Giải pháp nào kìm giá xăng dầu?

Ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường thì cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhất trong thời gian này để kìm đà tăng giá xăng dầu.

Tính từ đầu năm 2022 đến 21/6, Liên Bộ Công thương – Tài Chính đã có 16 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 3 lần giảm, 13 lần tăng.Tổng cộng qua các lần tăng, giá xăng E5RON 92 đã tăng 8.152 đồng/lít; RON 95-III tăng 9.003 đồng/lít.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...). Ngoài ra, còn các loại phí khác như phí trích quỹ bình ổn, lợi nhuận doanh nghiệp…

Trả lời PV Đài Hà Nội, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết, từ đầu năm đến nay, để kìm đà tăng giá xăng dầu, Bộ Tài Chính đã báo cáo Chính phủ, trình UBTVQH giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Mới đây nhất, Bộ Tài Chính lại lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đó sẽ giảm kịch khung loại thuế này, mỗi lít xăng dầu sẽ giảm được 550-1.100 đồng, theo đó giảm thu ngân sách 7.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, việc giảm thuế BVMT cũng không thấm vào đâu do loại thuế này là cố định nên tỷ trọng của nhóm này sẽ giảm khi giá bán lẻ xăng tăng vì khi đó các cấu phần khác của giá như giá đầu vào, các loại thuế tương đối tính theo % sẽ tăng lên.

Ông Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng của VESS (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam) phân tích: “Nếu giá xăng nhập khẩu là 10.000đ/lít, và với thuế suất nhập khẩu 10%, thuế suất tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế suất VAT 10%, thì tổng số tiền phải nộp cho 3 loại thuế trên là khoảng 3.300 đồng cho mỗi lít xăng. Khi giá xăng nhập khẩu tăng lên 20.000 đồng/lít thì số tiền phải nộp cho 3 loại thuế trên sẽ là khoảng 6600 đồng/lít”.

Chuyên gia này phân tích tiếp: “Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 – 2000 đồng cũng chỉ giảm được đến hết năm. Loại thuế cần phải bỏ hẳn đi là thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế cần giảm là thuế nhập khẩu và VAT bởi người dân đang phải đóng gần 7.000 đồng 3 loại thuế này cho mỗi lít xăng/dầu tiêu thụ".

Đánh giá về vai trò của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, chuyên gia Phạm Thế Anh nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của Quỹ Bình ổn là làm cho giá xăng ổn định quanh một mức trung bình nào đó, không bị tăng quá sốc hoặc không giảm quá mạnh. Theo đánh giá của tôi trong giai đoạn vừa qua, quỹ này chưa thực hiện tốt việc ổn định giá xăng, trong khi điều đó phụ thuộc nhiều vào dự báo giá xăng dầu thế giới".

“Việc trích quỹ chưa có sự nhịp nhàng, khi giá xăng thấp thì xả quỹ, còn lúc giá xăng dầu lên cao lại trích quỹ. Người quản lý quỹ không dự báo được tốt vấn đề này đôi khi dẫn đến nghịch lý như đã nêu, càng làm bất ổn giá xăng chứ không tạo ra sự bình ổn. Do đó, công tác dự báo giá xăng dầu thế giới kém thì không nên duy trì quỹ bình ổn” - Vị PGS này nói.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem lại thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với các mặt hàng xăng. Mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào hàng hóa xa xỉ như ôtô, máy bay, du thuyền... hoặc sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá... Trong khi đó xăng là mặt hàng thiết yếu, người giàu lẫn người nghèo đều phải dùng, không có lý do gì buộc bên mua chịu thuế suất cao vậy.

Khẳng định điều này, ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội cho biết: “Chúng ta có công cụ, có biện pháp kìm hãm việc gia tăng giá xăng dầu. Chúng ta có thể xem xét trình Quốc hội để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng dầu phổ biển, mọi tầng lớp công dân đều sử dụng chứ không phải là hàng hóa đặc biệt phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Theo Platts Analytics, giá dầu Brent theo ngày dự kiến sẽ đạt trung bình 103 USD/thùng vào năm 2022, tăng từ 71 USD/thùng vào năm 2021, trước khi giảm xuống 90 USD/thùng vào năm 2023. Thay vì đợi giá dầu “hạ nhiệt”, chính phủ các nước châu Á đồng loạt trợ giá, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Ấn Độ: Vào cuối tháng 5, chính phủ nước này đã cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và dầu diesel lần lượt là 8 rupee/lít và 6 rupee/lít. Đây là lần thứ hai thuế tiêu thụ đặc biệt được cắt giảm trong vòng hơn 6 tháng qua. Chế độ thuế mới đối với xăng và dầu diesel có thể khiến chính phủ Ấn Độ thất thu thuế khoảng 1.000 tỉ rupee/năm.

Chính phủ Ấn Độ cũng loại bỏ thuế nhập khẩu than antraxit, than PCI và than cốc nhằm giảm chi phí nguyên liệu tại thị trường nội địa. Các biện pháp mới trên sẽ có hiệu lực từ ngày 22/5. Hiện giá xăng tại New Delhi đứng ở mức 105,41 rupee/lít, trong khi giá dầu diesel đứng mức 96,67 rupee/lít.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cung cấp khoản trợ cấp 200 rupee/bình gas nấu ăn cho hơn 90 triệu người theo một chương trình phúc lợi dành cho phụ nữ sống dưới mức nghèo khổ.

Hàn Quốc: Ngày 20/6, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết nước này sẽ mở rộng quy mô cắt giảm thuế nhiên liệu lên mức kỷ lục 37% có hiệu lực từ ngày 1/7 cho đến cuối năm 2022. Đây là lần thứ hai Hàn Quốc mở rộng quy mô cắt giảm sau khi giảm thuế dầu từ 20% lên 30% có hiệu lực từ ngày 1/5.

Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, khoản khấu trừ 37% mới sẽ là tỷ lệ cắt giảm thuế tiêu thụ dầu tối đa được phép theo luật hiện hành, đồng thời chỉ ra rằng bất kỳ đợt cắt giảm thuế nào nữa sẽ yêu cầu Quốc hội sửa đổi hoặc sửa đổi hiến pháp. Ngoài ra, chính phủ sẽ dỡ bỏ mức thuế 3% hiện đang áp dụng đối với nhập khẩu nhiên liệu máy bay từ tháng 8 đến tháng 12 để giảm áp lực tăng giá đối với giá vé máy bay nội địa.

Chính phủ nước này cũng đã quyết định tăng thêm mức trợ giá cho dầu diesel đối với tài xế xe tải và taxi, nhằm giảm gánh nặng chi phí nhiên liệu và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Chương trình trợ cấp này được bắt đầu từ 1/5 và kéo dài đến cuối tháng 9/2022.

Nhật Bản: Quốc gia này cũng đang áp dụng lộ trình trợ cấp và cũng đã cam kết tăng trợ cấp nhiên liệu cho các nhà máy lọc dầu và các nhà nhập khẩu sản phẩm dầu lên 37,3 Yên/lít từ ngày 26/5 đến ngày 1/6, từ mức 36,1 Yên/lít một tuần trước đó. Đây là tuần tăng thứ năm liên tiếp.

Trong nỗ lực “xoa dịu” giá dầu thô tăng cao và giảm thiểu tác động của giá dầu tăng đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, chính phủ Nhật bắt đầu cung cấp trợ cấp xăng, dầu hỏa, gasoil và dầu mazut vào cuối tháng 1/2022.

Thái Lan: Chính phủ Thái Lan đang kiểm soát giá dầu diesel trong nước bằng cách sử dụng trợ cấp từ Quỹ nhiên liệu dầu mỏ và cắt giảm một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong ba tháng để giới hạn giá ở mức dưới 30 baht một lít.

Gần đây, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) đã kêu gọi chính phủ thiết kế lại cơ cấu giá xăng dầu trong nước để đối phó tốt hơn với tác động của việc giá dầu toàn cầu tăng mạnh, theo đó đề nghị chính phủ đưa ra một đợt cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tạm thời khác là 3 baht/lít đối với benzine.

Ngoài ra, một số nước chọn cách bình ổn thị trường bằng trợ giá, như Iran, Saudi Arabia, Malaysia,... Ví dụ, giá xăng tại Malaysia hiện vào khoảng 13.000 đồng/lít, nhờ được Chính phủ nước này trợ giá. Nước này không đánh thuế với xăng dầu tiêu thụ nội địa, bán cho người bản địa.

Trước các ý kiến của các chuyên gia, giải đáp các thắc mắc của báo chí xung quanh vấn đề giảm thuế xăng dầu, tại buổi họp báo vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết “sẽ xem xét cả thuế nhập khẩu nhưng cũng phải tính vì thuế nhập khẩu giảm nhiều cũng không tốt. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ đề xuất”.

Cùng với đó, về việc có bỏ Quỹ bình ổn như đề xuất của Bộ Tài Chính hay không, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước cho rằng “phải tiếp tục nghiên cứu và góp ý với Bộ Tài chính vì rõ ràng, Quỹ này đã hỗ trợ nhiều để giá không bị tăng sốc”.

Phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nói: “Tôi cho rằng mặt hàng xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá, do Nhà nước bình ổn, vì vậy cho nên đến một lúc nào đó thì Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích là giảm được giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh và giải quyết được lao động, từ đó sẽ có tích lũy cho nền kinh tế. Chúng ta lại thu được thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế, VAT và thu nhập doanh nghiệp ở mặt hàng khác, cho nên chúng tôi cho rằng đây cũng là một giải pháp, tuy nhiên là giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động”.

Khuyến nghị của World Bank

Các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát khi giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên. Những yếu tố này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra. Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

(Nguồn: Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6 của World Bank)

Thực hiện: Nguyễn Thủy - Ngọc Huyền

Đồ họa: Thanh Nga

Tin liên quan Giá xăng tiếp tục tăng gần 500 đồng/lít
Giá xăng tác động mạnh đến mặt bằng giá
Giá xăng Việt Nam xếp hạng thứ 85 trên thế giới
Đề xuất giảm thuế, hạ giá xăng dầu
Nỗ lực bình ổn giá xăng dầu

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/giai-phap-nao-kim-da-tang-gia-xang-dau-d201015.html