, bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN cho biết, sau thời gian nỗ lực, đến nay Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí. Hiện còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện, đó là ký quỹ trước giao dịch NĐT NN và tỷ lệ sở hữu NĐT NN. “UBCKNN đã trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp ký quỹ. Chúng tôi cũng đã trình Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi bổ sung một số văn bản, trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với NĐT NN, đảm bảo hoạt động nước ngoài, hoạt động thanh toán”, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN thông tin.

Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, UBCKNN phối hợp cùng với Bộ Tài chính, Bộ KHĐT rà soát ngành nghề, đồng thời công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh để NĐT nắm thông tin tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp một cách dễ dàng nhất. Đồng thời kiến nghị Bộ KHĐT phối hợp với các bộ ngành khác để rà soát các ngành nghề, có thể mở rộng tỷ lệ sở hữu NĐT NN với một số ngành nghề không thiết yếu.

Ngoài ra, UBCKNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi quy định công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các công ty đại chúng và công ty niêm yết có quy mô lớn. Dự kiến áp dụng đối với các công bố bằng tiếng Anh từ 1/1/2025, đối với thông tin bất thường từ 1/1/2026, áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng trong hoạt động công bố thông tin từ 1/1/2028.

Với tiến độ đặt ra sẽ hoàn thành nâng hạng TTCK vào năm 2025, bà Phạm Thị Thùy Linh cho biết, mặc dù các công việc triển khai có sự hậu thuận cao của các thành viên thị trường, tuy nhiên, vấn đề này phụ thuộc nhiều vào kỳ đánh giá xếp hạng và trải nghiệm của khách hàng.

Ông Trần Hoàng Sơn đánh giá cao việc áp dụng cổ phiếu không có quyền biểu quyết

Về đề xuất đưa thêm sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết - NVDR, áp dụng đối với một số doanh nghiệp có hạn chế, đặc biệt là ngân hàng, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS nhận định, đây là giải pháp hiệu quả nhất trong thời điểm hiện tại. Bởi nếu rà soát văn bản pháp quy về thay đổi tỷ lệ sở hữu tại các công ty niêm yết, đặc biệt là tại các ngân hàng, chúng ta phải sửa đổi rất nhiều văn bản pháp luật.

Ông Trần Hoàng Sơn đánh giá, việc áp dụng cổ phiếu không có quyền biểu quyết đã được áp dụng rất thành công tại Thái Lan. Ưu điểm của nó là giúp giải bài toán giao dịch, NĐT NN muốn giao dịch cổ phiếu tại Việt Nam không cần có quyền biểu quyết. Thái Lan đã giải quyết nhu cầu giao dịch ngay lập tức của NĐT NN. Đây là yếu tố quan trọng đã giúp Thái Lan nâng hạng lên thị trường mới nổi, tăng lên 20% tổng giao dịch toàn thị trường Thái Lan. Nhận định về điều kiện như Việt Nam, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS cho biết, khoảng thời gian từ nay đến 2025 rất gấp rút để triển khai cho nâng hạng TTCK, thì việc áp dụng NVDR sẽ là giải pháp nhanh nhất và hữu hiệu nhất.

Giang Anh

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/giai-phap-nao-hieu-qua-nhat-de-som-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-121171.html