Giải pháp sử dụng AI phát hiện nguy cơ mất an toàn lưới điện từ hình ảnh/video đem lại hiệu quả tích cực
Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ X (2022-2023) vừa công bố 26 giải pháp, đề tài đoạt giải. Trong đó, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) nhận được 3 giải bao gồm: 1 giải Nhì (không có giải Nhất) và 2 giải Khuyến khích. Liên tục trong nhiều năm qua, PC Quảng Trị nhận được các giải cao tại hội thi, đây là thành quả của sự tìm tòi, sáng tạo của cán bộ, công nhân viên PC Quảng Trị trong nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại công ty.
Đề tài đoạt giải Nhì của PC Quảng Trị với giải pháp “Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện các nguy cơ mất an toàn lưới điện từ hình ảnh/ video thu thập của Drone/UAV từ nhiệm vụ bay” của nhóm tác giả Phan Văn Vĩnh, Lê Công Hiếu, Nguyễn Văn Tài, Lê Văn Minh, Nguyễn Xuân Thủy. Đây là một giải pháp rất hữu ích, có tính mới trong lĩnh vực quản lý lưới điện và sử dụng công nghệ drone. Tính mới của giải pháp này xuất phát từ sự kết hợp giữa hai lĩnh vực chính là trí tuệ nhân tạo và drone. Sự phát triển của AI cung cấp khả năng xử lý thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó giúp phát hiện những nguy cơ mất an toàn lưới điện một cách hiệu quả.
Hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào drone/UAV (unmanned aerial vehicle) là một xu hướng mới trong lĩnh vực này. Drone được sử dụng ngày càng phổ biến trong việc giám sát và quản lý hạ tầng điện lưới nhưng việc xử lý dữ liệu từ drone vẫn cần sự can thiệp của con người.
Do đó, khi kết hợp drone với trí tuệ nhân tạo giúp cải thiện khả năng tự động hóa và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhân lực, từ đó nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong phát hiện các nguy cơ mất an toàn lưới điện. Tính mới của giải pháp này là sự kết hợp phát triển của hai lĩnh vực công nghệ đang trên đà phát triển mạnh mẽ: trí tuệ nhân tạo và drone/UAV.
Việc sử dụng drone/UAV cho thu thập hình ảnh/video giúp giảm thiểu thời gian và chi phí so với các phương pháp truyền thống.
Kết hợp với trí tuệ nhân tạo, việc phát hiện nguy cơ mất an toàn diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp tăng cường khả năng đáp ứng và xử lý các vấn đề an toàn nhanh hơn.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo cho phép xử lý và phân tích các hình ảnh/video thu thập từ drone/UAV một cách tự động và chính xác hơn. Điều này giúp giảm thiểu sai sót do yếu tố con người và tăng cường khả năng phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn một cách hiệu quả.
Sử dụng drone/UAV để thu thập hình ảnh và video của lưới điện từ không gian không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian mà còn cung cấp cái nhìn toàn cảnh về hệ thống lưới điện.
Điều này làm tăng tính sáng tạo của giải pháp, vì sử dụng drone/UAV là một phương tiện công nghệ mới mẻ và hiệu quả để giám sát lưới điện.
Giải pháp “Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện các nguy cơ mất an toàn lưới điện từ hình ảnh/video thu thập của drone/UAV từ nhiệm vụ bay” đạt hiệu quả cao về kỹ thuật vì kết hợp sử dụng drone/UAV và trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều lợi ích và cải tiến trong phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn lưới điện.
Giải pháp đem lại nhiều hiệu quả tích cực về xã hội, có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đối với cả cộng đồng và môi trường xung quanh như: nâng cao an toàn cho người dân; tối ưu hóa quản lý và vận hành lưới điện; giảm thiểu thiệt hại về tài sản và môi trường; tăng cường công nghệ trong ngành năng lượng; tạo ra việc làm và phát triển công nghiệp drone/UAV; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội... Đề tài này khuyến khích sự phát triển của công nghiệp drone/UAV và các công nghệ liên quan.
Ngoài ra, giải pháp có nhiều lợi ích kinh tế khi sử dụng AI để phát hiện các nguy cơ mất an toàn lưới điện từ hình ảnh/video thu thập được của drone/UAV lập trình đường bay tự động theo nhiệm vụ bay. Sử dụng AI giúp giám sát an toàn lưới điện trở nên hiệu quả hơn, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn và giảm thiểu các tai nạn điện.
Việc sử dụng drone để thu thập hình ảnh và video giúp tiết kiệm chi phí so với việc thu thập thông tin bằng phương tiện truyền thống như máy bay hay máy chụp ảnh. Sử dụng drone để thu thập hình ảnh/video và sử dụng AI để phát hiện các nguy cơ mất an toàn lưới điện có thể giảm chi phí giám sát so với việc sử dụng con người. Khi kết hợp với AI, các công việc kiểm tra và phát hiện nguy cơ mất an toàn lưới điện được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn, giúp giảm thiểu chi phí.
Giải pháp này được thực hiện tại PC Quảng Trị và đây cũng là đơn vị tiên phong trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham gia nghiên cứu xây dựng và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận sáng kiến đã được áp dụng thực tiễn với phiên bản tích hợp trên phần mềm thông tin hiện trường và phần mềm quản lý kỹ thuật lưới điện PMIS (EVN).
Quá trình áp dụng sản phẩm đã mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị. Chính nhờ những tiện ích và hiệu quả mang lại mà đề tài được ban giám khảo đánh giá cao vì ứng dụng trí tuệ nhân tạo là một công nghệ mới, một trong những công nghệ chủ chốt trong giai đoạn hiện nay.
Hơn nữa, giải pháp này có thể áp dụng cho các lĩnh vực khác như: nông nghiệp, giao thông... Đây cũng là 1 trong 6 đề tài, giải pháp có chất lượng được Ban tổ chức chọn tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ XVII (2022-2023).
Ngoài ra, đơn vị còn có 2 giải pháp đoạt giải Khuyến khích, gồm: “Giải pháp phụ kiện đấu nối dây bọc trung áp khắc phục hiện tượng mô ve, tiếp xúc không đảm bảo” của nhóm tác giả Bùi Minh Hải, Trương Văn Thắng, Nguyễn Xuân Thủy; giải pháp “Xây dựng giải pháp tính toán tự động theo thời gian thực trên lưới điện phân phối tỉnh Quảng Trị khi có sự xâm nhập của điện mặt trời mái nhà” của nhóm tác giả Nguyễn Tất Chiến, Lê Đăng Linh, Trần Quốc Tiến.