Giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới
Sáng 18/9, tại Đà Lạt, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng phối hợp Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc tổ chức Hội thảo về giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phat triển nông thôn Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Định, Điện Biên, Cao Bằng; Trường Đại học Lâm nghiệp; Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động du lịch canh nông trong tỉnh Lâm Đồng.
Ông Đặng Quý Nhân - Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trao đổi giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam
Bà Nguyễn Thi Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc cho biết: Phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt tạo sinh kế và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn (tiêu chí số 10).
Bên cạnh đó, duy trì ngành nghề truyền thống, phát triển các hoạt động dịch vụ bổ trợ cho du lịch, tạo việc làm tại chỗ, góp phần thay đổi cơ cấu lao động nông thôn (tiêu chí số 12), tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, bảo tồn và phát triển làng nghề, quảng bá xúc tiến thương mại (tiêu chí số 13).
Quang cảnh Hội thảo
Qua đó, khuyến khích người dân nâng cấp, đầu tư hoàn thiện nhà ở, cơ sở vật chất tiếp đón khách du lịch (tiêu chí số 9), nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch đẹp tại điểm du lịch (tiêu chí số 17).
Hiện, cả nước có 774.39 cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với 3,5 triệu lao động, thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, với trên 2.000 làng nghề đã đóng góp phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có 216 nghề truyền thống, 657 làng nghề truyền thống và 1.382 làng nghề.
Ông Phạm Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng trình bày tham luận bảo tồn và phát triển làng nghề nhằm góp phần hoàn thành tiêu chí thứ 13
Ông Phạm Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Lâm Đồng có nguồn nhân lực dồi dào, số người trong tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao, nguồn tài nguyên và nguyên liệu phong phú cho phát triển ngành nghề, làng nghề, nổi bật tài nguyên rừng, nông sản, khoáng sản.
Một số địa phương đã lập quy hoạch điểm công nghiệp tập trung như TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc; các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương…, tạo điều kiện cho các ngành nghề phát triển và tiêu thụ sản phẩm.
Bà Trần Thị Loan - Trưởng Phòng Ngành nghề nông thôn - Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn trình bày tổng quan về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới
Hội thảo trao đổi, chia sẻ các vấn đề thông qua các tham luận: Kinh nghiệm xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội); Định hướng phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP tại Avocada Farm (Công ty TNHH Avocado Farm, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng); Thực trạng và giải pháp phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đồng Tháp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp); Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)…
Trong thời gian tới, những giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới được ghi nhận tai Hội thảo gồm: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tuyên truyền, quảng bá, bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế; khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động hiệu quả và làng nghề mới; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông thôn; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề…