Giải pháp thích ứng khi giá phân bón tăng cao
Vụ xuân năm nay, chị Trần Thị Hường, xóm Đại Đồng, xã Đại Thắng (Vụ Bản) cấy hơn 4 sào lúa bằng giống lúa Bắc thơm số 7. Đầu vụ, sau khi gieo sạ gặp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài kết hợp với sương muối nên lúa phát triển chậm, do vậy cần tập trung chăm sóc. Theo hướng dẫn của HTX nông nghiệp, chị Hường đã phải đầu tư gần 1 triệu đồng để mua phân bón cho lúa... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Vụ xuân năm nay, chị Trần Thị Hường, xóm Đại Đồng, xã Đại Thắng (Vụ Bản) cấy hơn 4 sào lúa bằng giống lúa Bắc thơm số 7. Đầu vụ, sau khi gieo sạ gặp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài kết hợp với sương muối nên lúa phát triển chậm, do vậy cần tập trung chăm sóc. Theo hướng dẫn của HTX nông nghiệp, chị Hường đã phải đầu tư gần 1 triệu đồng để mua phân bón cho lúa, tăng gần 400 nghìn đồng so với vụ xuân năm ngoái. Chị Hường chia sẻ: Giá phân bón hiện nay quá cao, cứ thế này từ nay đến cuối vụ thì gây không ít khó khăn cho kinh tế gia đình. Chị đang tính toán giảm một phần phân bón dù biết là ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây lúa vào cuối vụ. Còn các anh Trần Văn Ân, Trần Văn Lực, Trần Văn Sơn ở xã Nghĩa An (Nam Trực) đang sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích gần 30ha thì cho biết: với diện tích này, vụ xuân năm ngoái, các anh đã đầu tư khoảng 150 triệu đồng để mua phân đạm, lân, ka-li chăm bón cho lúa. Năm nay, các anh sẽ phải đầu tư gần 230 triệu đồng để mua phân bón, tăng 80 triệu đồng so với vụ trước. Đấy là chưa tính phần tăng các công đoạn khác như: làm đất, giống, công gieo cấy, thu hoạch… Như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Giá bán các loại phân bón tăng cao trong vụ xuân năm nay đang là “bài toán” khó đối với người nông dân. Theo tính toán, với giá bán các loại phân bón tại thời điểm vụ xuân năm 2021, mỗi sào lúa người dân đầu tư khoảng 200 nghìn đồng, chiếm 25% tổng chi phí sản xuất. Vụ xuân năm nay, giá các loại phân bón đều đồng loạt tăng mạnh, chi phí đội lên ít nhất 70-80 nghìn đồng/sào. Như vậy, diện tích sản xuất càng nhiều thì vốn đầu tư mua phân càng lớn. Theo chị Hường, anh Ân, để đạt được năng suất, chất lượng gạo tốt thì phải đầu tư bón đủ lượng phân, bón đúng thời điểm cho cây lúa. Đó còn chưa kể đến những rủi ro có thể xảy ra suốt vụ nếu thời tiết, sâu bệnh diễn biến phức tạp phải tăng chi phí phòng trừ, nguy cơ mất mùa. Giá phân cao như hiện nay chắc chắn sẽ kéo giảm lợi nhuận thu được từ sản xuất lúa xuân.
Trên thị trường vật tư vụ xuân năm nay cho thấy, giá bán các loại phân bón đều tăng so với vụ xuân năm ngoái. Cụ thể, phân đạm đang dao động ở mức 14-16 nghìn đồng/kg, đỉnh điểm là 17-18 nghìn đồng/kg tùy từng loại phân, cao gấp 2-2,2 lần so với vụ xuân và 1,5 lần so với vụ mùa năm 2021; phân tổng hợp NPK bón lót tăng 25-30%, phân bón thúc tăng 50%; lân, ka-li tăng 50%. Anh Phạm Văn Hân, chủ đại lý cung ứng các loại vật tư nông nghiệp ở xã Thành Lợi (Vụ Bản) cho biết: Giá phân bón nhập về tăng rất cao, nhất là thời điểm tập trung cho sản xuất vụ xuân 2022. Hiện nay, giá các loại phân vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi đó số lượng các loại phân đạm doanh nghiệp đang cung ứng chỉ bằng 70% so với cùng thời điểm của vụ xuân năm ngoái.
Trước tình hình giá vật tư, phân bón tăng cao, ngay từ khi triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa xuân 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị cung ứng các loại vật tư nông nghiệp, nhất là các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giữ giá bán ổn định; khuyến cáo các đại lý, cửa hàng không kinh doanh hoặc “tiếp tay” tiêu thụ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng giá rẻ. Đồng thời kiên quyết không để xảy ra tình trạng “găm hàng”, tự ý nâng giá bán, gây khó khăn cho sản xuất của nông dân. Quan tâm hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân tổng hợp NPK, phân đa yếu tố của các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng có uy tín trên thị trường để bón lót, bón thúc, bón tăng cường, bảo đảm phù hợp với từng giống lúa, chân ruộng, loại đất, thực hiện bón cân đối, tránh lạm dụng, nhất là phân đạm gây lãng phí, tăng chi phí đầu tư. Qua đó, bảo đảm đủ lượng dinh dưỡng theo yêu cầu của từng giống, từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Việc chăm sóc thực hiện theo phương châm “bón sớm, bón tập trung” để cây lúa sinh trưởng sớm, tạo giàn lúa khỏe, đẻ nhánh tập trung, đồng đều, hạn chế sâu bệnh phát sinh, lây lan. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) cho biết, qua phân tích lượng đạm trong đất trên đồng ruộng ở một số địa phương cho thấy, hiện đang dư thừa. Do vậy, người dân cần lưu ý, bỏ thói quen bón thừa đạm làm cho cây lúa bị lốp, yếu. Trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo sản xuất tại các địa phương, Chi cục đã kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các loại phân bón.
Trước tình hình giá vật tư phân bón tăng mạnh, người nông dân cần sử dụng các loại phân bón một cách hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí. Về lâu dài, các cơ quan chức năng, người nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ thay thế phân hóa học để giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập và bảo đảm sản xuất phát triển bền vững. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình tự sản xuất, tái chế phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, phế phẩm, phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp... đạt hiệu quả tốt. Cần phổ biến và nhân rộng phong trào, mô hình này để vừa tạo nguồn phân bón tại chỗ cho sản xuất nông nghiệp, vừa giảm tải cho công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Đây mới là những biện pháp căn cơ để thích ứng giá phân bón trước thị trường vật tư nông nghiệp không ổn định như hiện nay./.
Bài và ảnh: Văn Đại