Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân ở An Giang

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang vừa phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội thảo khoa học 'Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân tỉnh An Giang'. Hội thảo là dịp đánh giá thực trạng kinh tế tư nhân và các khó khăn, thách thức trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng thời huy động trí tuệ từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý hiến kế giúp An Giang phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, An Giang có 8.081 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đang hoạt động, tạo việc làm cho 25.097 lao động, doanh thu hàng năm đạt 52.932 tỷ đồng. Cộng đồng DN nhỏ và vừa (SME) tỉnh An Giang đã và đang khẳng định vai trò là động lực quan trọng để phát triển kinh tế địa phương.

Sự phát triển của các SME đã tạo việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2023 (ước đạt 5,08%). Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 22.055 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm 2021 - 2023 ước đạt 98.168 tỷ đồng.

Với nỗ lực của các cấp, ngành, DN và các thành phần kinh tế khác, DN An Giang không ngừng phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các DN đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh (SXKD), góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm, đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp giải pháp phát triển kinh tế tư nhân ở An Giang

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp giải pháp phát triển kinh tế tư nhân ở An Giang

Tuy nhiên, hoạt động của các DN tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Lúa gạo, thủy sản, rau màu... vẫn còn gặp khó khăn về thị trường, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất, các quy định ràng buộc của thị trường nhập khẩu.

Các DN có quy mô nhỏ chưa chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực tài chính, nhân sự, tổ chức quản trị DN, thông tin thị trường. Trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp... Do đó, việc tìm ra giải pháp để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân là vô cùng cấp thiết.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành nghiên cứu đánh giá dựa trên báo cáo của Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Đầu tư kinh doanh nông nghiệp sáng tạo, với 510 DN được khảo sát. Qua đó, cho thấy, 3 khó khăn lớn nhất theo đánh giá của các DN nhỏ và vừa là: Sức ép cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước (223/579 ý kiến); tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ (199/579 ý kiến) và các thủ tục hành chính (157/579 ý kiến). Đánh giá của DN nhỏ và vừa khá tương đồng với ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, khi cho rằng 2 thách thức lớn nhất của DN nhỏ và vừa là năng lực nội tại của DN và sức ép cạnh tranh.

Về tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị, trong các DN tham gia khảo sát chỉ có 15 DN (chiếm 2,94%) xác nhận có tham gia cụm liên kết và chuỗi giá trị. Một số chuỗi mà các công ty đang tham gia, như: Chuỗi liên kết ABCD, chuỗi cà-phê, chuỗi ngành hàng sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản và giao thông.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về các chính sách hiện hành về phát triển DN và hỗ trợ DN nhỏ và vừa tại An Giang, những hạn chế, tồn tại nằm chủ yếu ở 4 vấn đề: Tiếp cận vốn, tiếp cận chính sách, lao động nhân sự và mặt bằng SXKD.

Trước thực trạng phát triển, những điểm yếu của DN đã được nhận diện và nhu cầu cần hỗ trợ của các DN nhỏ và vừa nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1965/QĐ-UBND, ngày 4/8/2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, nhằm giúp các DN nhỏ và vừa giải quyết khó khăn, đẩy mạnh sản xuất; tạo thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong đó, tập trung các nhiệm vụ chính là đào tạo nâng cao năng lực cán bộ về khởi nghiệp, hướng dẫn quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Hỗ trợ DN, hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN; cá nhân, nhóm cá nhân muốn thành lập DN, khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển thành DN nhỏ và vừa; hỗ trợ DN nhỏ và vừa sau khi thành lập, đang hoạt động, đảm bảo phù hợp với nhu cầu chính đáng của DN trong từng giai đoạn.

Hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển SXKD theo chuỗi liên kết, lựa chọn các DN nhỏ và vừa đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị tỉnh An Giang; ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu, là tiềm năng và lợi thế của tỉnh, gắn với phát triển tài nguyên bản địa dựa vào sức mạnh công nghệ.

Năm 2023 là năm đầu tiên An Giang triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa với nhiều nội dung hỗ trợ đáp ứng nhu cầu, đồng thời khắc phục các điểm yếu của các DN nhỏ và vừa về xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường, đổi mới sáng tạo. Để các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, rất cần sự đồng thuận, thống nhất trong khâu tổ chức thực hiện giữa Nhà nước và DN thụ hưởng.

NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/giai-phap-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-an-giang-a378257.html