Giải pháp nào ổn định thị trường khi giá phân bón dự kiến vẫn tăng?
Giá phân bón trong nước dự kiến vẫn sẽ tăng theo đà biến động của thị trường phân bón thế giới.
Giá phân bón trong nước dự kiến vẫn sẽ tăng theo đà biến động của thị trường phân bón thế giới, trong bối cảnh Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón, còn Nga cũng ngừng ưu đãi giá cho phân bón xuất khẩu sang Ấn Độ.
Trên thị trường thế giới, giá phân bón đã tăng trong hơn 1 tháng trở lại đây, nhất là giá phân đạm ure-chủng loại phân bón dẫn dắt thị trường. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Argus, tại thị trường Trung Quốc, giá ure nội địa ổn định và sản lượng xuất khẩu rất ít. Diễn biến này phù hợp với nội dung mới đây, Trung Quốc đã ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu ure.
Tại Brazil, Alexfert có một đợt bán mới với giá 430 USD/tấn FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán, bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) cho 6.000 tấn ure hạt đục cho lô hàng tháng 10. Trong khi đó, các thương nhân đang tiếp tục bán ure hạt đục với mức giá 400 - 410 USD/tấn FOB tại châu Âu.
Tại thị trường Ai Cập, một giao dịch nhỏ về ure hạt đục từ một tàu sắp cặp bến có mức giá 415 USD/tấn CFR (giá thành cộng cước phí). Các giao dịch khác được ghi nhận với mức giá lên đến 420 USD/tấn CFR. Tại Mỹ, một sà lan giao hàng trong tháng 9 có mức giá bán 430 USD/tấn Fob.
Với các biến động giá phân bón thế giới, thị trường ure trong nước cũng ghi nhận tăng giá. Giá ure Cà Mau ngày 20/9 giao tại nhà máy là 11.200 đồng/kg; ure Phú Mỹ giao tại Sài Gòn - Long An có giá 11.000 đồng/kg; ure Ninh Bình giao tại nhà máy có giá 9.500 đồng/kg, ure Hà Bắc giao tại nhà máy 9.900 đồng/kg. Như vậy, giá ure trong nước đã tăng lên theo chiều tăng của giá thế giới.
Nhận định về thị trường phân bón trong thời gian tới, ông Lê Trọng Phúc, Công ty Cổ phần Hóa chất và Công nghệ Hà Nội (Hacheco) cho biết, giá phân bón sẽ còn tăng tiếp. Hiện Trung Quốc đã thắt chặt việc xuất khẩu phân bón trong khi quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới là Nga bắt đầu có động thái chọn lọc thị trường cung cấp phân bón.
Vì vậy, giá phân bón thế giới tiếp tục theo chiều hướng tăng và giá phân bón trong nước cũng tăng theo do thị trường phân bón Việt Nam liên thông với thế giới. Bên cạnh đó, cước vận tải biển trong vài tháng lại đây đã tăng 30% - 40% nên ảnh hưởng trực tiếp đến giá phân bón do mặt hàng này chủ yếu vận chuyển bằng đường biển.
Ngoài ra, giá dầu dự báo vẫn tăng và hiện đã vượt mốc 100 USD/thùng vào tuần qua. Giá các loại giá nông sản, lương thực cũng tăng trên toàn cầu nên giá phân bón cũng sẽ phải điều chỉnh.
Một chuyên gia khác cũng nhận định, giá phân ure của Phú Mỹ và Cà Mau đều được định giá trên cơ sở giá dầu, còn giá ure Ninh Bình và ure Hà Bắc theo giá than. Trong khi đó, hai loại nguyên liệu đầu vào là than hay dầu đều theo giá thế giới. Vì vậy khi giá dầu và than đều tăng như hiện nay, giá phân bón của 4 doanh nghiệp chủ lực về phân đạm ure này sẽ có sự điều chỉnh.
Phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho thấy, giá ure nội địa biến động khá tương quan với giá ure thế giới, do đó giá ure trong nước có thể tăng 12% so với đầu năm. Ngoài ra, từ tháng 10 trở đi, tiêu thụ phân bón sẽ tăng lên do miền Bắc bước vào vụ Đông Xuân; miền Nam bước vào vụ Thu Đông. Theo quy luật thị trường hàng năm, nhu cầu tiêu thụ phân bón sẽ cao hơn khi vào cao điểm mùa vụ nên giá thành phân bón sẽ tiếp tục tăng.
Hiện, giá nhiều loại nông sản như gạo, cà phê… neo cao kéo theo việc nông dân mở rộng sản xuất. Giá phân bón trong nước có thể duy trì đà tăng trong quý 4 tới, song sẽ không tăng nóng như câu chuyện cách đây 2 năm trước.
Tiến sĩ Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá ure thế giới đã tăng từ ngày 7/9 do hiện tại Nga và Trung Quốc cũng đã hạn chế xuất khẩu ure. Mặc dù hiện tại không phải là cao điểm của mùa vụ trong nước nhưng giá phân bón trong nước cũng đã tăng theo đà tăng giá của ure thế giới. Theo đà tăng này, dự báo đến vụ Đông Xuân năm nay, khi cả nước bước vào cao điểm mùa vụ, giá ure sẽ còn tăng tiếp.
Cũng theo ông Phùng Hà, hiện Việt Nam vẫn nhập khẩu ure với khối lượng lớn. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, riêng tháng 8 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu hơn 472.283 tấn phân bón, tăng 54% so với tháng 7, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Trong khi đó, công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6-1,8 triệu tấn/năm. Thực tế là nhiều năm lại đây, các doanh nghiệp sản xuất phân bón ure của Việt Nam đã phải xuất khẩu phân bón do dư thừa nguồn cung.
“Ngoài ra, Việt Nam chưa có một quy định nào về hạn chế xuất khẩu ure. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thị trường ure thế giới, giải pháp cần cân nhắc để ổn định thị trường trong nước nên theo hướng vẫn xuất khẩu nhưng phải đảm bảo nguồn cung ure trong nước, tránh tình trạng khan hiếm và giá ure bị đẩy lên quá cao”, ông Phùng Hà chỉ rõ./.