Giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở huyện Như Xuân
Để thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) phát triển, thời gian qua, huyện Như Xuân đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào lĩnh vực này. Nhờ đó, CN-TTCN có mức tăng trưởng khá, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nguyên liệu sắn tươi tập kết tại Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Như Xuân.
Một trong những giải pháp được huyện Như Xuân triển khai thực hiện đó là tranh thủ tối đa các nguồn lực để làm đòn bẩy phát triển CN-TTCN và thương mại - dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, khả năng cạnh tranh. Tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các cơ sở chế biến công nghiệp... Với những giải pháp thiết thực, đến nay huyện Như Xuân đã thu hút được 77 doanh nghiệp và 21 HTX hoạt động sản xuất CN-TTCN. Trong số các doanh nghiệp, có 24 cơ sở sản xuất công nghiệp với ngành nghề chủ yếu là chế biến nông, lâm sản xuất khẩu, sản xuất gỗ ván ép công nghiệp, sản xuất đá ốp lát, khai khoáng... Điển hình như cụm công nghiệp Bãi Trành có diện tích quy hoạch 49,7 ha hiện nay đã có 2 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, đó là: Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thành Nam, sản xuất gỗ MDF và ván ghép thanh, diện tích sử dụng đất 15ha; Công ty TNHH Chế biến lâm sản và xuất khẩu Xuân Sơn, sản xuất gỗ ván sàn và gỗ thanh, diện tích sử dụng đất 5ha. Và hiện nay, huyện Như Xuân đang tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Thượng Ninh 20ha, cụm công nghiệp Xuân Hòa 30ha, cụm công nghiệp Yên Cát 12,5ha.
Xác định công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu là một trong những khâu đột phá, bởi vậy huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên cơ sở gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, theo hướng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ gắn với nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh. Đến nay, huyện đã mở rộng một số vùng nguyên liệu sắn với diện tích 2.100 ha để cung cấp cho Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Như Xuân; vùng nguyên liệu mía có diện tích 2.700 ha cung cấp cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Như Xuân); vùng nguyên liệu cao su có diện tích 6.167 ha, bình quân hàng năm cung ứng gần 400 tấn mủ khô cho các nhà máy...
Với hướng đi đúng và trúng trong việc thúc đẩy CN-TTCN phát triển, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Giai đoạn 2015 – 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm của huyện Như Xuân đạt 17%; CN-TTCN - xây dựng tăng 22,7%; dịch vụ - thương mại tăng 19,2%; thu nhập bình quân đạt trên 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên 7%/năm, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 14,92%. Ngày 7-3-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Như Xuân thoát khỏi huyện nghèo theo Chương trình 30a, giai đoạn 2018 - 2020.