Giải pháp nào nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn ở trường đại học?
Tại tọa đàm do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức, nhiều giải pháp được nêu ra nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn ở cơ sở.
Công đoàn cơ sở Trường ĐH Luật TP.HCM vừa tổ chức tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở tại các trường đại học trong tình hình mới”.
Tọa đàm thu hút đông đảo cán bộ công đoàn các trường ĐH tại TP.HCM tham gia và được chia làm hai phiên thảo luận với sáu tham luận được trình bày.
Tại đây, các đại biểu đã thẳng thắn phân tích, chia sẻ thực tế và những nguyên nhân dẫn đến hạn chế của chất lượng hoạt động công đoàn nói chung và tại các cơ sở giáo dục ĐH nói riêng. Từ đó, các đại biểu đưa ra những kinh nghiệm hoặc giải pháp để nâng cao hiệu quả của hoạt động công đoàn cơ sở.
Cụ thể, Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã nêu một số hạn chế trong hoạt động công đoàn cơ sở hiện nay, như phương thức tập hợp người lao động còn mang nặng tính hành chính; người lao động chưa hiểu được một cách đầy đủ về vai trò chức năng của tổ chức công đoàn; một số chủ doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho người lao động tham gia hoạt động, thành lập tổ chức công đoàn...
Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; xây dựng nguồn tài chính cho công đoàn; đổi mới, nâng cao công tác vận động phát triển đoàn viên; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn để đáp ứng tình hình mới.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Tiến sĩ Lê Thế Tài, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết công đoàn trường đã có những sửa đổi, xây dựng hệ thống quy định về công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ; tham gia cùng với Ban giám hiệu trường trong việc phối hợp trong công tác hợp tác, đối ngoại; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công đoàn viên và người lao động.
Từ đó, công đoàn cơ sở đạt những kết quả nhất định trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, thân thiện trong môi trường làm việc; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có chuyên môn nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm về triển khai thực hiện công tác nữ công tại các trường ĐH. Sự phối hợp của công đoàn cơ sở trong tổ chức hội nghị viên chức, người lao động hàng năm đáp ứng yêu cầu mới trong luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và một số chế độ, quyền lợi của người lao động tại cơ sở giáo dục ĐH.
Ở góc nhìn về pháp luật, TS Đinh Thị Chiến, Giảng viên dạy môn Luật Lao động của Trường ĐH Luật TP. HCM lưu ý rằng ngoài quy định của pháp luật, quyền lợi của người lao động còn được quy định trong các văn bản nội bộ của cơ sở giáo dục ĐH như thỏa ước lao động tập thể, quy chế lương thưởng đối với các cơ sở tư thục hoặc quy chế thu chi nội bộ đối với các cơ sở giáo dục công lập.
Tuy nhiên, một nguyên tắc quan trọng của pháp luật mà cán bộ công đoàn cần biết để đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động là các quy định nội bộ không được trái với quy định của pháp luật.
Tham dự tọa đàm, Thạc sĩ Huỳnh Công Ba, Phó Ban cán sự GD&ĐT của Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết những ý kiến đóng góp và giải pháp được đề xuất tại tọa đàm sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng giúp các công đoàn viên tại các trường ĐH cùng nhau phát triển, nâng cao hiệu quả công việc trong bối cảnh mới.