Giải pháp nào phát triển 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn?

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030, cần thực thi quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, quan trọng, mang tính quyết định nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Trong đó, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Mục tiêu là đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.

“Chúng tôi đã xác định rất rõ mục tiêu của đề án. Đề án dự kiến đào tạo nguồn cung 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư giai đoạn khác với cả ba bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Các số liệu trên được đưa ra dựa trên khảo sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam và khả năng đào tạo của các đơn vị giáo dục trong nước”, ông Dũng cho biết.

Để đạt được mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn, cần thực thi quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo ông Dũng, đề án tập trung phát triển chương trình đào tạo giảng viên, sinh viên; xây dựng giáo trình chuẩn quốc tế; đào tạo sau đại học và cơ chế thu hút nhân tài trong nước và chuyên gia quốc tế. Đề án cũng triển khai các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế nhằm đào tạo đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Tạo môi trường trao đổi và học tập tại nước ngoài, thúc đẩy chuyển giao và học hỏi công nghệ tiên tiến.

Để tạo bước đà cho việc triển khai đề án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ký thỏa thuận hợp tác với 2 tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Synopsys và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn.

Cùng với đó là phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể hóa kế hoạch đề ra, NIC đã phối hợp với Công ty SunEdu, Đại học bang Arizona và Tập đoàn Cadence để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên, kỹ sư muốn nâng cao chuyên môn tại các cơ sở của NIC.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khuyến khích các dự án nghiên cứu và phát triển vi mạch, ứng dụng và thương mại hóa các dự án nghiên cứu; xây dựng mạng lưới nghiên cứu liên kết viện-trường. Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam nằm trong khuôn khổ Sáng kiến đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng đang tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức/cá nhân trên toàn thế giới.

Chủ đề của chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 là “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất thông minh chinh phục thị trường toàn cầu”.

Ngoài ra, để đạt được mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là Chính phủ, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các viện nghiên cứu, trường đại học để triển xây dựng, triển khai dự án.

“Cần bảo đảm đầu ra của nguồn nhân lực bán dẫn tương lai được tiếp xúc với nhu cầu nhân sự và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ sư làm việc trong và ngoài nước. Hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và hỗ trợ trao đổi học tập, ưu tiên sử dụng sản phẩm hàng có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Đồng thời, xây dựng cơ chế tài chính vững vàng để đáp ứng nhu cầu kinh phí dự án dựa trên các nguồn ngân sách từ Nhà nước, từ xã hội hóa, tài trợ quốc tế… Bố trí kinh phí hợp lý cho các chương trình đào tạo, học bổng và các tổ chức đào tạo”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hoài Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/giai-phap-nao-phat-trien-50-000-nhan-luc-cho-nganh-ban-dan/20240130095658272