Giải pháp ngăn doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm

Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH có xu hướng ngày càng phức tạp, gia tăng sức ép lên xã hội. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan quản lý cần xử lý quyết liệt hơn để chấn chỉnh.

Vi phạm chưa được xử lý quyết liệt

Không chỉ doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ mà lâu nay cả doanh nghiệp lớn, có uy tín, thậm chí có doanh nghiệp được khen thưởng thành tích cao vẫn nợ đọng BHXH. Thực trạng đó cho thấy điều gì, thưa ông?

Có 2 điểm đáng lưu ý. Thứ nhất là ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và cả người lao động. Chính người lao động cũng có trách nhiệm khi bị ảnh hưởng quyền lợi nhưng không đấu tranh đòi hỏi, có người còn tự nguyện không tham gia bảo hiểm.

Ông Bùi Sỹ Lợi.

Ông Bùi Sỹ Lợi.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại cố tình dây dưa, chây ỳ nợ đọng kéo dài vì họ có thể dùng quỹ này để đầu tư phát triển sản xuất (gọi là chiếm dụng vốn). Tuy nhiên chúng ta cũng nên xem xét trên điều kiện cụ thể. Có những doanh nghiệp khó khăn, do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, khiến họ khó có khả năng trích nộp bảo hiểm. Vì vậy với 2 nhóm này cần có chính sách cụ thể để giải quyết hợp lý.

Thứ hai là dù pháp luật quy định rõ nhưng việc thực thi chưa nghiêm túc, bởi do các cơ quan quản lý buông lỏng. Ngoài ra, cũng phải nói đến việc thiếu cơ chế kiểm soát và thiếu chế tài xử lý nghiêm minh, hoặc xử lý nhưng không đủ răn đe.

Vậy theo ông cần xử lý thế nào mới đủ sức răn đe?

Hành lang pháp lý đã đầy đủ, từ việc truy cứu trách nhiệm hình sự, dừng đăng ký kinh doanh, dừng hoạt động, sản xuất… Tuy nhiên, thực tế cho thấy xử lý hành chính vẫn là chủ yếu, tạo ra những tiền lệ xấu. Hết năm 2023, mới có 14 trong tổng số 413 hồ sơ kiến nghị được khởi tố.

Doanh nghiệp chậm trả nợ ngân hàng, hay chậm nộp thuế, bên cạnh nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, nếu chậm trả nợ ngân hàng, có thể bị chuyển nhóm nợ khiến họ bị "khép cửa" vay vốn trên toàn hệ thống. Hay chậm nộp thuế, ngoài chịu lãi phạt, còn có thể bị dừng thông quan hàng hóa xuất/nhập khẩu, cấm xuất cảnh với người đứng đầu doanh nghiệp.

Nhưng với các doanh nghiệp nợ BHXH, nếu áp dụng trong chính sách an sinh xã hội lại chưa có tiền lệ. Một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất áp dụng như một sắc thuế nhưng chưa được Quốc hội đồng tình khi sửa đổi Luật BHXH vừa rồi.

Theo tôi, để đảm bảo công bằng, cần coi việc thu BHXH cũng giống như một sắc thuế, xử lý việc không nộp BHXH cũng như không nộp thuế. Vừa qua, có trường hợp chủ sử dụng lao động nợ thuế, nợ đóng BHXH đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc đi nước ngoài. Theo tôi, đây là giải pháp có tính răn đe, nên được áp dụng rộng rãi.

Cần thay đổi nhận thức

Nhiều ông chủ được ca ngợi tài sản trăm tỷ, nghìn tỷ, có cuộc sống vương giả trong khi doanh nghiệp của họ lại nợ đọng BHXH. Theo ông, xã hội nên nhìn nhận thế nào về việc này?

Vi phạm về BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, hạn chế việc giải quyết chính sách ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho họ. Đặc biệt, khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, nếu không đóng đủ BHXH sẽ không được hưởng chế độ hưu trí; không tham gia BHYT sẽ không được hưởng quyền lợi khi khám, chữa bệnh; không tham gia bảo hiểm thất nghiệp đồng nghĩa không được giải quyết trợ cấp, chuyển đổi nghề.

Tính đến hết 31/12/2023, có hơn 200.000 đơn vị trốn, chậm đóng bảo hiểm với số tiền hơn 13.000 tỷ đồng (ảnh minh họa).

Tính đến hết 31/12/2023, có hơn 200.000 đơn vị trốn, chậm đóng bảo hiểm với số tiền hơn 13.000 tỷ đồng (ảnh minh họa).

Chúng ta cần thay đổi nhận thức, BHXH, BHYT là nội dung trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội, đó chính là quyền con người. Các doanh nghiệp phải coi việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động là nhiệm vụ.

Do vậy, cần thiết đưa tiêu chí "đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động" hoặc "trách nhiệm xã hội doanh nghiệp" trong bình xét khen thưởng hoặc phạt khi tổng kết, đánh giá với một doanh nghiệp. Và ở đây là trách nhiệm của người đứng đầu, là chủ sử dụng lao động.

Số doanh nghiệp nợ BHXH tăng cả về số lượng, quy mô, tính chất, hàng triệu người lao động bị đe dọa về an sinh, phúc lợi. Gánh nặng đó lại đè lên vai toàn xã hội. Theo ông, cần chính sách tổng thể nào để xử lý vấn đề này?

Vi phạm về BHXH làm gia tăng gánh nặng của Nhà nước, xã hội và người dân. Do đó việc đảm bảo thực hiện quyền tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của doanh nghiệp, của người lao động và vai trò quản lý Nhà nước. An sinh xã hội là một chính sách lớn, thể hiện tính nhân đạo, ưu việt của chế độ. Do vậy, cả hệ thống chính trị, xã hội cần vào cuộc.

Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Hồng Cường, Phó Ban quản lý Thu - Sổ, Thẻ, BHXH Việt Nam:

Kỳ vọng sớm khắc phục vướng mắc, bất cập

Thời gian qua, cơ quan BHXH đã rất nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp để giảm số tiền chậm đóng, trốn đóng. Tuy nhiên số tiền chậm đóng của người sử dụng lao động không còn khả năng đóng đã tồn tích từ nhiều năm nay, chưa có phương án xử lý.

Hiện nay, một số chế tài xử lý đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng đã được quy định như: Thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính, khởi kiện ra tòa án, chuyển cơ quan công an khởi tố hình sự.

Tuy nhiên, thực tế còn một số khó khăn. Đó là việc áp dụng khởi kiện của tổ chức công đoàn đối với doanh nghiệp có một số bất cập trong quy định về trình tự, thủ tục. Việc xử lý hình sự theo quy định Bộ Luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm vẫn còn một số vướng mắc. Việc thực hiện cưỡng chế vi phạm hành chính không hiệu quả, do tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp không còn tiền...

Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành sẽ sớm khắc phục được vướng mắc, bất cập hiện nay. Trong đó, tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, xử lý số tiền chậm đóng BHXH khó thu; quy định rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH, đặc biệt là trách nhiệm của UBND các cấp trong việc để xảy ra chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc trong phạm vi địa phương quản lý.

Với những thay đổi này, hy vọng góp phần hạn chế, giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trốn, chậm đóng hơn 13.000 tỷ đồng

Tính đến ngày 31/12/2023, có 205.808 đơn vị chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền 13.356 tỷ đồng, chiếm 2,69% số phải thu. Trong đó, số tiền chậm đóng, khó thu tồn tích từ trước đến nay (đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; đang làm thủ tục giải thể; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật…) khoảng 4.583 tỷ đồng.

Số tiền chậm đóng chủ yếu tập trung vào nhóm doanh nghiệp ngoài quốc doanh (khoảng 11.000 tỷ đồng), rơi vào các doanh nghiệp thuộc ngành nghề như: Lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, da giày… Nguyên nhân khách quan do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn nguồn cung nguyên, phụ liệu, do ảnh hưởng từ tình hình địa chính trị tại một số quốc gia.

Tính đến ngày 30/6/2023, BHXH các tỉnh, thành phố đã gửi 401 hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan công an. Đến nay đang xem xét giải quyết 117 hồ sơ; 56 hồ sơ không thụ lý; đã tiếp nhận giải quyết 228 hồ sơ, trong đó 13 hồ sơ đã khởi tố, 21 hồ sơ chuyển xử lý vi phạm hành chính và 183 hồ sơ xác định không có hành vi vi phạm pháp luật, 11 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố...

Hoàng Vân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giai-phap-ngan-doanh-nghiep-tron-dong-bao-hiem-192240805230939553.htm