Giải pháp nào tăng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Sáng 26/10, VCCI đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo 'Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam'.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tiềm năng, cơ hội để phát triển hoạt động xuất khẩu là rất lớn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu, ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới. Cùng đó, tiến trình chuyển đổi số, xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử... là những động lực quan trọng cho tăng trưởng xuất nhập khẩu.

 Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”

Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”

Tuy nhiên thực tế cũng còn không ít những thách thức đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam về năng lực cạnh tranh, chất lượng hàng hóa, quy định cần tuân thủ của các thị trường xuất nhập khẩu; khó khăn của doanh nghiệp trong tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các thị trường mới, tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng các thị trường xuất nhập khẩu.

Các báo cáo PCI của VCCI thực hiện trong những năm gần đây đều cho thấy tiếp cận tín dụng và tìm kiếm khách hàng luôn là hai vấn đề khó khăn nhất doanh nghiệp gặp phải. Đây cũng chính là hai vấn đề quan trọng cần tháo gỡ để có thể thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hội Viện trưởng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cũng chỉ ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng lớn nhưng chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng xuất nhập khẩu cả nước.

Nguyên do, năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của đối tượng này còn thấp và chậm được cải thiện, nhất là đối với các mặt hàng chế biến, chế tạo, hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu hay quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Cơ hội tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và việc thụ hưởng thành quả từ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa đồng đều so với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.

Nguyên nhân nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu, yếu về các chiến lược, không có chiến lược kinh doanh bài bản theo hướng khai thác lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế. Do thiếu kiến thức và kỹ năng hoạt động kinh doanh trên thị trường thế giới, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát sinh cạnh tranh lẫn nhau, thiếu tính liên kết và không có thương hiệu trên thị trường thế giới.

Với những hạn chế đã được điểm tên, tại Hội thảo, các chuyên gia đều đồng quan điểm cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và cụ thể hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát huy vai trò trong nền kinh tế.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, cần có cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi để tăng mạnh vốn đầu tư phát triển xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu và bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư đổi mới công nghệ.

Chú trọng nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất nhập khẩu, chủ động tích cực xây dựng nội lực doanh nghiệp về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ thông tin. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với đa dạng các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế…

Sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết nhưng ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, sự chủ động của doanh nghiệp giữ vai trò quyết định. Theo đó, doanh nghiệp cần liên hệ chặt chẽ và trao đổi thông tin thường xuyên với hiệp hội ngành hàng, tích cực, chủ động tham gia vào quy trình hoạch định chính sách phát triển xuất nhập khẩu bền vững và phản ánh quan điểm, đề xuất của mình. Chủ động cập nhật các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là các ưu đãi về đầu tư, tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.

Tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đảm bảo phát triển bền vững. Khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho từng sản phẩm, đảm bảo phát huy lợi thế và thực thi hiệu quả cam kết trong các hiệp định thương mại tự do song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam tham gia, nhất là các hiệp định thế hệ mới.

Đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu phân khúc thị trường, xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng đối với sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó xác định đối tác nhập khẩu mục tiêu, xây dựng các chiến lược, kế hoạch marketing xuất khẩu phù hợp…

Một giải pháp nữa rất quan trọng được bà Cao Cẩm Linh- Trưởng Ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam đề xuất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh. “Phải là chuyển đổi thực sự, có chiến lược dài hạn, đầu tư. Có như vậy doanh nghiệp mới đáp ứng các quy định và theo nhịp xu hướng phát triển bền vững, có đơn hàng xuất khẩu”, bà Cao Cẩm Linh nói.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-phap-nao-tang-xuat-nhap-khau-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-281266.html