Giải pháp nào hút lao động ngành than?
Ưu tiên các nguồn lực chăm lo việc làm, đời sống, tinh thần cho người lao động luôn được các đơn vị ngành than đặt lên hàng đầu trong chiến lược sản xuất kinh doanh.
Với bối cảnh khó khăn, khai thác ngày càng xuống sâu, điều kiện làm việc của công nhân ngày càng khắc nghiệt cả ở dưới mỏ cũng như trên khai trường hay ở cảng biển, các đơn vị ngành than đã luôn quan tâm đến môi trường làm việc, sức khỏe và điều kiện ăn, ở của công nhân. Nhiều đơn vị trong ngành chủ động điều chỉnh một số chế độ, chính sách dành cho lao động; đầu tư thêm các công trình phúc lợi… với tinh thần giữ chân người thợ.
*Linh hoạt phương án
Tại nhà ăn số 8, Công ty Than Thống Nhất - TKV, từng nhóm công nhân sau khi tan ca và trên tay mỗi người là một khay thức ăn tự chọn đang còn nóng hổi. Công nhân Vũ Văn Cường, Phân xưởng khai thác 4, quê ở Nam Định chia sẻ: "Cơm sau ca rất ngon vì chúng tôi được lựa chọn những món mình thích. Mỗi công nhân một khẩu phần ăn riêng, một ý thích riêng nên từ khi Công ty thực hiện cho công nhân ăn tự chọn công nhân rất phấn khởi. Ăn như vậy vừa đảm bảo ý thích của mỗi người cũng như đảm bảo được sức khỏe, nhất là thợ lò làm việc nặng nhọc".
Cho biết thêm về điều kiện ăn ở tại công ty, công nhân Vũ Văn Cường cho hay, bản thân anh thân xa quê lập nghiệp, nếu như phải thuê trọ ở ngoài an ninh trật tự rất phức tạp. Nay, anh được ở tại khu ở của công nhân với những điều kiện phục vụ sinh hoạt đầy đủ nhất, anh cùng các đồng nghiệp rất yên tâm lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển vững mạnh của Công ty. Mỗi phòng ở nơi đây khoảng 40m2 có 4 người và anh em luôn tự bảo nhau đây là nhà của mình nên đều có ý thức giữ gìn.
Cùng với đó, các điều kiện về tinh thần, văn hóa, thể thao cho người thợ được Công ty quan tâm như bóng rổ, bóng bàn, hội diễn văn nghệ giúp công nhân thoải mái, có động lực sau mỗi ngày làm việc. Với Cường, anh có mức lương được gần 18 triệu đồng/tháng, mức lương này đảm bảo đời sống cho anh cũng như gửi về cho gia đình.
Tay nhanh thoăn thoắt đóng các suất ăn giữa ca để kịp thời đưa xuống mỏ kịp giờ đưa các suất ăn giữa ca xuống các lò chợ cho công nhân, chị Nguyễn Thị Thủy, Tổ trưởng sản xuất Phân xưởng nhà ăn số 8A, Công ty Than Thống Nhất chia sẻ, Than Thống Nhất là đơn vị khai thác than hầm lò, vì vậy, nhà ăn số 8 phục vụ khoảng 1.500 suất cơm hộp ăn giữa ca và 1.500 suất ăn sau ca cho công nhân, thợ mỏ. Với số lượng suất ăn lớn như vậy, tổ của chị có 40 người chia làm 3 ca luôn đảm bảo các bữa ăn kịp thời đúng giờ cho công nhân. Để đảm bảo dinh dưỡng giúp công nhân có thêm sức khỏe làm việc, thực đơn được các chị thay đổi theo tuần và theo khẩu vị của thợ trong khả năng cho phép. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được quan tâm từ nhà cung cấp đến bếp ăn và luôn được các chị đặc biệt cẩn trọng.
Theo chị Thủy, hiện mỗi suất ăn của thợ có định mức bữa tự chọn từ 10-11 món sau ca khoảng 43.000 đồng/suất và bữa phụ giữa ca đưa xuống lò khoảng 25.000 đồng/suất. Để giữ được định mức này trong bối cảnh giá cả khó khăn hiện nay là sự cố gắng của công ty cũng như phân xưởng vì phải tính toán toán để đảm bảo khẩu phần cũng như dinh dưỡng cho công nhân.
Còn tại Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin, trong điều kiện làm việc với nắng gió lênh đênh trên vịnh Bái Tử Long, Trưởng đoàn Cửa Ông 15 Lê Ân Dương cho biết, trong môi trường khắc nghiệt nắng gió, nhất là mùa hè nắng nóng với công việc chuyển tải tải than lên tàu, trước đây sau mỗi ca làm việc công nhân mướt mải mồ hôi, sức khỏe xuống nhanh khiến làm anh em khi vào ca tiếp theo sẽ không còn nhiệt huyết và dễ dẫn đến ốm đau. Nhưng nay, Công ty đã quan tâm trang bị cho các tàu điều hòa nhiệt độ cũng như các thiết bị giải trí như tivi, tủ lạnh, bình nóng lạnh, internet… giúp anh em công nhân có thêm sức khỏe và giải trí tinh thần.
Đoàn Cửa Ông 15 có một tàu kéo hai xà lan với trọng tải hơn 2.000 tấn, chủ yếu chuyền tải than từ đất liền đến các tàu lớn cũng như vận chuyển than đến các địa phương gần. Với 8 công nhân vận hành trong khi định biên 1 tàu là 10 người nên dù gặp khó khăn nhưng các công nhân rất cố gắng vượt qua đảm bảo công việc vì tin tưởng cũng như thấy được sự quan tâm của công ty với mình. Các anh em công nhân ở đây đến từ các tỉnh xa như Quảng Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Yên Bái… nên coi tàu như chính ngôi nhà của mình.
Công nhân Nguyễn Văn Hiến, Phân xưởng vận tải và xếp dỡ, Tổ cẩu Hòn Nét 01 phấn khởi: "Là công nhân làm việc trong điều kiện chuyển tải vất vả, xa nhà nhưng được sự quan tâm của công ty với các chế độ về độc hại, nhất là hàng năm Công ty tổ chức khám sức khỏe cũng như tổ chức cho công nhân đi nghỉ mát tái tạo sức lao động nên công nhân chúng tôi rất yên tâm công tác và cố gắng hơn trong lao động".
Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin Phạm Văn Nghĩa, ngoài những điều kiện trên, công đoàn Công ty luôn cố gắng để đảm bảo cuộc sống cho anh em thật đầy đủ. Bởi, có an cư anh em mới yên tâm lao động cống hiến cho Công ty. Vì vậy, mỗi khi tặng quà cho công nhân tại các tàu, công đoàn lựa chọn tặng bằng những hiện vật có ý nghĩa gắn với đời sống như: dầu ăn, gạo, hạt nêm… giúp anh em đỡ đi lại xa mua bán cũng như tiết kiệm được chi phí cho công nhân.
*Để công nhân an cư lạc nghiệp
Hiện nay, hầu hết các đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nhất là khối sản xuất than hầm lò đã xây dựng các khu tập thể khang trang, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu phục vụ sinh hoạt và vui chơi, giải trí như: truyền hình cáp, internet, phòng sinh hoạt chung, thư viện với hàng trăm đầu sách, báo, thậm chí cả siêu thị đồ dùng cá nhân. Đặc biệt, hầu như khu nhà ở nào cũng bố trí phòng khách, còn được gọi là "phòng hạnh phúc" để gia đình công nhân đến thăm có nơi ăn nghỉ.
Cùng với việc xây dựng các khu tập thể, các đơn vị của TKV đang duy trì chương trình hỗ trợ xây mới nhà ở cho công nhân lao động, chương trình "Mái ấm công đoàn". Kinh phí hỗ trợ cho mỗi ngôi nhà là từ 60-150 triệu đồng, được trích từ các nguồn quỹ đóng góp của cán bộ, công nhân, lao động trong toàn Tập đoàn. Những chương trình xây nhà này đã thật sự trở thành điểm tựa cho công nhân, thợ mỏ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, giúp họ an cư lạc nghiệp, tuy nhiên số lượng hộ gia đình công nhân có nhu cầu nhà ở vẫn còn cao, đây cũng là trăn trở không chỉ của ngành than mà còn là của tỉnh Quảng Ninh.
Theo Phó Giám đốc Công ty Than Thống Nhất – TKV Đào Tuấn Anh, để đảm bảo cuộc sống cho công nhân để từ đó giúp họ yên tâm gắn bó với Công ty, Than Thống Nhất sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát các phân xưởng trả lương, phân phối cho người lao động thực hiện đúng quy định nhằm công khai, minh bạch trong quản lý lao động, bình công chấm điểm, chia lương, chia thưởng... Cùng với đó, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc, ăn, ở, đi lại cho công nhân, đặc biệt chú trọng đội ngũ thợ lò. Điều chỉnh đơn giá tiền lương cho một số đơn vị có điều kiện khó khăn để đảm bảo thu nhập cho người lao động và khuyến khích đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin Phạm Văn Nghĩa cho hay, từ đầu năm đến nay, Công ty đã tổ chức cho cho 117 cán bộ công nhân viên đi nghỉ mát và hỗ trợ điều trị bệnh. Cùng đó, thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho hơn 1.400 người và thường xuyên kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm hằng ngày tại các bếp ăn tập thể trong công ty.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân viên giúp họ phát huy tinh thần gắn bó với đơn vị, công ty sẽ tham mưu công tác sử dụng lao động, rà soát lực lượng lao động thực hiện điều tiết lao động nội bộ, điều chỉnh chức danh nghề. Đồng thời, tổ chức kiểm tra công tác quản lý lao động, phân phối tiền lương, chấp hành nội quy lao động tại các đơn vị nội bộ để chấn chỉnh những tồn tại, bất cập, không để xảy ra thắc mắc, khiếu kiện.
Ngoài ra, chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động; tham mưu tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Cùng đó, tiếp tục động viên hỗ trợ người lao động khó khăn bằng các hình thức tặng quà, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân...
Việc chăm lo cho người lao động từ việc xây dựng môi trường lao động an toàn, đến việc chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ; cận kề, sát sao với đời sống thường nhật của người lao động là sự cố cố gắng, quyết tâm của toàn ngành than. Tập đoàn đang hướng đến xây dựng mô hình "Làng công nhân mỏ" nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu nhà ở cho hộ gia đình thợ lò, tạo điều kiện cho thợ lò công tác lâu dài, thu hút được lực lượng lao động cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Tập đoàn, nhất là trong điều kiện sản xuất và huy động lực lượng của ngành than đang ngày càng khó khăn./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-nao-hut-lao-dong-nganh-than/314055.html