Giải pháp nào tăng hiệu quả sản xuất ngành than?
Để giải quyết bài toán thiếu lao động và nâng cao điều kiện làm việc cho công nhân lao động, các doanh nghiệp ngành than tại Quảng Ninh đã chủ động đổi mới công nghệ khai thác
Thời gần đây, việc tuyển dụng lao động tại các công ty than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết bài toán thiếu lao động và nâng cao điều kiện làm việc cho công nhân lao động, các doanh nghiệp ngành than tại Quảng Ninh đã chủ động đổi mới công nghệ khai thác nhằm tăng năng suất lao động và hướng đến xây dựng mỏ “Sạch - an toàn - hiện đại - ít người - năng suất cao”.
* Linh hoạt các giải pháp
“Khó khăn nào, giải pháp ấy” là giải pháp tăng năng suất lao động của Công ty Than Hà Lầm. Phó Giám đốc Công ty Vũ Ngọc Thắng cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2019, Than Hà Lầm phải đối mặt với khá nhiều khó khăn như: lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm với điều kiện địa chất phức tạp, than mềm yếu dễ tụt lở, trong lò chợ thường xuyên gặp các đứt gãy.... ; than tại các vỉa than có tính chất ủ nhiệt.
Việc đào lò chưa đạt tiến độ và công ty cũng khó khăn về tuyển lao động thợ lò để đáp ứng yêu cầu sản xuất và nguồn nhân lực để đáp ứng việc vận hành, làm chủ dây chuyền công nghệ tự động hóa chuyên sâu của công ty…
“Khó khăn là vậy nhưng Ban lãnh đạo Công ty đã có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để tăng năng suất lao động nhằm kịp thời tháo gỡ, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn ổn định và đạt hiệu quả cao” - Phó giám đốc Thắng nhấn mạnh.
Cụ thể, với điều kiện địa chất phức tạp của khu vực lò chợ cơ giới hóa 1,2 triệu tấn/năm, công ty duy trì thực hiện các kỹ thuật cơ bản, tổ chức sản xuất hợp lý. Bố trí thiết bị và tổ chức khoan lỗ mìn hợp lý để đảm bảo hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ khu vực lò chợ cắt đá, tạo điều kiện cho máy khấu di chuyển đảm bảo chu kỳ khai thác.
Trong quá trình khấu dàn chống có xu hướng bị lún nền cùng với áp lực trên nóc dẫn đến nguy cơ nghiêng dàn phải tiến hành củng cố trải lưới lăn đoản gỗ để căn chỉnh và tiến hành bơm hóa chất gia cố nền lò chợ đảm bảo điều kiện kỹ thuật, từ đó đẩy nhanh chu kỳ khai thác, tăng sản lượng.
Đối với đào lò, do điều kiện địa chất phức tạp, các đường lò đào trong than gặp phay đá nên tiến độ thấp, một số gương lò phải dừng thi công để khoan thăm dò điều kiện địa chất. Khối lượng mét lò thuê ngoài cũng đạt thấp do phải tiến hành đấu thầu đến đầu tháng 6/2019 mới ký được hợp đồng. Để khắc phục điều này, công ty đã bố trí tăng cường một đơn vị khai thác sang đào lò và phối hợp tốt với đơn vị thuê ngoài nhằm đẩy mạnh tiến độ hoàn thành số mét lò theo kế hoạch đặt ra.
Một điểm nổi bật trong hoạt động của Than Hà Lầm đó là phát huy tốt phong trào sáng kiến, góp phần tối ưu hóa sản xuất và đạt năng suất lao động cao. Phong trào sáng kiến được lan tỏa sâu rộng từ công nhân thợ lò cho đến từng phòng ban trong công ty. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Than Hà Lầm có trên 80 sáng kiến cải tiến trong lao động được áp dụng.
Anh Nguyễn Đức Thảo, Quản đốc Phân xưởng Khai thác lộ thiên cho biết, khắc phục những khó khăn do diện khai thác, thiết bị đã cũ, phân xưởng tận dụng tối đa thuận lợi của thời tiết, phát huy tốt nội lực của mình với đội ngũ thợ bậc cao, bố trí sản xuất hợp lý, đẩy mạnh các sáng kiến nhằm tăng sản lượng… kết quả là phân xưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ của 6 tháng đặt ra.
“Cứ đà này thì chúng tôi tự tin là sẽ hoàn thành sớm kế hoạch cả năm công ty giao”, Quản đốc Thảo khẳng định.
* Đưa công nghệ vào sản xuất
Tại Công ty Than Hạ Long, hiện nay việc đổi mới công nghệ đã được lãnh đạo công ty đặc biệt quan tâm với những giải pháp cụ thể như: triển khai áp dụng công nghệ chống giữ lò bằng neo chất dẻo cốt thép tại khu vực Hà Ráng và khu Khe Chàm; đưa máy đào lò combai AM50Z vào áp dụng tại khu vực Khe Chàm góp phần tăng năng suất đào lò.
Bên cạnh đó, Than Hạ Long cũng nghiên cứu lập phương án triển khai áp dụng công nghệ lò chợ xiên chéo chống giữ giàn mềm ZRY tại khu Hà Ráng...Điều này nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động; cải thiện tốt môi trường cho người lao động làm việc trong hầm lò, đảm bảo an toàn về khí và điều kiện thông gió mỏ.
Riêng với việc đưa giá khung thủy lực động vào áp dụng tại lò chợ mức -90 và -30 vỉa 6 khu vực Tân Lập của Công ty than Hạ Long thay thế giá thủy lực XDY đã giúp nâng sản lượng khai thác tại lò chợ của công ty tăng 1,7 lần (từ 401,5 tấn than lên 715 tấn/ngày) và năng suất lao động đạt 7,1 tấn/công lao động.
Để nâng cao chất lượng than và tận thu được than chất lượng tốt, công ty cũng đã đưa dây chuyền sàng tuyển than bằng công nghệ huyền phù tự sinh vào sản xuất tại khu vực Hà Ráng. Công nghệ của dây chuyền sàng tuyển than được lựa chọn sàng tách cám tối đa. Than sạch sau tuyển được nghiền thành than cám để tiêu thụ trực tiếp hoặc pha trộn với than cám sau sàng 250 tấn/giờ, nhằm tạo ra các sản phẩm than cám 5b, cám 6a cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Thời gian tới, để đạt các mục tiêu, kế hoạch, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong đào lò, khai thác phù hợp với thực tế sản xuất để tăng năng suất, tăng sản lượng, tăng tiền lương cho thợ lò; giảm thiểu sự cố…
Đối với lĩnh vực vận tải, Công ty Kho vận Đá Bạc đã chuyển đổi từ vận chuyển bằng đường bộ sang vận chuyển bằng đường sắt và băng tải. Mặc dù chi phí bỏ ra để áp dụng phương thức vận chuyển mới này khá lớn; đồng thời, việc sắp xếp nhân sự, giải quyết số đầu xe tồn sau đó cũng rất khó khăn, nhưng công ty xác định đó là xu hướng phát triển tất yếu và quan điểm của công ty là sản xuất, kinh doanh phải đi đôi với bảo vệ môi trường thì mới phát triển bền vững được.
Chính bởi vậy, năm 2012, khi ngành than bắt đầu thực hiện lộ trình hạn chế vận chuyển than bằng ô tô thì Công ty Kho vận Đá Bạc đã vận chuyển đến 96,5% sản lượng than bằng toa tàu và băng tải. Chỉ còn 3,5% than cục và than bùn được vận chuyển bằng ô tô, vốn là chủng loại than khó khăn trong khâu bốc xúc, chuyển tải khi vận chuyển bằng toa tàu và băng tải.
Ngoài ra, Công ty Kho vận Đá Bạc cũng đã từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành tại cảng theo hướng tin học hóa, tự động hóa. Đến nay, hầu như tất cả các vị trí cần theo dõi trên mặt bằng khu vực cảng cũng như những vị trí thường xuyên vận chuyển than qua lại đều đã được gắn camera an ninh và truyền về trung tâm điều hành, đồng thời truyền dẫn đến các đồng chí lãnh đạo công ty và Tập đoàn thông qua kết nối internet. Thông qua đó, việc chỉ đạo, điều hành luôn được kịp thời, hạn chế được những thất thoát, tiêu cực trong vận chuyển tiêu thụ, đảm bảo tính chính xác. Từ đó, giúp giảm thiểu nhân lực vận hành, ghi chuyến bằng thủ công như trước đây.
Theo TKV, hằng năm, Tập đoàn đầu tư từ 15.000-20.000 tỷ đồng cho việc mở rộng sản xuất. Một số công trình tự động hóa đã được đưa vào vận hành, mang lại hiệu quả cao, giúp nâng cao năng suất lao động, tiết giảm nhân công lao động trực tiếp, như: Hệ thống băng tải giếng chính ở Than Mạo Khê (giảm 70% nhân lực vận hành); tự động hóa tuyến băng tải lò XV mức -300 ở Than Hà Lầm (giảm 40% nhân lực); hệ thống tự động hóa trạm quạt gió Công ty Than Núi Béo (giảm 50% nhân lực)… Những dự án, công trình trên đã giúp TKV nâng cao sản lượng khai thác than cho các mỏ.
Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn cho biết, để phát triển bền vững, giải pháp trọng tâm của TKV trong năm 2019 và những năm tiếp theo là quan tâm đến điều kiện việc làm, nhà ở, thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, trong điều kiện sản xuất các mỏ hầm lò ngày càng xuống sâu, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa là giải pháp đột phá. Điều này giúp TKV nâng cao trình độ nhân lực, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/giai-phap-nao-tang-hieu-qua-san-xuat-nganh-than-/133007.html